Theo Sức khỏe & Đời sống, Hà Nội là địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10 lớn nhất cả nước và tới thời điểm này cũng là một trong số các tỉnh, thành phố cuối cùng trên cả nước tổ chức kỳ thi này.
Thông tin về khâu coi thi và các phương án ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra trong kỳ thi vào lớp 10 sẽ diễn ra vào ngày mai (9/6), Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm nay, toàn thành phố có hơn 116.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập không chuyên và lớp 10 chuyên của các trường THPT tại 201 điểm thi với xấp xỉ 5.000 phòng thi tại 30 quận, huyện, thị xã.
Về khâu coi thi, Hà Nội đã điều động gần 20.000 giáo viên của các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên làm nhiệm vụ coi thi.
Theo VietNamNet, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các điểm thi phân công cán bộ coi thi theo nguyên tắc: Mỗi phòng thi bố trí hai cán bộ coi thi ở hai trường khác nhau; một cán bộ coi thi không coi thi quá một lần tại một phòng thi.
“Bên cạnh đó, tại các điểm thi còn có lực lượng cán bộ giám sát công tác coi thi, toàn thành phố có 590 cán bộ giám sát.
Công tác giám sát tại từng điểm thi được thực hiện theo nguyên tắc: Dưới 20 phòng thi bố trí 2 cán bộ giám sát, từ 20 phòng thi đến dưới 30 phòng thi có 3 cán bộ giám sát, từ 31 phòng thi đến dưới 40 phòng thi có 4 cán bộ giám sát.
Đối với các điểm thi có phòng thi phân tán thì sẽ bổ sung lực lượng cán bộ giám sát. Qua kiểm tra thực tế chúng tôi kiểm tra, thời điểm này, có 3 điểm thi đã được bổ sung cán bộ giám sát”, ông Trần Thế Cương cho hay.
Liên quan đến công tác coi thi năm nay, đại diện Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết cũng đã phổ biến những nội dung cơ bản trong nghiệp vụ coi thi, quy chế thi và hướng dẫn coi thi. Trong đó, cán bộ coi thi phải có mặt đúng giờ tại điểm thi làm nhiệm vụ, yêu cầu thí sinh chỉ được mang những vật dụng được phép vào phòng thi theo đúng quy chế. Khi xảy ra tình huống bất thường, cán bộ coi thi phải bình tĩnh, báo cáo ngay điểm trưởng giải quyết…
Đối với các trường hợp thí sinh không may bị gãy tay, gãy chân…, theo ông Cương, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có hướng dẫn cách giải quyết với từng trường hợp cụ thể để bảo đảm quyền lợi dự thi của thí sinh. Ví dụ như có thể bố trí lực lượng hỗ trợ đón thí sinh vào phòng thi; chép bài cho thí sinh; phân công nhân viên y tế hỗ trợ…
Hiện tại, Sở GD&ĐT Hà Nội nhận được báo cáo có 7 thí sinh thuộc diện này, các điểm thi cũng đã sẵn sàng phương án hỗ trợ bảo đảm giúp các em tham gia kỳ thi theo nguyện vọng, đúng quy chế.
Kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội bắt đầu từ sáng 10/6 với môn Ngữ văn (hình thức tự luận, 120 phút). Buổi chiều cùng ngày, thí sinh dự thi môn Ngoại ngữ (hình thức trắc nghiệm, 60 phút). Sáng ngày 11/6, thí sinh dự thi môn Toán (hình thức tự luận, 120 phút).
Ngày 12/6, thí sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 thuộc các trường THPT chuyên và có lớp chuyên sẽ làm bài thi các môn chuyên.
Theo đó, sáng 12/6, thí sinh thi các môn: Ngữ văn, Toán, Tin học, Sinh học, mỗi bài thi 150 phút (từ 8h- 10h30); tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn (môn thay thế), mỗi bài thi 120 phút (từ 8 – 10h).
Chiều 12/6, thí sinh thi các môn: Vật lý, Lịch sử, Địa lý, mỗi bài thi 150 phút (từ 14 – 16h30); Hóa học, tiếng Anh, mỗi bài thi 120 phút (từ 14 – 16h).
Điểm xét tuyển lớp 10 = (Điểm Toán + điểm Văn) x 2 + Điểm Ngoại ngữ + Điểm ưu tiên.
Điểm xét tuyển lớp 10 chuyên = Tổng điểm các bài thi không chuyên + Điểm thi chuyên x 2.
Dự kiến chậm nhất ngày 4/7, Hà Nội sẽ công bố điểm thi.
Điểm chuẩn lớp 10 của Hà Nội được công bố vào ngày 8-9/7. Thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến hoặc trực tiếp từ ngày 10-12/7. Ngày 19-22/7, những trường chưa đủ chỉ tiêu sẽ xét tuyển bổ sung.
Minh Hoa (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/thi-vao-lop-10san-sang-phuong-an-ho-tro-thi-sinh-bi-gay-tay-gay-chan-a611690.html