Lãnh đạo các quốc gia giàu có và quyền lực nhất thế giới sẽ tề tựu tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 kéo dài 2 ngày (9-10/9). Đây là lần đầu tiên quốc gia Nam Á này đón tiếp một loạt các lãnh đạo thế giới đầy quyền lực như vậy.
Với tư cách là chủ tịch và chủ nhà của G20 năm nay, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khéo léo sử dụng các sự kiện dẫn đến Hội nghị Thượng đỉnh để nâng cao vị thế của Ấn Độ trên trường thế giới và tăng cường ảnh hưởng trong nước của chính mình. Hơn nữa, ông Modi coi nhiệm kỳ chủ tịch G20 là cơ hội để thể hiện uy tín của Ấn Độ với tư cách là cầu nối giữa các nước Nam Bán cầu và phương Tây.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar từng mô tả chính sách đối ngoại của Delhi bằng thuật ngữ “phòng ngừa rủi ro” – giống như trò tung hứng với những quả bóng đòi hỏi sự tự tin và khéo léo để “không đánh rơi quả nào”.
G20 là gì, mạnh cỡ nào?
Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu hàng đầu thế giới (G7) nhận thấy sự cần thiết phải tạo ra khuôn khổ mới để đối thoại với các cường quốc kinh tế lớn khác nhằm giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu.
Khuôn khổ mới ban đầu gồm 22 thành viên vào năm 1997, rồi nhanh chóng tăng lên với 33 thành viên vào đầu năm 1999, và sau đó hình thành hình thức cuối cùng bao gồm 19 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 9/1999.
Cụ thể, G20 hiện tại bao gồm các nước G7 (Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản, Canada, Italy), các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), các nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn (Australia, Argentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Ả Rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ) và EU.
Khối này hiện chiếm 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, 75% thương mại quốc tế và khoảng 2/3 dân số thế giới.
Trong những năm đầu, G20 chỉ có các cuộc gặp gấp Bộ trưởng Tài chính. Nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, lãnh đạo các quốc gia thành viên đã nhất trí gặp nhau mỗi năm một lần, và từ đó hình thành Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Điều quan trọng cần lưu ý là G20 là một nhóm không chính thức. Điều này có nghĩa là không giống như Liên hợp quốc (LHQ), G20 không có ban thư ký hoặc thành viên thường trực, và cũng không có trụ sở chính. Chức Chủ tịch G20 được luân chuyển hàng năm giữa các thành viên. Chủ tịch G20 chịu trách nhiệm tập hợp chương trình nghị sự của nhóm với các hoạt động và tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2022 diễn ra ở Indonesia, và Ấn Độ sẽ bàn giao chức chủ tịch G20 cho Brazil vào ngày 1/12 tới.
G20 còn mang tính không chính thức theo một nghĩa khác: Mặc dù các quyết định của G20 rất quan trọng nhưng chúng không được thực hiện một cách tự động.
Đúng hơn, G20 là một diễn đàn nơi các nhà lãnh đạo thảo luận nhiều vấn đề khác nhau và đưa ra những tuyên bố thể hiện ý định của họ. Sau đó, chúng sẽ được các quốc gia hoặc tổ chức quốc tế liên quan thực hiện. Chẳng hạn, nếu G20 đưa ra tuyên bố về thương mại thì việc thực hiện tuyên bố đó trên thực tế sẽ được thực hiện bởi một tổ chức như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
“Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai”
Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần thứ 18 sẽ khai mạc vào ngày 9/9 tại Trung tâm hội nghị Bharat Mandapam mới được xây dựng ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, với chủ đề bắt nguồn từ cụm từ tiếng Phạn “Vasudhaiva Kutumbakam” (Thế giới là một Gia đình).
Theo ban tổ chức, chủ đề được lấy từ một văn bản tiếng Phạn cổ. Cụm từ này nêu bật “giá trị của mọi sự sống của con người, động vật, thực vật và vi sinh vật – cũng như mối liên hệ giữa chúng trên hành tinh Trái đất và trong vũ trụ rộng lớn hơn”.
Chủ đề bằng tiếng Anh là: “One Earth, One Family, One Future” (Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai). Ban tổ chức cho biết, sự kiện này cũng sẽ tập trung vào LiFE (Mission Lifestyle for Environment – Sứ mệnh lối sống vì môi trường), “với những lựa chọn liên quan, bền vững với môi trường và có trách nhiệm”.
Chèo lái “con tàu” G20 vượt qua “đại dương” của những rạn nứt giữa các khối khác nhau trên thế giới về xung đột Nga-Ukraine sẽ là một “hành động ngoại giao cấp cao” đối với Ấn Độ, ông Milan Vaishnav, giám đốc Chương trình Nam Á tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (CEIP) nhận xét.
Khách mời tham dự hội nghị
Các nhà lãnh đạo thế giới đã xác nhận tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 là Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Canada Justin Trudeau, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã quyết định vắng mặt.
Dẫn đầu phái đoàn Nga là nhà ngoại giao hàng đầu của ông Putin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, còn phái đoàn Trung Quốc do Thủ tướng Lý Cường dẫn đầu.
Đây sẽ là lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc bỏ lỡ Hội nghị Thượng đỉnh G20 kể từ lần đầu tiên sự kiện cấp cao này được tổ chức vào năm 2008. Vào năm 2020 và 2021, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, ông Tập đã tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến.
Tổng thống Putin đã không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm ngoái ở Bali, Indonesia, và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần thứ 16 ở Rome, Italy thông qua liên kết video.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak dự kiến sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ở New Delhi trong chuyến công du chính thức đầu tiên của ông tới Ấn Độ với tư cách Thủ tướng Anh.
Chuyến đi của Thủ tướng Australia Anthony Albanese tới Ấn Độ sẽ là một phần trong chuyến công du 3 nước của ông, trong đó có Indonesia và Philippines.
Truyền thông Ấn Độ đưa tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể sẽ tham dự và tổ chức các cuộc đàm phán song phương với Thủ tướng Modi.
Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed Bin Salman (MBS) và Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cũng có khả năng sẽ tham dự sự kiện.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói với hãng tin AP rằng tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này, ông sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng kiên quyết trước “các hành động khiêu khích tên lửa và đe dọa hạt nhân ngày càng leo thang của Triều Tiên, đồng thời hợp tác chặt chẽ với nhau về phi hạt nhân hóa”.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Hội nghị Thượng đỉnh G20 rất quan trọng dù không có sự tham gia của Nga và Trung Quốc. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng dự kiến tới thăm Ấn Độ và tập trung thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu.
Theo truyền thông Ấn Độ, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez và Tổng thống Nigeria Bola Tinubu cũng dự kiến sẽ tham dự, trong khi Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador có thể sẽ không đến.
Ngoài các quốc gia thành viên, các quốc gia khác được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay là Bangladesh, Ai Cập, Mauritius, Hà Lan, Nigeria, Oman, Singapore, Tây Ban Nha và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Các tổ chức như Liên Hợp Quốc (LHQ), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đã được mời.
Chủ nhà Ấn Độ còn mời Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế (ISA), Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thảm họa (CDRI) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tham dự Hội nghị Thượng đỉnh kéo dài 2 ngày này.
Trọng tâm nghị sự
Mỗi Hội nghị Thượng đỉnh thường kết thúc với một tuyên bố hoặc thông cáo chung được tất cả các thành viên đồng ý. Nó vạch ra quan điểm chung về các vấn đề như xung đột quốc tế, các cam kết liên quan đến biến đổi khí hậu, các lĩnh vực hợp tác trong tương lai…
Mặc dù không có chương trình nghị sự cụ thể nào được đề cập ngay từ đầu, nhưng sự hợp tác và tính bền vững liên quan đến biến đổi khí hậu rộng hơn đã được chỉ ra trong các tuyên bố chính thức của G20.
Dưới sự chủ trì kéo dài một năm của Ấn Độ, G20 đã tập trung thảo luận về nhiều khoản vay hơn cho các quốc gia đang phát triển từ các tổ chức đa phương, cải cách cơ cấu nợ quốc tế, các quy định về tiền điện tử và tác động của những bất ổn địa chính trị đối với an ninh lương thực và năng lượng.
Nhưng với 185 cuộc họp cho đến nay, bao gồm 13 cuộc họp cấp Bộ trưởng, G20 năm 2023 chưa thể đưa ra bất kỳ tuyên bố chung nào do bị chia rẽ sâu sắc về ngôn ngữ khi đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine.
Trong khi Moscow và Bắc Kinh phản đối việc đổ lỗi cho Nga về cuộc chiến, các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Pháp và Canada, lại tìm kiếm sự lên án mạnh mẽ như điều kiện cần thiết cho một tuyên bố chung.
Hơn nữa, Ấn Độ đang đề xuất, với sự hậu thuẫn của Đức, cấp tư cách thành viên G20 đầy đủ cho Liên minh châu Phi (AU) – một tổ chức gồm 55 quốc gia thuộc “lục địa đen”.
Cuối cùng, còn phải chờ xem Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra vào cuối tuần này sẽ thành công như thế nào.
Minh Đức (Theo Al Jazeera, Bloomberg, Indian Express)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/thuong-dinh-g20-noi-hoi-tu-lanh-dao-cac-quoc-gia-giau-co-va-quyen-luc-a625287.html