Theo ghi nhận của Tổng Cục Thống kê, năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước, riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.858,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6% so với năm trước.
Tính riêng trong quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trước tình hình thị trường diễn biến sôi động như trên, theo báo cáo thị trường BĐS mới được Hiệp hội BĐS Việt Nam (VARS) công bố, tỉ lệ lấp đầy các TTTM từ đó cũng khởi sắc, vượt mức trên 90% với giá thuê duy trì được đà tăng trưởng tích cực.
Cụ thể, tại thị trường Hà Nội, giá thuê các TTTM hiện vẫn duy trì mức giá dao động từ 45-60 USD/m2/tháng.
Đối với thị trường kinh tế nhộn nhịp hàng đầu như Tp.Hồ Chí Minh, khu vực trung tâm duy trì mức giá cao lên đến 140 USD/m2/tháng. Các khu vực ngoại trung tâm cũng có mức giá tăng nhẹ, tiệm cận mức 40 USD/m2/tháng.
Phát biểu tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch HĐQT Vincom Retail Trần Mai Hoa cho biết xu hướng bán lẻ trong tương lai và mô hình TTTM nào có tiềm năng dòng tiền tốt, bà Mai Hoa cho rằng cơ cấu khách bán lẻ chuyên nghiệp vẫn chọn TTTM là phương án tối ưu bởi nhiều yếu tố.
Cụ thể, chi phí bán hàng tại các kênh online tương đối cao; thói quen của người Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung vẫn chuộng việc trải nghiệm cảm giác mua sắm tại TTTM; không chỉ bán hàng mà các TTTM còn tích hợp địa điểm ăn uống, vui chơi nên vẫn là địa điểm thu hút khách hàng đến mua sắm trực tiếp….
Dưới góc độ của doanh nghiệp, lãnh đạo Vincom Retail nhận định kinh tế và môi trường kinh doanh năm 2024 khởi sắc hơn so với năm 2023, do đó thị trường bán lẻ vẫn sẽ giữ vững đà hồi phục, việc kinh doanh phân khúc BĐS cho thuê bán lẻ vẫn được đánh giá sẽ đem lại nguồn thu chính dồi dào cho doanh nghiệp trong năm 2024.
Kích cầu tiêu dùng từ tâm lý khách hàng
Nêu quan điểm về tình hình trên, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS cho rằng bán lẻ là một trong những ngành kinh tế năng động nhất của Việt Nam có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục và ấn tượng trong hàng thập kỷ.
Đồng thời, trải qua đại dịch Covid-19, khi hàng loạt ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề, đình trệ và đến thời điểm hiện tại chưa thể hồi phục thì ngay thời điểm đầu năm 2022, ngành bán lẻ đã ngay lập tức phát đi những tín hiệu phục hồi nhanh chóng.
Theo số liệu được công bố, tính chung cả năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước và tăng 15% so với năm 2019- năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
“Điều đó cho thấy thị trường BĐS thương mại bán lẻ tại Việt Nam còn rất hấp dẫn với nhiều dư địa, tiềm năng phát triển”, ông Đính nhận định.
Phân tích kỹ hơn, đại diện VARS cho rằng Việt Nam sở hữu nhiều yếu tố có khả năng kích cầu cho phân khúc BĐS cho thuê bán lẻ.
Đầu tiên, sự tăng trưởng nhanh chóng của dân số, tốc độ phát triển đô thị và thu nhập, đã và đang tạo ra nhu cầu lớn về BĐS, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ khi mà người dân đang tìm kiếm những không gian sống và mua sắm tiện nghi hơn.
Trong khi đó, chính sách đầu tư vào cải thiện hạ tầng giao thông, bao gồm các dự án xây dựng đường cao tốc và đường sắt đô thị, đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc di chuyển và kết nối giữa các khu vực đô thị.
Đặc biệt, về tâm lý tiêu dùng, ông Đính cho rằng người tiêu dùng ở Việt Nam đang trở nên ngày càng thông minh và có nhu cầu cao về trải nghiệm mua sắm. Họ không chỉ tìm kiếm các sản phẩm chất lượng mà còn đòi hỏi sự đa dạng và tiện lợi trong việc mua hàng.
Điều này tạo ra cơ hội cho các nhận hàng bán lẻ để phát triển các mô hình kinh doanh mới, bao gồm cả các trung tâm mua sắm tích hợp nhiều dịch vụ, khu vực mua sắm dành riêng cho giải trí, và ẩm thực và các cửa hàng trải nghiệm sản phẩm.
Chiến lược đa kênh dần trở nên phổ biến
Về triển vọng nguồn cung thị trường trong giai đoạn 2024 đến 2026, báo cáo của Savills Việt Nam cho biết, nguồn cung bán lẻ dự kiến sẽ tăng thêm 247,601m2 từ nay đến năm 2025, sẽ có thêm bốn trung tâm mua sắm và 11 khối đế bán lẻ.
Bà Hoàng Nguyệt Minh – Giám đốc Cấp Cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội cho rằng xu hướng thị trường bán lẻ trong thời gian sắp tới sẽ được định hình bởi các yếu tố như tăng chi tiêu cho dịch vụ, hướng tới các cửa hàng có tính bền vững và thân thiện với môi trường, cùng với việc tập trung cung cấp trải nghiệm độc đáo cho khách hàng.
Bên cạnh đó, hình thức kết hợp giữa mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến thông qua chiến lược bán lẻ đa kênh cũng đang trở nên phổ biến, mang đến trải nghiệm mua sắm linh hoạt và tiện lợi cho khách hàng.
Tuy vậy, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh triển vọng thị trường BĐS cho thuê bán lẻ Việt Nam trong năm 2024 sẽ đối mặt với cả cơ hội và thách thức.
Một mặt, nguồn cung BĐS cho thuê bán lẻ vẫn còn hạn chế, và các chủ đầu tư uy tín đang nắm giữ phần lớn nguồn cung chất lượng cao, đặc biệt tại các khu vực trung tâm thành phố. Điều này yêu cầu các nhà bán lẻ cần phải xây dựng mối quan hệ tốt và sẵn sàng trả giá thuê cao hơn để tiếp cận những vị trí đắc địa.
Mặt khác, số lượng các chủ đầu tư uy tín cung cấp dự án chất lượng cao ở các khu vực ngoại ô thành phố tăng lên, tạo cơ hội cho các nhà bán lẻ có thêm lựa chọn về vị trí và khả năng chi trả.
Ngoài ra, thách thức về nguồn cung hạn chế ở các khu vực trung tâm thành phố vẫn tồn tại, với chỉ 0,4% nguồn cung tương lai nằm ở khu vực trung tâm, đòi hỏi các nhà bán lẻ phải tiếp tục tìm kiếm giải pháp và linh hoạt trong việc lựa chọn vị trí và mô hình kinh doanh.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tiem-nang-but-toc-nao-cho-mang-bds-ban-le-viet-nam-trong-nam-2024-a663229.html