Theo Tổng Cục Thuế, năm 2022, ngành Thuế triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác thuế trong bối cảnh tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga-Ukraine kéo dài.
Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng cho sản xuất kinh doanh và đời sống Nhân dân.
Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, tích cực các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.
Nhờ đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều ngành đã từng bước khôi phục. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Đây chính là nền tảng để ngành thuế triển khai các nhiệm vụ chính trị được giao.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2022
Trong năm 2022, tổng thu ngân sách do ngành Thuế quản lý ước đạt 1.460.100 tỷ đồng, bằng 124,3% dự toán phát lệnh (vượt 285.200 tỷ đồng), tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó thu nội địa: ước đạt 1.387.200 tỷ đồng, bằng 121% dự toán pháp lệnh (vượt 240.500 tỷ đồng), tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021. Số thu thuế, phí nội địa ước đạt 1.064.657 tỷ đồng, bằng 116,4% dự toán pháp lệnh (vượt 149.657 tỷ đồng), tăng 5,3% so với thực hiện năm 2021.
Có 17/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán, đặc biệt 3 khoản thu lớn từ khu vực sản xuất, kinh doanh như: Khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đạt 115,7%; Khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 108,1%; Khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 116,3%…
Có 16/19 khu vực khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021 như: Thu từ khu vực DNNN tăng 8,7%; Thu từ khu vực DN có vốn ĐTNN tăng 2,5%; Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 1,4%; Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tăng 24,6%; Lệ phí trước bạ tăng 21,3%; Thu tiền sử dụng đất tăng 13,2%…
Có 63/64 đơn vị thu đều hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán, trong đó có nhiều địa phương đạt khá so với dự toán và tăng cao so với cùng kỳ năm 2021, như:
2 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội đã cán mốc thu trên 300 ngàn tỷ đồng. Thu từ khối DN lớn do Cục Thuế DN lớn quản lý dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ cán đích trên 245 ngàn tỷ đồng.
8 địa phương cán mốc trên 30 ngàn tỷ là: Bà Rịa – Vũng Tàu, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.
4 địa phương cán mốc trên 20 ngàn tỷ là: Quảng Nam, Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi.
Có đến 18 địa phương cán mốc trên 10 ngàn tỷ.
Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến 2030
Trong năm 2022, Tổng cục Thuế đã tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ đã ban hành 04 Nghị định của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trình Bộ Tài chính ban hành 02 Thông tư sửa đổi bổ sung một số quy định về chính sách thuế, quản lý thuế và 40.000 văn bản hướng dẫn, giải đáp cho người nộp thuế (NNT).
Việc ban hành kịp thời những văn bản pháp luật này đã góp phần tích cực trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng, bình đẳng, hỗ trợ kịp thời NNT bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, góp phần thực hiện tốt mục tiêu chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.
Năm 2022 ngành Thuế đã hoàn thành việc xây dựng “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030” và đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/04/2022. Trong đó, trọng tâm của công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và 3 trụ cột cơ bản gồm: Thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; Nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; CNTT hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.
Tổng cục Thuế đã xây dựng 13 đề án thành phần theo các lĩnh vực công tác thuế. Trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2438/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 về Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Quyết định số 2439/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 về Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025.
Đào Vũ
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/thu-ngan-sach-nam-2022-do-nganh-thue-quan-ly-uoc-dat-1460100-ty-dong-a585850.html