Tại diễn đàn người lao động năm 2023 diễn ra chiều 28/7, nhiều ý kiến đại diện đoàn viên công đoàn, người lao động và cán bộ công đoàn các cấp đều bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động.
Bên lề diễn đàn, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đinh Sỹ Phúc – Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty Taekwang Vina, tỉnh Đồng Nai chia sẻ xoay quanh vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động.
Ông Phúc cho biết, người lao động nhập cư ở đơn vị ông cũng rất đông và tỉ lệ ở nhà trọ rất lớn. Vì vậy, người lao động rất quan tâm vấn đề làm sao có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội.
Ông cũng chỉ ra, người lao động thường có mức lương 7-8 triệu nên việc tích lũy hầu như không đáng kể, có chăng cũng chỉ còn lại số tiền rất ít.
“Với số tiền rất ít này làm sao để tiếp cận được nhà ở xã hội?”, cho rằng đây là câu hỏi, do đó ông Phúc gửi gắm tâm tư của người lao động rất mong muốn Quốc hội và các bộ ngành liên quan có những giải pháp giúp người lao động trong thời gian tới.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 6.
“Người lao động rất kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Nhà ở lần này. Bởi, người lao động luôn có nguyện vọng làm sao tiếp cận được những căn hộ, ngôi nhà, hoặc căn phòng của riêng mình”, ông Phúc bày tỏ.
Đồng thời, ông Phúc cũng mong muốn rằng việc xây dựng Luật trên tinh thần làm sao người lao động (nhóm có thu nhập thấp) có thể tiếp cận được nhà ở.
Trước đó, phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Việt Anh – đoàn viên Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel nêu ý kiến, cách đây mấy chục năm, khi đất nước còn rất nghèo, nhưng gần như nơi nào có nhà máy, xí nghiệp đông công nhân thì nơi đó đều có khu tập thể, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa.
Đến nay, đất nước đã phát triển hơn nhưng rất nhiều khu công nghiệp có hàng trăm nghìn công nhân nhưng nhà chung cư chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Công nhân đành phải thuê nhà dân, do tiền ít nên thuê nhà chật hẹp, không đảm bảo an toàn.
Ông Việt Anh chia sẻ: “Chúng tôi chứng kiến nhiều gia đình công nhân 4-5 người ở vỏn vẹn trong hơn 10m2, con nằm giường, bố mẹ trải chiếu nằm sàn. Nhiều gia đình không muốn cho con ở cùng mà phải gửi về quê, đỡ tốn kém. Có người lao động sắp đến ngày sinh nhưng chủ nhà trọ đòi nhà; có người khi giáp Tết, công ty nợ lương nên không dám về, ở lại, chủ nhà lại đòi tiền. Trong thời điểm đó rất may có công đoàn kịp thời hỗ trợ một phần…”.
Do đó, ông rất mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm vấn đề nhà ở cho công nhân, bởi nếu họ được quan tâm thì sẽ an cư lạc nghiệp, có năng suất lao động tốt hơn, góp phần xây dựng đất nước.
Trả lời tại diễn đàn về các vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, một trong những nội dung quan trọng được quy định trong dự thảo Luật Nhà ở đang trình Quốc hội đó là những ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để đẩy mạnh nhà ở xã hội và lưu trú cho công nhân.
Theo đó, dự thảo luật đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ, như dành quỹ đất phù hợp để phát triển nhà ở xã hội đây trách nhiệm của chính quuyền địa phương, cần bố trí quỹ đất phù hợp cho công nhân thu nhập thấp; có chính sách ưu đãi (miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất để chủ đầu tư tiếp cận đất đai phát triển nhà ở xã hội; chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng)… để nhiều chủ đầu tư quan tâm.
Người lao động cũng được hưởng các gói hỗ trợ về lãi suất để tiếp cận được nhà ở xã hội. Đối với nhà lưu trú cho công nhân, đây được cọi là thiết chế quan trọng của khu công nghiệp.
Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng sẽ đầu tư nhà lưu trú công nhân, sau đó cho công nhân thuê với mức giá ưu đãi để giải quyết chỗ ở cho công nhân ngay trong khu công nghiệp.
Các chủ đầu tư xây nhà lưu trú cho công nhân cũng được hưởng chính sách tương tự như xây dựng nhà ở xã hội.
Hiện, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đang phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến đại biểu quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các doanh nghiệp để hoàn thiện cơ chế, chính sách, sẽ trình Quốc hội hội thông qua luật tại kỳ họp thứ 6.
Xem thêm:
>>> Chuyện “con nằm giường, bố mẹ trải chiếu nằm sàn” tại diễn đàn Người lao động
>>> Người lao động quan tâm đến bảo hiểm xã hội, nhà ở.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tien-luong-it-oi-lam-sao-de-nguoi-lao-dong-tiep-can-duoc-nha-o-a619454.html