Cần sớm giải quyết bài toán thiếu giáo viên, thiếu trường lớp
Trước thực trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại các địa phương, cụ thể là thừa giáo viên ở miền xuôi nhưng lại thiếu giáo viên ở miền núi, vùng khó khăn, thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, Bộ đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng này trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Theo báo Hà Nội Mới, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc giải quyết tình trạng thừa giáo viên các cấp học phổ thông, đến nay, cơ bản các địa phương đã giải quyết được tình trạng thừa giáo viên theo định mức biên chế ở các cấp học.
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022 – 2026; trong đó, năm học 2022 – 2023, tạm giao 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương. Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương tuyển dụng số biên chế được giao và ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Đối với các môn học mới, ngay từ khi xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương quan tâm chuẩn bị điều kiện về đội ngũ, trong đó có chuẩn bị giáo viên ngoại ngữ, tin học cấp tiểu học và các môn học, hoạt động giáo dục mới ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Đồng thời, Bộ cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt, tạo sự thu hút đối với thí sinh vào học các ngành đào tạo giáo viên và để các địa phương đặt hàng đào tạo, bảo đảm đủ nguồn tuyển dụng theo nhu cầu thực tế của từng địa phương.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 3585/BGD&ĐT- NGCBQLGD ngày 2/8/2022 về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW. Trong công văn này, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương khẩn trương tuyển dụng số biên chế được giao và ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt, tạo ra sự thu hút đối với thí sinh vào học các ngành đào tạo giáo viên và để các địa phương đặt hàng đào tạo, bảo đảm đủ nguồn tuyển dụng theo nhu cầu thực tế của từng địa phương.
Theo đó, số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên tăng. Cụ thể, năm 2021: 130.893 thí sinh đăng ký xét tuyển so với tổng số 50.505 chỉ tiêu (năm 2020: 72.436 thí sinh/69.630 chỉ tiêu; năm 2019: 71.467 thí sinh/47.097 chỉ tiêu); số thí sinh nhập học đạt 96% chỉ tiêu.
Thông tin thêm trên Giáo Dục và Thời Đại, Bộ GD&ĐT đã đề nghị các địa phương tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao và tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ- CP. Rà soát, tính toán nhu cầu giáo viên các cấp học, nhất là với các môn học mới để có phương án bố trí nguồn lực và đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên, làm cơ sở để Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu đào tạo, bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên hàng năm của địa phương.
Bộ GD&ĐT đã ban hành theo thẩm quyền các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, danh mục khung vị trí việc làm và định mức giáo viên tiểu học/lớp làm căn cứ để các địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên tiểu học. Tình trạng thiếu giáo viên tiểu học ở một số địa phương đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học. Trong các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giải quyết vấn đề này, cụ thể:
Tham mưu UBND cấp tỉnh chỉ đạo rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên hợp lý, hiệu quả. Đồng thời có biện pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, bảo đảm giáo dục toàn diện học sinh. Khắc phục tình trạng thiếu hoặc bố trí, sử dụng giáo viên không đúng cơ cấu, không phù hợp với chuyên ngành đào tạo đối với cấp tiểu học. Thực hiện điều tiết giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thực hiện linh hoạt, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, được bồi dưỡng về chuyên môn để triển khai thực hiện đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3. Trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức, cần có các giải pháp hợp đồng giáo viên theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, phù hợp với đặc điểm từng cơ sở giáo dục, từng địa phương để đảm bảo “có học sinh thì phải có giáo viên”.
Cùng với đó, phối hợp với các cơ sở đào tạo để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên bằng các hình thức khác nhau như: Giáo viên dạy các môn học mới, đào tạo văn bằng 2, đào tạo liên thông, đào tạo theo địa chỉ, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp đại học chuyên ngành phù hợp muốn trở thành giáo viên để đáp ứng kịp thời nhu cầu, nguồn tuyển dụng giáo viên theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phải có chiến lược lâu dài và bền vững
Chia sẻ với Giáo Dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, khi thừa thiếu giáo viên cục bộ với số lượng lớn, chứng tỏ công tác dự báo của chúng ta chưa làm tốt. Cơ quan quản lý Nhà nước phải có sự chỉ đạo tập trung, tổ chức hướng dẫn cho các địa phương thực hiện dự báo nhu cầu giáo viên tương lai theo từng năm, từ tổng số đến cơ cấu thành phần (nhu cầu giáo viên theo bộ môn, theo cấp học, theo trình độ đào tạo,…). Từ đó,chúng ta tập hợp dữ liệu thông tin trên toàn quốc để có giải pháp khả thi, hiệu quả.
Việc dự báo căn cứ vào mức độ tăng dân số cơ học ở từng khu vực, vùng miền, bởi sự sự dao động dân số kéo theo dao động sĩ số học sinh. Bên cạnh đó cần lưu tâm đến dự báo nguồn bổ sung đào tạo ở các trường sư phạm qua từng năm, từng giai đoạn.
“Điều quan trọng là phải xác định được nguyên nhân của vấn đề thiếu giáo viên, tương ứng với mỗi nguyên nhân chúng ta sẽ đưa ra giải pháp phù hợp. Ví dụ thiếu nguồn tuyển là do các trường sư phạm đào tạo không đủ số lượng đáp ứng nhu cầu, trường hợp này phải có giải pháp tăng cường đào tạo cho các cơ sở đào tạo giáo viên. Hay nếu nguồn tuyển dư thừa nhưng do biên chế hạn hẹp thì phải tiếp tục tăng biên chế cho ngành giáo dục.
Nếu thiếu giáo viên theo từng môn học, vì có những môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà chúng ta chưa đào tạo kịp thì cần phải có giải pháp tình thế để giải quyết vấn đề. Có thể lựa chọn những người có chuyên môn theo từng môn học và bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, có cơ chế thu hút họ tham gia giảng dạy tại các trường học.
Song, cuối cùng vẫn phải có tầm nhìn, chiến lược dài hạn trong việc đào tạo cũng như tuyển dụng giáo viên đảm bảo đủ số lượng và đạt chất lượng”, thầy Báo phân tích.
Cũng theo Giáo sư Đinh Quang Báo, thêm một vấn đề bất cập nữa là chúng ta thiếu sự đồng bộ trong cơ chế quản lý, vì thực tế trong nhiều năm qua, các địa phương thiếu giáo viên nhưng lại không có biên chế. Việc cắt giảm biên chế giáo viên đã ảnh hưởng tới vấn đề tuyển dụng ở các tỉnh, thành phố. Bộ GD&ĐT không được nắm quyền quyết định đối với tài chính và nhân sự cho ngành giáo dục.
Đặc biệt về vấn đề thiếu lớp học, trường học ở các đô thị lớn, Giáo sư Báo cho rằng nguyên nhân vì chưa có chiến lược đô thị hóa bền vững. Một nghịch lý hiện nay là khi các đô thị thiếu trường học, lớp học thì ở một số vùng nông thôn lại sáp nhập hai trường học làm một, có một số cơ sở bị bỏ hoang.
Chính vì vậy, phải có chiến lược lâu dài và bền vững trong việc phát triển đô thị hóa, đảm bảo trường học, lớp học cho các em ở khu vực đô thị, thành phố trung tâm.
Ngành giáo dục phối hợp với ngành nội vụ tính toán và xác định số lượng giáo viên thiếu cần phải bù đắp, bổ sung từ nay tới năm 2026 lên đến 107.000 người. Con số này có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc.
Theo báo Chính Phủ, trước đó Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định: “Thiếu giáo viên và giáo viên nghỉ việc, chuyển việc tuy là hai vấn đề này khác nhau, nhưng lại có mối liên hệ mật thiết”.
Về vấn đề thiếu giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục phối hợp với ngành nội vụ tính toán và xác định số lượng giáo viên thiếu cần phải bù đắp, bổ sung từ nay tới năm 2026 lên đến 107.000 người. Con số này có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc.
Số liệu trên được tính toán để cần bù đắp số lượng, vừa đảm bảo duy trì hoạt động dạy và học bình thường, quan trọng hơn nữa là để thực hiện các mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Một trong ba yếu tố rất quan trọng để nâng cao chất lượng là nhân tố giáo viên, cơ sở vật chất và chương trình, phương pháp.
Về nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, nhiều năm về trước đã không đủ do số lượng bỏ việc, giảng viên nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số nghỉ hưu do thừa, thiếu cục bộ, khó điều tiết và thiếu do tăng dân số tự nhiên.
Trúc Chi (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/thieu-giao-vien-bai-toan-dat-ra-cho-nganh-giao-duc-a598751.html