Chiều ngày 4/12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm: “Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững” về những vấn đề đặt ra để thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh và minh bạch, đóng góp cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Thị trường trái phiếu đang “ấm” dần
Phát biểu tại toạ đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính, Bộ Tài chính Nguyễn Hoàng Dương chia sẻ, kể từ sau vụ việc trên thị trường tài chính tháng 10/2022, cùng với diễn biến xấu trên thị trường tài chính trong và ngoài nước, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bị tác động nặng nề.
Từ đó, nhà đầu tư bị mất niềm tin, doanh nghiệp bị áp lực phải mua lại trái phiếu đã phát hành cũng như không phát hành được trái phiếu mới để huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Song ông Dương cũng thẳng thắn nhìn nhận, xuất phát từ những vi phạm của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã ra tay xử lý rất mạnh mẽ – đây là việc làm hết sức cần thiết.
Trong bối cảnh khó khăn và vô cùng nhạy cảm đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt trong các lĩnh vực có liên quan đến thị trường vốn này, từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đến duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cũng như các thị trường có liên quan tới thị trường trái phiếu như thị trường bất động sản, thị trường tín dụng, thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ của Nhà nước.
“Chúng tôi theo dõi, có khoảng 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 doanh nghiệp thì đến nay đã có phương án đàm phán, tỉ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% tháng 2/2023 lên 63% vào tháng 10/2023. Ngoài ra, những doanh nghiệp bố trí được nguồn lực tài chính đã chủ động mua lại trái phiếu trước khi đến hạn”, ông Dương nêu.
Theo đó, để phối hợp thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính cho biết phía Bộ Tài chính cũng đã tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành tăng cường kiểm tra giám sát để xử lý các vi phạm trên thị trường nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường; thực hiện công tác tuyên truyền, cảnh báo rủi ro trên thị trường với nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành, tổ chức trung gian tài chính.
Nghị quyết của Chính phủ đồng bộ và kịp thời
Đánh giá về nỗ lực của Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành trong việc “gỡ vướng” cho kênh trái phiếu, ông Phan Đức Hiếu – Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét nhìn tổng thể kết quả đạt được có dấu ấn điều hành quyết liệt mạnh mẽ, quyết đoán của Chính phủ nổi bật so với trước đây.
“Đặc biệt, với thị trường trái phiếu, sự quyết tâm, quyết liệt thể hiện rõ qua các hành động”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo đó, vị chuyên gia cho biết sau khi Nghị định 65 có hiệu lực thi hành khoảng 6 tháng, nhận diện có vấn đề trong bối cảnh vừa qua, Chính phủ đã kịp thời, linh hoạt và quyết đoán đưa ra ngay Nghị định 08.
Khi đưa các Nghị định vào thực thi thì phát sinh nhiều vấn đề thì ngay lập tức Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1177 xác định đúng vấn đề, đưa ra các giải pháp rõ ràng cả 2 chiều là thúc đẩy phát triển thị trường TPDN bền vững và xử lý vấn đề còn tồn tại của thị trường.
Ông Hiếu cho rằng đây là động thái tiếp cận toàn diện và đồng bộ, chủ động, kịp thời giám sát, phát hiện, thông báo, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và thực thi. Bên cạnh đó, cách tiếp cận được triển khai thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm, hệ thống, đồng bộ và toàn diện.
Để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh và minh bạch, ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế nêu quan điểm cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách khi Nghị định 08 sắp hết hiệu lực. Tiếp tục đa dạng hoá sản phẩm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thúc đẩy các sản phẩm mới đồng thời cũng đa dạng hoá cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Cùng với đó, ông Lực cho rằng cần nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu và đơn giản hoá quy trình, thủ tục phát hành ra công chúng.
Và cuối cùng, dù tập trung “kích” cho thị trường này lớn mạnh, nhưng Chuyên gia Kinh tế Cấn Văn Lực không quên nêu cần chú ý tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt cần nâng cao năng lực, công cụ cho đội ngũ này.
Trái phiếu doanh nghiệp đã được “hạ cánh mềm”
Thông tin về thị trường trái phiếu riêng lẻ sau khi Hệ thống Giao dịch Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tập trung được đưa vào hoạt động từ ngày 19/7, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) Nguyễn Anh Phong cho biết, đến nay đã có 760 trái phiếu của hơn 200 doanh nghiệp đăng ký, trung bình một phiên giao dịch trên 3.000 tỷ đồng.
Hiện nay, ông Phong chia sẻ tất cả giao dịch thứ cấp, thông tin về giao dịch được tổng hợp trên chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Trên hệ thống này có các thông tin thứ cấp và thông tin trên thị trường sơ cấp về kết quả chào bán cũng như các hoạt động giao dịch. Nhà đầu tư cũng như các cơ quan quản lý có thể tổng hợp các thông tin này để đưa ra những nhận định, đánh giá cũng như có chính sách phù hợp đối với thị trường theo từng giai đoạn.
Bà Nguyễn Ngọc Anh – Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI nhận định, vận hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đóng vai trò rất quan trọng, đem lại tính minh bạch cho thị trường, đặc biệt đối với các nhà đầu tư cá nhân.
Sau nhiều vụ án lớn liên quan tới hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân đã được phanh phui thì việc phân tích rủi ro của doanh nghiệp từ phía nhà đầu tư rất cần thiết.
“Đến thời điểm này, chúng ta đều có thể nói rằng đã có “hạ cánh mềm” cho sự việc này. Bộ Tài chính đã quyết liệt đưa ra Nghị định 08 để có cơ sở pháp lý giúp các bên cùng đàm phán và gia hạn, đưa vào vận hành thị trường trái phiếu riêng lẻ thứ cấp trong một thời gian thật sự nhanh chưa từng có tiền lệ cũng giúp hỗ trợ rất lớn cho việc xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư và thị trường”, bà Ngọc Anh đánh giá.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/thi-truong-tpdn-da-ha-canh-mem-niem-tin-tro-lai-sau-khi-vuot-kho-a639117.html