Chiều 3/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Năm vừa qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản.
Vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” của EC
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: “Năm qua, ngành nông nghiệp tổ chức nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế; triển khai có hiệu quả nhiều Đề án, Chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển ngành như Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn; Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao”.
Bên cạnh những thành tích đạt được, ngành nông nghiệp cũng nhìn nhận đối mặt với một số khó khăn, hạn chế. Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa thật sự ổn định; còn điểm nóng về phá rừng, chưa gỡ được “Thẻ vàng” của EC; sạt lở bờ sông, bờ biển, tiếp tục diễn ra. Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn những bất cập so với yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0 – 3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 – 55 tỷ USD…
Để đạt được những mục tiêu cho năm tiếp theo, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện các luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.
Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 16,2% so với năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 9,2 tỷ USD, giảm 22,9% so với năm 2022.
Mặc dù có tín hiệu phục hồi tích cực trong những tháng gần đây, nhưng tốc độ phục hồi chậm bởi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, nhu cầu vẫn còn thấp. Do đó, tình hình xuất khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ nhìn chung vẫn trong xu hướng giảm. Ước tính xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2023 chỉ đạt 79% kế hoạch đề ra hồi đầu năm.
“Thời gian qua, doanh nghiệp lâm nghiệp đã chuyển đổi mạnh mẽ, đồng hành cùng cam kết của Thủ tướng tại Hội nghị COP26 về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Ngô Sỹ Hoài nhận định vai trò quan trọng của doanh nghiệp gỗ.
Năm chuyển đổi mạnh mẽ của ngành nông nghiệp
Lắng nghe những chia sẻ, trước những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ: “Trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành nông nghiệp đã vượt cơn gió ngược, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Ngành nông nghiệp Việt Nam từ bị động, lúng túng đã chuyển trạng thái sang chủ động, tự tin, sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến để xoay chuyển tình thế. Về sản xuất, chế biến, người dân và doanh nghiệp cũng chuyển trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang đột phá trong nông nghiệp”.
Theo đó, toàn ngành đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu là ngành hàng rau quả, với con số kỷ lục 5,6 tỷ USD, cao gấp rưỡi so với kỷ lục được thiết lập trước đó vào năm 2018 là 3,81 tỷ USD. Bên cạnh đó, sầu riêng vươn lên trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu số 1, với kim ngạch hơn 2 tỷ USD trong năm 2023.
Thủ tướng khẳng định, nền kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong khu vực, theo đánh giá của các ngân hàng phát triển đa phương. Trong đó, thương mại nông, lâm, thủy sản góp phần ổn định đời sống người dân. Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực đã trở thành nhà xuất khẩu gạo nằm trong tốp 3 thế giới.
Năm 2023, quy mô kinh tế nước ta đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, thu nhập GDP khoảng 4.300 USD/người. “Trong thành tích chung của cả nước, nông nghiệp được mùa, được giá. Tôi ghi nhận, đánh giá cao đóng góp của toàn ngành; đời sống bà con được nâng lên rõ rệt, đồng bào càng thêm vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, sản xuất lương thực, thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát lạm phát. Dịch vụ ăn uống chiếm 33,56% trong “rổ” hàng hóa dịch vụ tính CPI.
Các kết quả góp phần khắc phục giải quyết, đạt mục tiêu, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, trách nhiệm, nông dân thực sự là chủ thể, trung tâm của xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững. Bên cạnh khái quát một số kết quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số điểm quan trọng khác.
Thứ nhất, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và xây dựng thể chế, Bộ NN&PTNT đã cùng các Bộ, ngành, các địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ một cách linh hoạt, sáng tạo, tập trung xây dựng, trình nhiều chương trình, đề án, tổ chức nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế. Cùng các Bộ, ngành xây dựng một số luật được thông qua như Luật Bất động sản, Luật Nhà ở và tích cực hoàn thiện luật liên quan đến nông nghiệp như Luật Đất đai, Luật Tổ chức tín dụng.
Bộ NN&PTNT cũng đã chủ động đề xuất lãnh đạo Chính phủ làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản. Trên cơ sở đề xuất của Bộ NN&PTNT, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng ưu đãi 15.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được hơn 70%. Từ đó, Thủ tướng khẳng định Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ về tín dụng cho ngành nông nghiệp.
Thứ hai, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh nông nghiệp thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, công nghiệp hóa nông nghiệp, xây dựng nông dân trí thức. Đây là những tư tưởng mới hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao trình độ, năng lực hiểu biết, cũng như kỹ năng của nông dân.
Thủ tướng nhận định: “Trên tinh thần đó, ngành nông nghiệp đã có tốc độ tăng trưởng GDP 3,83%, cao nhất trong thời gian vừa qua. Theo Thủ tướng, đây là mức đóng góp cao, giải quyết được vấn đề việc làm ở nông thôn, giải quyết lạm phát, khẳng định vai trò trụ đỡ”.
Thứ ba là mở cửa thị trường, phát triển hàng hóa theo chuỗi giá trị, chuyển đổi số, các địa phương triển khai thương mại điện tử tốt.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-nong-nghiep-duoc-mua-duoc-gia-a643742.html