noel giáng sinh vui vẻ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img
More
    Trang chủTiêu điểmThủ tướng: Sẽ tổ chức cuộc họp gỡ khó cho thị trường...

    Thủ tướng: Sẽ tổ chức cuộc họp gỡ khó cho thị trường BĐS trong tháng 2

    Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS bởi đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan như trái phiếu.

    Ngày 2/2, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1 với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Phiên họp được truyền trực tuyến tới các địa phương cả nước.

    Tiếp tục gỡ khó cho thị trường bất động sản

    Thủ tướng đánh giá trong tháng 1 dù ngày nghỉ kéo dài nhưng các hoạt động vẫn được triển khai. Tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm, thu ngân sách tăng; xuất siêu 3,6 tỷ USD. Tình hình tiền tệ ngân hàng ổn định, sức ép tỉ giá giảm dần.

    Các ngành duy trì ổn định, sản xuất nông nghiệp được mùa được giá; số lao động làm việc tăng; thương mại dịch vụ tăng cao, thu hút đầu tư FDI và khách quốc tế tăng; an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm, hỗ trợ cho 25 triệu đối tượng chính sách xã hội với kinh phí khoảng 9.500 tỷ đồng…

    Tiêu điểm - Thủ tướng: Sẽ tổ chức cuộc họp gỡ khó cho thị trường BĐS trong tháng 2

    Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1 với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: VGP).

    Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng có những thách thức lớn. Đó là sức ép lạm phát, đơn hàng bị cắt giảm, rủi ro tài chính tiềm ẩn.

    Độ mở kinh tế lớn nên dễ tác động tới kinh tế trong nước, các động lực tăng trưởng bị tác động tiêu cực, một số tồn đọng chưa được khắc phục. Việc triển khai các chương trình phục hồi còn chậm, dàn trải…

    Đặc biệt, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế, cần giảm lãi suất cho vay. Du lịch có xu thế phục hồi song cần nâng chất lượng hoạt động, tính liên kết…

    Nêu cao tinh thần không chủ quan, luôn bản lĩnh, linh hoạt, Thủ tướng yêu cầu cần đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương, chung sức đồng lòng; đề cao tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu, chủ động sáng tạo của người đứng đầu.

    Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh ba đột phá chiến lược, tập trung nguồn lực cho tiêu dùng, tăng trưởng, xuất khẩu; đảm bảo các cân đối lớn, tìm điểm cân bằng, hài hòa giữa lãi suất và tỉ giá, tăng trưởng và lạm phát, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, tình hình bên trong và bên ngoài.

    Về kiểm soát lạm phát, chú trọng nhóm trong “rổ hàng” có tác động lớn; điều hành thận trọng các mặt hàng nhà nước quản lý, bảo đảm cung cầu thiết yếu; hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, miễn giảm thuế, phí, lệ phí, cải cách hành chính.

    Tiêu điểm - Thủ tướng: Sẽ tổ chức cuộc họp gỡ khó cho thị trường BĐS trong tháng 2 (Hình 2).

    Chính phủ sẽ tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2/2023 (Ảnh: Phạm Tùng).

    Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Trong bối cảnh hiện nay, cần thực hiện đồng thời cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong đó chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.

    Bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp, hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

    Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp. Tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2.

    Khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

    Sử dụng hiệu quả 400.000 tỷ đồng tăng thu năm 2022

    Về bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật (tăng cường chuyển đổi số kết hợp dữ liệu dân cư để sớm triển khai thanh toán, thu phí, lệ phí, thuế bằng công nghệ số, nhất là dịch vụ ăn uống).

    Triệt để tiết kiệm chi, chống lãng phí, kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không thực sự cần thiết; ưu tiên chi đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, chiến lược. Tiếp tục đề xuất các giải pháp miễn giảm thuế, phí, lệ phí phù hợp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính…

    Thủ tướng nêu rõ, năm 2022, cả nước có 400.000 tỷ đồng tăng thu, phải sử dụng có hiệu quả để hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, các địa phương phải quán triệt tinh thần này, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, Bộ Tài chính hướng dẫn để thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

    Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình thế giới, trong nước, nhất là chính sách của các nền kinh tế lớn, sự dịch chuyển, các xu hướng lớn toàn cầu và tác động đến nước ta, chủ động, kịp thời báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định hướng, giải pháp phù hợp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU