Một số nơi trên thế giới chuyển sang học 4 ngày/tuần
Hiện nay đa số các quốc gia trên thế giới, tuần học truyền thống bao gồm 5 ngày học với 2 ngày nghỉ cuối tuần. Tuy nhiên, thời gian gần đây ở một số quốc gia phát triển, học sinh có thể đến trường 4 ngày/tuần.
Mỹ: Tại Mỹ, số ngày học thường được quyết định bởi các cơ quan giáo dục của tiểu bang và địa phương. Trong khi hầu hết các trường yêu cầu 5 ngày học/tuần, một số trường học và học khu đã thử nghiệm một tuần học 4 ngày/tuần.
Theo số liệu từ Hội thảo Quốc gia của các Cơ quan Lập pháp các bang của Mỹ cho thấy, tính đến năm 2021, khoảng 25 bang có ít nhất một khu học chánh hoạt động theo chế độ học 4 ngày/tuần.
Cuối tháng 12/2022, Học khu St. Joseph ở Missouri, Mỹ thông báo rằng khoảng 1.000 học sinh của trường sẽ chỉ học 4 ngày/tuần từ năm 2024. Các lãnh đạo học khu hy vọng việc cắt giảm số ngày học trong tuần sẽ giúp học khu giải quyết vấn đề thiếu nhân sự. Tuy nhiên, vấn đề này gây tranh cãi. Một số chuyên gia lập luận rằng nó có thể tác động tiêu cực đến kết quả học tập của học sinh, đặc biệt đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn và ít nguồn lực bên ngoài trường học. Ngoài ra, việc này có thể tạo ra gánh nặng lớn hơn cho các bậc cha mẹ đang đi làm. Phụ huynh có thể gặp khó khăn trong việc tìm người trông trẻ vào ngày được nghỉ thêm.
Hà Lan: Hà Lan là quốc gia có nhiều trường tiểu học áp dụng tuần học 4 ngày và nghỉ ngày thứ Tư hàng tuần. Lịch trình này được giới thiệu lần đầu tiên vào những năm 1970 như một cách giúp giáo viên có thêm thời gian để phát triển chuyên môn và soạn giáo án. Cho đến ngày nay, tuần học 4 ngày vẫn phổ biến ở Hà Lan. Ngày càng nhiều nhà giáo dục và phụ huynh tin rằng nó giúp giảm căng thẳng và áp lực cho học sinh cũng như giáo viên.
Pháp: Một số trường của Pháp đã áp dụng lịch học từ thứ Hai đến thứ Năm, nghỉ thứ Sáu. Điều này cho phép có 3 ngày nghỉ cuối tuần, giúp gia đình giáo viên và học sinh có nhiều thời gian nghỉ ngơi và thư giãn. Đặc biệt một số chuyên gia giáo dục Pháp ủng hộ tuần học 4 ngày lập luận rằng điều này có thể dẫn đến kết quả học tập tốt hơn, bởi học sinh có thể tập trung hơn và tham gia các hoạt động tích cực hơn trong những ngày học ngắn.
Bỉ: Một số trường tiểu học cho học sinh học 4 ngày/tuần và nghỉ thứ Tư giữa tuần. Lịch trình này được giới thiệu vào những năm 1970 như một cách giúp học sinh có thêm thời gian cho các hoạt động ngoại khóa và thời gian dành cho gia đình.
New Zealand: Đất nước này cũng cho một số trường học thử nghiệm 4 ngày/tuần học, nhưng kết quả không đồng nhất. Một số trường báo cáo kết quả học tập và sức khỏe của học sinh được cải thiện. Trong khi đó, những trường khác báo cáo những thách thức với ngày học dài hơn và khó phối hợp lịch trình với phụ huynh đang đi làm.
Morocco: Tại Morocco thực hiện học 4 ngày/tuần, nghỉ ngày thứ 6 kể từ năm 2014. Biện pháp được đưa ra như một cách để giảm bớt gánh nặng cho học sinh và giáo viên, đồng thời giúp họ có thêm thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn.
Trung Quốc: Ở đất nước tỷ dân này đại đa số các trường học vẫn hoạt động theo lịch trình 5 ngày/tuần. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số trường học ở Trung Quốc đã thử nghiệm rút ngắn tuần học.
Trước đó vào năm 2018, một trường tiểu học ở phía đông thành phố Hàng Châu áp dụng tuần học 4 ngày. Nhà trường viện dẫn mong muốn giảm khối lượng công việc học tập của học sinh và cho các em nhiều thời gian hơn cho các hoạt động ngoại khóa và nghỉ ngơi. Theo đó việc tuần học rút ngắn được nhiều học sinh và phụ huynh đón nhận. Nhà trường báo cáo rằng kết quả học tập không bị ảnh hưởng.
Ở Trung Quốc hệ thống giáo dục có tính cạnh tranh rất cao. Học sinh phải đối mặt với áp lực nặng nề từ việc chọn trường, đạt kết quả tốt đến kiếm một công việc lương cao sau tốt nghiệp. Do đó, một số nhà giáo dục và hoạch định chính sách nước này do dự trong việc áp dụng một tuần học ngắn hơn, vì sợ rằng điều đó có thể khiến học sinh gặp bất lợi trong học tập.
Nhật Bản: Tại xứ sở hoa anh đào, một số địa phương đã có sáng kiến 4 ngày học/tuần nhằm giảm tải khối lượng học tập của học sinh và cải thiện phúc lợi tổng thể của các em. Điển hình Thành phố Fukuoka, nơi đưa ra chương trình thí điểm vào năm 2012, chương trình được nhiều học sinh và phụ huynh đón nhận nồng nhiệt bởi đã có những cải thiện về kết quả học tập và tỷ lệ chuyên cần.
Nhận định của các chuyên gia
Ở nhiều Quốc gia trên thế giới rút ngắn số ngày tới trường trong tuần của học sinh được coi là một chiến lược để tuyển dụng và giữ chân giáo viên, đặc biệt là ở nông thôn và các khu vực khó tuyển dụng nhân viên. Việc này cũng có thể giúp cắt giảm chi phí, đặc biệt là chi phí điện và các chi phí xây dựng khác. Tuy nhiên, việc số ngày đi học trong tuần bị rút ngắn có thể khiến các bậc cha mẹ đau đầu, từ gánh nặng chăm sóc con cái cho đến các vấn đề về phương tiện đi lại. Ngoài ra, nhiều gia đình có thu nhập thấp dựa vào trường học để cung cấp bữa sáng và bữa trưa cho con của mình.
Theo Matt Kraft, một nhà nghiên cứu giáo dục – giáo sư tại Đại học Brown ở Rhode Island, Mỹ, đã chia sẻ với phóng viên rằng: “Việc chuyển sang chương trình tuần học 4 ngày rõ ràng là một điều tồi tệ đối với trẻ em và gia đình”.
Gabe Edgar, tổng giám đốc của học khu St. Joseph, cho biết, mục tiêu cuối cùng của học khu là làm những gì tốt nhất cho học sinh và họ thà nắm lấy cơ hội thử thách và thất bại còn hơn là ngồi đó và không làm gì cả.
“Chúng ta hãy cứ thử xem mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào. Nếu nó tốt thì là tốt còn nếu mọi việc tồi tệ, chúng ta sẽ bắt đầu lại”, ông Gabe nói.
Trong khi đó, Macie Thompson, người quản lý học khu Alba-Golden ở Texas, Mỹ, thì nói: “Học sinh sẽ đến lớp từ thứ hai đến thứ năm và chúng tôi tăng thêm 42 phút cho mỗi ngày học. Sự thay đổi này cho phép giáo viên có nhiều thời gian lên kế hoạch cho những bài giảng tốt hơn”.
Wendy Price, một cựu giáo viên thì nói rằng, một số bậc cha mẹ lo lắng về việc lịch trình mới ảnh hưởng đến chi phí chăm sóc trẻ em và thời gian đưa đón mỗi ngày.
“Chúng tôi biết rằng có những thách thức đi kèm với việc thay đổi số ngày học trong tuần và chúng tôi đã cân nhắc những ưu và nhược điểm. Chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu của mình trong thời gian dài.
Đây không phải là một quyết định được đưa ra một cách dễ dàng và chúng tôi hy vọng các bậc cha mẹ có đủ thời gian để điều chỉnh theo lịch trình mới.
Việc chuyển sang một tuần giảng dạy 4 ngày sẽ cho giáo viên thời gian lập kế hoạch và từ đó họ có thể tạo ra trải nghiệm học tập tuyệt vời hơn cho học sinh”, Macie Thompson, người quản lý học khu Alba-Golden phát biểu.
Trong một nghiên cứu của RAND Corporation, 69% phụ huynh và 85% học sinh ở Mỹ chuộng 4 ngày/tuần hơn là 5 ngày/tuần.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa thể khẳng định lợi ích của 4 ngày học/tuần về lâu dài. Trả lời phỏng vấn tờ The Guardian, tiến sĩ Jon S Turner, giảng viên chuyên ngành quản lý giáo dục của ĐH công lập Missouri (bang Missouri), lưu ý cần có thêm nghiên cứu về lợi ích lâu dài và không nên “lý tưởng hóa” mô hình này.
Theo ông Turner, không ít chuyên gia bày tỏ sự hoài nghi về mô hình này và cũng có trường thử áp dụng nhưng không phù hợp với nhu cầu học sinh, phụ huynh nên quyết định quay lại 5 ngày học/tuần. Ông Turner cho hay 143 trường tại bang Missouri đã khảo sát ý kiến phụ huynh, học sinh cùng chuyên gia rồi chuyển sang 4 ngày học/tuần và sau đó một trường thay đổi quyết định, quay lại 5 ngày học/tuần.
Ngoài ra, tiến sĩ Turner nhận định mục đích chính của mô hình 4 ngày học/tuần là nhằm giúp các trường học tại những thị trấn nhỏ và vùng xa xôi hẻo lánh đối phó tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng, hơn là vì lợi ích của học sinh.
Chẳng hạn, trường trung học Hull-Daisetta tại thị trấn nhỏ Daisetta ở bang Texas bắt đầu áp dụng mô hình này trong năm học 2022-2023 để giúp đội ngũ thầy cô hiện hữu giảm bớt áp lực, đồng thời nỗ lực thu hút thêm giáo viên mới.
“Chúng tôi vẫn đang trong tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng và 4 ngày học/tuần là một giải pháp. Hiện tại, đa số phụ huynh, học sinh lẫn thầy cô đều ủng hộ mô hình này”, ông Tim Bartram, quan chức quản lý các trường học công tại thị trấn Daisetta, chia sẻ.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng 4 ngày học/tuần chỉ nên là giải pháp tạm thời cho tình trạng thiếu giáo viên vì nếu áp dụng lâu dài có nguy cơ tạo ra một thế hệ học sinh không được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng.
Trúc Chi (theo Vietnamnet, Thanh Niên, Dân Trí)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/them-nhieu-truong-tren-the-gioi-can-nhac-cho-hoc-sinh-hoc-4-ngaytuan-a595797.html