Phát sinh nhiều ổ dịch mới
Các địa phương ghi nhận số ổ dịch sốt xuất huyết mới gồm: Hoàng Mai (13 ổ dịch); Bắc Từ Liêm (10 ổ dịch); Đan Phượng (6 ổ dịch); Đống Đa (5 ổ dịch); Hà Đông, Cầu Giấy, Mê Linh – mỗi nơi có 4 ổ dịch; Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Phú Xuyên – mỗi nơi có 3 ổ dịch; Ba Vì, Ứng Hòa, Thanh Oai, Hoàn Kiếm, Chương Mỹ, Phúc Thọ – mỗi nơi có 2 ổ dịch; Quốc Oai, Thường Tín, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm – mỗi nơi có 1 ổ dịch.
Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội có 326 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện, còn 129 ổ dịch đang hoạt động tại 27 quận, huyện, thị xã; trong đó, một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân, như: Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 344 bệnh nhân; xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất có 186 bệnh nhân; thôn Vĩnh Ninh – xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (217 bệnh nhân); thôn Nguyên Hanh – xã Văn Tự, huyện Thường Tín (72 bệnh nhân)…
Về số ca mắc sốt xuất huyết, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 4.508 ca mắc sốt xuất huyết; trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 1.270 ca. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 472/579 xã, phường, thị trấn.
Đừng chủ quan khi đỉnh dịch sắp đến
Những năm trước, sốt xuất huyết tập trung đông ở nội thành Hà Nội thì từ năm 2022 đến nay, ghi nhận số ca mắc và ổ dịch nhiều nhất lại ở vùng ven, huyện ngoại thành. Theo thống kê, thời gian vừa qua, Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức tiếp nhận điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết nhiều nhất (hơn 100 ca), tiếp đến là Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội 79 ca và Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị 68 bệnh nhân.
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày trung bình tiếp nhận 10-20 ca mắc sốt xuất huyết là người Hà Nội vào nhập viện. Trong số đó, có khoảng 5-10% bệnh nhân có biểu hiện nặng.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 326 ổ dịch sốt xuất huyết với 4.058 ca mắc, hiện còn 129 ổ đang hoạt động tại 27 quận, huyện, thị xã. Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, đỉnh dịch năm nay của Hà Nội có thể rơi vào khoảng tháng 9, tháng 10, tương tự như những năm ghi nhận nhiều bệnh nhân: năm 2015 có 15.412 ca; năm 2019 có 12.255 ca; năm 2020 có 19.771 ca.
Lý giải cho sự gia tăng này, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ hằng ngày dao động trong khoảng 26-32 độ C, tạo thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi. Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao, nhiều nơi vượt ngưỡng dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh. Thời điểm này, sinh viên các trường đại học, cao đẳng từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học làm gia tăng số lượng đối tượng cảm nhiễm với bệnh.
Nguyên nhân bùng phát các ổ dịch phức tạp, theo đánh giá của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, một số nơi còn lơ là trong phòng chống. Nhiều địa phương cho biết, trước đây hoá chất diệt muỗi do CDC Hà Nội cung ứng, nay đã chuyển về các quận, huyện đấu thầu mua sắm. Vì vậy, còn gặp khó khăn trong công tác đấu thầu mua hoá chất.
Nhiều nơi thiếu nhân lực cho phòng chống dịch, ý thức người dân chưa cao. BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội lo lắng: “Năm 2022, tháng 8 dịch mới gia tăng, nhưng năm nay, ngay từ tháng 7, dịch đã gia tăng, sớm hơn 1 tháng. 5 năm trở lại đây, Hà Nội ghi nhận trung bình 1.000 ca/năm. Năm nay dự báo số ca mắc có thể không dưới 19.000 ca. Nếu không có các biện pháp phòng chống quyết liệt, hiệu quả, nguy cơ dịch bệnh còn gia tăng hơn nữa”.
Lam Anh (t/h CAND Online, VTV)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/them-nhieu-o-dich-sot-xuat-huyet-dung-chu-quan-khi-dinh-dich-a623346.html