Quyết liệt và nhân văn
Hà Tĩnh là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, đặc biệt trong năm 2020 xảy ra hai trận lũ lịch sử liên tiếp vào tháng 10 đã làm hơn 4.000 ngôi nhà bị hư hỏng; 53.000 hộ dân bị ảnh hưởng, nhiều công trình hạ tầng kinh tế hư hỏng nặng, tổng thiệt hại lên đến trên 5.300 tỷ đồng.
Trước tình hình đó, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU “Về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020; một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra”, với nhiệm vụ trọng tâm: “Huy động nguồn lực, sức lao động của nhân dân, nguồn lực của doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm để hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và xây dựng nhà ở kiên cố cho nhân dân” (gọi tắt là chương trình – PV).
Để triển khai thực hiện chương trình này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thành lập Ban Chỉ đạo 22 do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban; các thành viên của Ban Chỉ đạo bao gồm: Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, trưởng ban Tuyên giáo, trưởng ban Dân vận, chánh Văn phòng Tỉnh ủy, chánh Văn phòng UBND tỉnh, trưởng các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, Giám đốc các sở, ngành và 13 đồng chí Bí thư các huyện ủy, thành ủy, thị ủy tham gia thành viên .
Sau 2 năm thành lập, đến nay, Ban Chỉ đạo 22 đã huy động hỗ trợ xây dựng được 55 nhà văn hóa cộng đồng; hỗ trợ xây dựng mới 3.631 nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và hộ bị thiệt hại do thiên tai, với tổng kinh phí thực hiện gần 358 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo 22 tỉnh), chương trình xây dựng nhà ở kiên cố cho các hộ dân là chương trình hết sức nhân văn, tạo cơ hội cơ hội cho người có công với cách mạng, gia đình hộ nghèo, gia đình hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hai do thiên tai xây dựng được nhà ở kiên cố kết hợp tránh bão lũ. Qua đó, tạo điều kiện giúp các hộ thoát nghèo bền vững, góp phần quan trọng để Hà Tĩnh thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, hệ thống các công trình Nhà văn hóa cộng đồng không chỉ có ý nghĩa trong việc phòng, tránh bão lũ mà đã phát huy, nhân rộng thành công mô hình Nhà văn hóa cộng đồng – Ngôi nhà trí tuệ nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong cuộc sống, học tập, lao động và sản xuất, phát triển văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân.
“Ở đâu dân khó, ở đó cần những lãnh đạo có tâm”
Từ chối khi chúng tôi hỏi về vai trò của Trưởng ban chỉ đạo 22 trong chương trình này với kết quả “thần tốc”: 55 nhà văn hóa cộng đồng, 3.631 ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng trong 2 năm qua; đặc biệt là hoàn thành đưa vào sử dụng 24 ngôi nhà cho các hộ dân vạn chài tại thôn Tiền Phong trước thềm năm mới Quý Mão 2023, Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Trung Dũng chỉ nói: “Ở đâu có lãnh đạo tâm huyết, vì dân, ở đó sẽ có kết quả tốt”.
Theo Bí thư Tỉnh uỷ, kết quả trên là cộng hưởng sự nỗ lực của tất cả các đồng chí thành viên trong Ban chỉ đạo 22; sự phối hợp sâu sát, đầy trách nhiệm của Ban chỉ đạo 99 các huyện, thị xã. Ngoài vai trò kết nối, kêu gọi của các đồng chí lãnh đạo trong Ban chỉ đạo 22, để Hà Tĩnh có thể huy động nguồn lực của các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm, hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và xây dựng nhà ở kiên cố cho nhân dân chính là nhờ sự đồng hành của đồng chí Trương Tấn Sang, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam. Xuất phát điểm của công trình 24 ngôi nhà cho các hộ dân vạn chài bên sông Lam cũng được khởi nguồn trong chuyến thăm cùng đồng chí Trương Tấn Sang.
Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Trung Dũng nhớ lại, thời điểm đó, ông cùng đồng chí Trương Tấn Sang về thăm hỏi bà con trong dịp lễ khánh thành nhà văn hoá cộng đồng tại thôn Tiền Phong. “Lúc này, mấy cụ già trong làng lại gần, bắt tay tôi và nói cảm ơn đồng chí bí thư đã xây cho người dân nhà văn hoá cộng đồng tránh lũ, nhưng ở đây chúng tôi có mấy chục hộ đã mấy đời ở dưới sông không lên được bờ, cần lắm sự giúp đỡ. Tôi đã đi thăm từng hộ, chứng kiến cuộc sống tạm bợ vô cùng khốn khó của 24 hộ dân nơi đây, các cháu gần như thất học nên đã nung nấu, kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành, thực hiện ước mơ cho 24 hộ dân”, Bí thư Tỉnh uỷ xúc động chia sẻ.
Xuyên suốt quá trình thực hiện, với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo 22, Bí thư tỉnh uỷ Hoàng Trung Dũng đã luôn chỉ đạo sát sao Ban chỉ đạo 99 huyện Đức Thọ, xây dựng phải đảm bảo người dân có nơi để ở, tránh lũ nhưng vẫn thuận tiện việc sản xuất, mưu sinh. “Điều khiến tôi vui nhất là Tết năm nay, 24 hộ dân đã có nhà để ở, quây quần, đầm ấm”, Bí thư tỉnh uỷ Hoàng Trung Dũng trải lòng.
Theo số liệu khảo sát của các địa phương, đến nay, Hà Tĩnh còn 2.255 hộ gia đình người có công, gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thiệt hại do thiên tai có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần có nhu cầu làm nhà ở. Số nhà văn hóa cộng đồng kết hợp với tránh bão lũ thật sự cấp bách cần đầu tư xây dựng thêm tại các vùng thường xuyên bị ngập lụt nặng là 55 nhà. Ban chỉ đạo 22 kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà tài trợ quan tâm hỗ trợ tỉnh nhà, tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của chương trình đầy ý nghĩa nhân văn này.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/thap-sang-uoc-vong-doi-thay-nhung-phan-doikhi-can-bo-gan-va-hieu-dan-a590191.html