Đến dự chương trình có ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong nước; lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa qua các thời kỳ cùng hàng ngàn người dân và du khách…
Tại buổi lễ, các đại biểu và toàn thể nhân dân đã ôn lại truyền thống lịch sử của vùng đất Khánh Hòa trong suốt chiều dài 370 năm xây dựng và phát triển.
Trong diễn văn kỷ niệm, ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đã khái quát quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh. Cách đây 370 năm, vào năm Quý Tỵ 1653, Cai cơ Hùng Lộc hầu vâng mệnh Chúa Nguyễn Phúc Tần tiến hành công cuộc mở mang, khai khẩn vùng đất từ đèo Cả đến sông Phan Rang và lập nên dinh Thái Khang với 2 phủ trực thuộc là Thái Khang và Diên Ninh.
Sau đó, vùng đất này được đổi tên thành dinh Bình Khang, dinh Bình Hòa, trấn Bình Hòa. Vào năm 1832, dưới thời vua Minh Mạng được đổi tên thành tỉnh Khánh Hòa và địa danh này tồn tại đến ngày nay.
Ông cũng cho biết Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển đảo của Tổ quốc.
Tỉnh cũng là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị di sản độc đáo như đàn đá Khánh Sơn, Tháp bà Ponagar, Bia Võ Cạnh, Thành cổ Diên Khánh…; là địa phương có tính đa dạng về bản sắc văn hóa biển – đảo – sông – núi. Vùng đất này cũng là nơi nuôi dưỡng những người con thuần hậu, hiền hòa, thân thiện, bao dung. Đây cũng là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng.
Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Phú Khánh (giai đoạn 1975 – 1989) và tỉnh Khánh Hòa sau này luôn phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, năng động, sáng tạo, chung sức đồng lòng, đạt được nhiều thành tích quan trọng.
Giai đoạn 2016 – 2020, quy mô GRDP của tỉnh xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, là một trong 18 địa phương có điều tiết ngân sách về Trung ương. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Hệ thống đô thị ven biển được hình thành, tỉ lệ đô thị hóa ở mức cao.
Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế. Văn hóa, xã hội; giáo dục và đào tạo; công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân đạt được nhiều tiến bộ. Công tác dân tộc, tôn giáo và chính sách xã hội, chính sách đối với người có công được thực hiện tốt.
Tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 3,2%. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng. Năm 2022, kinh tế của tỉnh đã phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19, GRDP tăng 20,7%, là mức tăng trưởng cao nhất cả nước.
Đặc biệt, năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương, là một cực tăng trưởng, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Khánh Hòa đã đạt được trong chặng đường đã qua.
Thủ tướng cũng đề nghị, tỉnh Khánh Hòa cần quán triệt, cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân gắn với tăng cường năng lực và phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu.
Ngoài ra, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, sinh thái và sáng tạo. Tập trung xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch bảo đảm tiến độ, chất lượng với tầm nhìn chiến lược.
Phát triển kinh tế – xã hội lấy người dân làm trung tâm, người dân vừa là mục tiêu, động lực vừa là người được hưởng lợi từ thành quả phát triển; bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển…
Sau lễ kỷ niệm là chương trình biểu diễn nghệ thuật Khánh Hòa – Xứ Trầm tỏa hương. Chương trình gồm 3 chương: Linh thiêng và huyền thoại; bất khuất – kiên cường; khát vọng bừng sáng – vững bước tương lai.
Chương trình có sự tham gia biểu diễn của 200 ca sĩ, diễn viên múa chuyên nghiệp, cùng 400 nghệ nhân, diễn viên quần chúng. Trong đó có các nghệ sĩ nổi tiếng như: Tùng Dương, Ploong Thiết, Minh Chuyên, Xuân Hảo, Lan Anh, Thanh Quý, Khánh Chi, Minh Hằng… Sau cùng là màn bắn pháo hoa tầm thấp 15 phút.
Sau đây là một số hình ảnh PV Người Đưa Tin ghi nhận tại chương trình:
Châu Tường
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/thu-tuong-du-le-ky-niem-370-nam-xay-dung-va-phat-trien-tinh-khanh-hoa-a600840.html