Tín dụng các ngành kinh tế đều giảm trừ BĐS
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 sáng 14/3, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp, thực thi chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, phù hợp kinh tế thị trường và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Kết quả đến 28/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với năm 2023, trong đó ngành nông nghiệp giảm 0,17%, công nghiệp xây dựng giảm 0,13%, thương mại dịch vụ giảm 0,91%, đáng chú ý tín dụng bất động sản tăng 0,23%, cho vay phục vụ tiêu dùng giảm 1,77%. Có thể thấy hầu hết các ngành kinh tế đều giảm trừ lĩnh vực bất động sản.
“Tuy nhiên tăng trưởng thấp trong các tháng đầu năm là hiện tượng phổ biến. Bình quân tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm trong giai đoạn 2013 – 2023 là 0,56%. Năm 2014 – 2018 và 2024 thì tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm đều âm”, ông nói.
Về nguyên nhân, ông Hùng chỉ ra, thị trường vốn gặp nhiều khó khăn dẫn đến áp lực vốn trung dài hạn, kể cả vốn ngắn hạn chuyển sang vốn tín dụng ngân hàng, trong khi doanh nghiệp căng mình chống chọi với sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nền kinh tế với xung đột địa chính trị thế giới làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đơn hàng sụt giảm dẫn đến nguồn lực, tài sản cạn kiệt. Bên cạnh đó áp lực trả nợ các khoản cơ cấu theo Thông tư 02 rất lớn, dẫn đến không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn.
Thứ hai, ngành ngân hàng đối diện với áp lực nợ xấu hiện hữu trong bối cảnh Nghị quyết 42 hết hiệu lực, thị trường bất động sản trầm lắng, dẫn đến xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba là cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tiếp tục khó khăn khi nhiều người vay cố tình không trả nợ, cá biệt còn thành lập hội nhóm bùng nợ công khai trên mạng xã hội, dẫn đến các tổ chức tín dụng thu hẹp phạm vi, đối tượng cho vay.
Thứ tư là hành vi gian lận tội phạm công nghệ cao, tội phạm rửa tiền diễn ra ngày càng táo bạo, tinh vi. Thứ năm là việc triển khai một số chương trình, chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội, một số điều kiện đối với người mua nhà không phù hợp với nguồn lực, nguồn thu nhập và khả năng trả nợ của khách hàng.
Dòng vốn ngân hàng không phải chủ lực giúp DN vượt khó
Về kiến nghị, đề xuất, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng: Dòng vốn tín dụng ngân hàng chỉ là dòng vốn bổ sung, không phải dòng vốn chủ lực để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy cần sự chung tay, tháo gỡ khó khăn của các Bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng.
Trên cơ sở đó Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương phối hợp với ngành ngân hàng triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Cụ thể như xúc tiến thương mại, hoàn thuế VAT, và một số chương trình khác, đồng thời đẩy mạnh đầu tư công, kích cầu tiêu dùng.
Tiếp đến là tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, đặc biệt về đất đai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mới, mở rộng sản xuất kinh doanh theo tiến độ, đơn giản hóa quy trình đầu tư, thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
“Đề nghị Chính phủ cho phép ngân hàng có vốn Nhà nước tăng vốn điều lệ, lợi nhuận và điều lệ để lại của các ngân hàng để giúp các tổ chức tín dụng tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế”, ông Hùng nêu.
Ông cũng cho rằng, cần rà soát các quy định liên quan phát triển bền vững của thị trường vốn để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn và theo thông lệ quốc tế, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Xem xét ban hành, sửa đổi, bổ sung Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số một cách toàn diện của ngành ngân hàng.
Với NHNN, ông đề nghị cho phép tổ chức tín dụng cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ với nợ gốc phát sinh từ năm 2023, kéo dài đến 31/12/2024 thay vì 30/6/2024.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tin-dung-tang-truong-thap-cac-thang-dau-nam-la-hien-tuong-pho-bien-a654087.html