Nhiều trường ở Hà Nội dồn sức ôn tập cho học sinh trước kỳ thi vào lớp 10
Thông tin trên VOV, tại trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình, năm nay có 923 học sinh thi vào lớp 10, hiện nhà trường chia làm 3 giai đoạn để đảm bảo học sinh ôn tập hiệu quả.
Trao đổi với báo chí cô Nguyễn Thị Phương Lan, giáo viên nhà trường cho biết: “Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn xác định là xây nền đổ móng. Giai đoạn này thì tất cả các thầy cô sẽ tập trung chú trọng để rèn các kỹ năng cơ bản cho các con. Soạn 1 bộ tài liệu rút gọn để dành cho những học sinh yếu kém. Các lớp học do các thầy cô dạy miễn phí cũng đã được mở để các con có thể đến trường và học thêm kiến thức”.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Như Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy thông tin: “Chúng tôi sẽ tiến hành 3 mũi tam giác, tam giác thứ nhất đó là tam giác về kiến thức, đúng, đủ và chắc. Phần thứ 2 là về tâm lý, tâm thế cho các học sinh. Các con sẽ chỉ bước vào kỳ thi tốt nhất nếu các con có một tâm thế tốt nhất đó là tam giác thứ 2. Tam giác thứ 3 mà chúng tôi trọng tâm đó chính là sức khoẻ”.
Năm nay tỉ lệ “chọi” cao chưa từng thấy, để có thể giành một suất vào lớp 10 công lập, Trịnh Sơn (học sinh Trường THCS Đống Đa) chia sẻ trên Vietnamnet, đã phải cày ngày, cày đêm; luôn trong tình trạng “ngập trong sách vở”. Nam sinh thừa nhận, việc phải ôn luyện liên tục, có khi tới 1–2 giờ sáng khiến em thường xuyên không ngủ đủ giấc và luôn trong trạng thái mệt mỏi.
“Có những ngày cắn vội miếng bánh mì để chạy tới lớp học thêm, dù đã học miệt mài nhưng đôi khi em vẫn rơi vào cảm giác bị thiếu kiến thức. Thời gian ôn thi nước rút, em không muốn để lãng phí bất kỳ giây phút nào”, Sơn nói.
Dù năm nay, chỉ tiêu vào lớp 10 công lập của Hà Nội đã tăng 1.000 chỉ tiêu so với năm ngoái, nhưng số học sinh dự thi cũng tăng mạnh. Nhận thức rõ điều này, các học sinh đều rất cố gắng lập kế hoạch ôn tập cho bản thân để việc học đạt hiệu quả cao nhất:
“Môn mà con không tự tin nhất là môn Tiếng Anh vì môn Tiếng Anh con học không tốt lắm, nên con sẽ dành nhiều thời gian hơn cho môn học này cũng là học thêm nhiều hơn so với bình thường, nhưng con không quá đè nặng việc là mình phải học thật là nhiều, thật là gấp”.
“Con sẽ lập ra những việc mà con sẽ làm trong một ngày và sẽ cố gắng hoàn thành theo đúng thời gian mà con đã đặt ra”.
Hiện nhiều trường đã hoàn thành kiểm tra khảo sát chất lượng học sinh khối 9 đối với 3 môn sẽ thi vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Từ kết quả khảo sát này, các trường sẽ tổ chức chia nhóm học sinh theo học lực, từ đó bổ trợ kiến thức cho các em phù hợp hơn.
Tỉ lệ chọi lớp 10 công lập tại Hà Nội cao nhất trong 7 năm qua
Năm 2023, Tp.Hà Nội sẽ có khoảng 129.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, nhưng chỉ có khoảng 72.000 học sinh (trên 55%) được tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập. Để giành được một suất vào học các trường công lập, các học sinh sẽ phải cạnh tranh rất lớn trong kỳ thi vào lớp 10 sẽ được tổ chức vào đầu tháng 6. Đây là năm có số lượng học sinh đăng ký dự thi lớp 10 đông nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.
Theo số liệu trên Vietnamnet với tổng chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 69.020, dù đã tăng thêm so với năm học 2021-2022, thì vẫn sẽ có khoảng 40% học sinh Hà Nội không có cơ hội vào lớp 10 THPT công lập. So với 6 kì tuyển sinh gần nhất, “tỉ lệ chọi” trung bình vào lớp 10 công lập Hà Nội năm nay cũng là cao nhất với 1/1,54.
Điển hình nếu xét riêng theo từng trường, THPT Yên Hòa đứng đầu danh sách với tỉ lệ lên đến 1/3,03, theo sau là các trường THPT Chu Văn An (1/2,87), THPT Sơn Tây (1/2,73), THPT Nhân Chính (1/2,53), THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông (1/2,51)….
Năm nay, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập tại Hà Nội sẽ diễn ra trong hai ngày 18 – 19/6 với ba môn Ngữ văn, Ngoại ngữ và Toán. Bài thi môn Toán và Ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút.
Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh lựa chọn 1 trong 5 thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn (thí sinh được đăng ký thi thứ tiếng Ngoại ngữ khác với thứ tiếng ngoại ngữ đang học tại trường THCS). Bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 60 phút, có nhiều mã đề thi trong một phòng thi đảm bảo nguyên tắc có 2 thí sinh liền kề không trùng mã đề.
Đề thi môn Toán và Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao; đề thi môn Ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng. Trong đề thi, mức độ yêu cầu kiến thức và kỹ năng của đề thi được tinh giảm phù hợp với thời gian, đảm bảo theo đúng hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học tại các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Dự kiến, chậm nhất đến ngày 9/7, Hà Nội sẽ công bố kết quả thi tới thí sinh.
Theo kế hoạch tuyển sinh của thành phố Hà Nội, trong số khoảng 129 nghìn học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, chỉ có trên 72 nghìn học sinh, tương đương trên 55% sẽ vào học lớp 10 các trường THPT công lập. Số học sinh còn lại sẽ theo học các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp… Số học sinh lớn, trong khi chỉ tiêu vào học các trường THPT công lập có giới hạn, nên kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội vẫn được xem là một trong những kỳ thi khó khăn nhất. Vì thế, ngoài việc đảm bảo kiến thức thì các nhà trường cũng chú ý đến giảm áp lực về tâm lý cho học sinh.
Trúc Chi (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/ti-le-choi-lop-10-cong-lap-cao-hoc-sinh-cang-minh-on-tap-a600378.html