Tin vui: Giá tăng gấp 3, thanh long sẽ trở lại vị thế trái cây tỷ USD
Theo TTXVN, thanh long ở huyện Chợ Gạo, vùng chuyên canh trồng thanh long lớn nhất tỉnh Tiền Giang hiện được thương lái thu mua tại vựa với giá 28.000 đồng/kg (loại I), 23.000 đồng (loại II), 18.000 đồng/kg (loại III); thanh long ruột trắng có giá từ 10.000 – 12.000 đồng/kg. Giá thu mua thanh long cuối mùa chính vụ năm nay cao cấp 3 lần so vào thời điểm này năm ngoái.
Cụ thể nhà vườn ở đây cho biết, giá thanh long hiện nay có giá cao vì mùa chính vụ đã sắp hết, hầu hết các vườn đã sắp hết trái nên nguồn cung thấp hơn cầu. Thanh long chính vụ năm nay có giá cao gấp 2 – 3 lần năm 2022 nên người trồng có thu nhập cao, yên tâm đầu tư cho cây thanh long, tiếp tục chăm sóc vườn để chuẩn bị cho sản xuất nghịch vụ (xử lý ra hoa trái vụ bằng cách xông đèn).
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Cao Tấn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, nhằm đảm bảo giải pháp lâu dài, bền vững cho sự phát triển của cây thanh long trong tương lai, UBND huyện Chợ Gạo định hướng và tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, các doanh nghiệp phối hợp với nhà vườn trồng thanh long tạo được sản phẩm có giá trị để tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như vượt qua những rào cản kỹ thuật.
Ngoài ra, địa phương cũng kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến đầu tư xây dựng những nhà máy sản xuất các sản phẩm chế biến đa dạng từ trái thanh long để góp phần giải quyết phần nào sản lượng trái thanh long khi vào mùa thu hoạch rộ.
Bên cạnh đó, UBND huyện Chợ Gạo chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp chính quyền các địa phương tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thanh long đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.
Khu vực nào ở nước ta trồng nhiều thanh long?
Nước ta có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp cho phát triển sản xuất thanh long hàng hóa; có lợi thế sản xuất rải vụ thu hoạch nhờ áp dụng kỹ thuật chong đèn cho nên thanh long cho thu hoạch quanh năm.
Theo số liệu trên báo Nhân Dân, hiện nay, cây thanh long được trồng nhiều nhất ở các tỉnh như: Bình Thuận chiếm 50,73% diện tích cả nước, tiếp đến là Tiền Giang 16,42%, Long An là 15,15%. Tính trên phạm vi ba tỉnh: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, cơ cấu giống thanh long giống vỏ đỏ ruột trắng khoảng 55%, giống vỏ đỏ ruột đỏ khoảng 40%, giống khác chiếm 5%.
Năm 2022 diện tích trồng thanh long trên địa bàn cả nước đạt gần 55.000 ha, sản lượng 1,285 triệu tấn thuộc nhóm tám cây ăn quả có quy mô sản xuất lớn nhất.
Giá trị xuất khẩu thanh long nước ta liên tục tăng từ 57,15 triệu USD năm 2010 lên hơn 100 triệu USD năm 2011 và từ năm 2017 đến 2020, mỗi năm vượt mốc một tỷ USD. Riêng năm 2018, giá trị xuất khẩu cao nhất đạt 1,27 tỷ USD.
Tuy nhiên, những năm gần đây, giá trị xuất khẩu thanh long liên tục giảm từ 1,25 tỷ USD năm 2019 xuống còn 663 triệu USD năm 2022. Đến hết tháng 8 năm 2023, giá trị xuất khẩu thanh long mới đạt gần 450 triệu USD giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, hiện nay yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã thanh long quả tươi xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Giống chủ lực là thanh long vỏ đỏ ruột trắng của nước ta có kích cỡ, mẫu mã đẹp và ấn tượng nhưng vị nhạt, không giòn và ngọt như thanh long vỏ vàng.
Trong khi đó, thị trường Trung Quốc đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao khi xuất khẩu chính ngạch. Mặt khác, xuất khẩu thanh long Việt Nam sang các thị trường Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, châu Mỹ… cũng như tiêu dùng trong nước và công nghiệp chế biến tăng trưởng không cao. Qua thống kê, hiện nay 80 đến 85% sản lượng thanh long của nước ta sản xuất ra hằng năm phục vụ xuất khẩu.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thanh long chủ lực, chiếm tỷ trọng hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022. Tuy nhiên, diện tích trồng thanh long thế giới có xu hướng tăng, nhất là Trung Quốc có quy mô về diện tích và sản lượng tăng nhanh, cho nên nhu cầu nhập khẩu hạn chế. Đối với Ấn Độ, một thị trường lớn, tiềm năng cũng có chủ trương tăng sản lượng phục vụ nhu cầu trong nước từ 3.000 ha hiện nay lên 50.000 ha trong 5 năm tới.
Do vậy, dự báo thị trường thanh long sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới nếu Việt Nam chỉ tập trung tăng diện tích thanh long mà không nỗ lực cải thiện nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.
Để phát triển cây thanh long một cách bền bỉ, giai đoạn 2025-2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các địa phương ổn định diện tích thanh long trong khoảng 60.000 đến 65.000 ha, duy trì sản lượng từ 1,3 triệu đến 1,5 triệu tấn. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm năng suất, nâng cao mẫu mã, chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Bài toán bền vững đối với thanh long
Sau 5 năm liên tục là sản phẩm chủ lực của ngành rau quả có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, từ năm 2022, xuất khẩu thanh long bắt đầu “tuột dốc”, không còn giữ được vị thế “trái cây tỷ đô” của Việt Nam.
Đáng chú ý, năm 2017, thanh long lần đầu tiên lên “ngôi vương” trong nhóm trái cây xuất khẩu khi đạt 1,157 tỉ USD và liên tục duy trì vị thế “trái cây tỷ đô” đến năm 2021. Sau đó, xuất khẩu thanh long bắt đầu lao dốc, sụt giảm từ 1,042 tỷ USD (năm 2021) đã giảm xuống 642 triệu USD (năm 2022). Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thanh long chỉ đạt 402 triệu USD.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng, nếu như 6 – 7 năm trước đây, Việt Nam là nguồn cung thanh long chủ yếu cho thị trường Trung Quốc và Thái Lan, nhưng gần đây, các nước này xác định thanh long là cây trồng chính, đang tập trung phát triển thành cây chủ lực.
Cụ thể với Trung Quốc, từng là thị trường xuất khẩu thanh long lớn nhất của Việt Nam, luôn chiếm hơn 80% sản lượng hàng năm, những năm gần đây đã mở rộng diện tích trồng thanh long. Mới đây, Trung Quốc công bố trồng được 67.000 ha thanh long, sản lượng 1,6 triệu tấn, nhiều hơn Việt Nam cả về diện tích, sản lượng. “Đây là nguyên nhân xuất khẩu thanh long của Việt Nam mất dần ưu thế tại Trung Quốc”, ông Nguyên nói.
Cũng theo ông Nguyên, ngoài Trung Quốc, các nước Nam Mỹ như Peru, Mexico, nhất là Ecuador đã trồng nhiều thanh long. Họ áp dụng công nghệ thắp đèn để thanh long cho thu hoạch quanh năm. Có ưu thế về vị trí địa lý, chi phí logistics thấp hơn nhiều so với Việt Nam nên thanh long từ các nước này đã chiếm lĩnh thị trường Mỹ, EU, thu hẹp thị phần của thanh long Việt Nam.
Ấn Độ, trước đây thị trường này chiếm 8 – 10% kim ngạch xuất khẩu thanh long Việt Nam, cũng đang phát triển mạnh diện tích và đã trồng được 50.000 ha thanh long.
“Các vùng trồng thanh long gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới. Họ nghiên cứu thêm những giống thanh long có chất lượng cao, đây là áp lực rất lớn với thanh long Việt Nam”, ông Nguyên nói.
Trước những thị trường tiềm năng rục rịch trồng loại cây “tỷ đô” này, đề xuất giải pháp giữ thị trường xuất khẩu thanh long Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, các địa phương không mở rộng thêm diện tích trồng mới; chỉ thay thế các vườn thanh long già cỗi để có năng suất, chất lượng trái tốt hơn. Các địa phương, doanh nghiệp cũng cần hướng dẫn người dân nâng cao kỹ thuật canh tác, đảm bảo tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu, tránh tình trạng bị nâng tỉ lệ kiểm tra như EU đang áp dụng.
Theo Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong gần 10 tháng của năm 2023, rau quả tiếp tục là ngành hàng có mức tăng trưởng ấn tượng trong số các mặt hàng xuất khẩu “tỷ đô” của Việt Nam, đạt 4,9 tỷ USD, tăng hơn 78% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
Chia sẻ với VOV, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, để gia tăng giá trị ngành hàng rau quả cần tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia vào chế biến sâu, bởi tăng cường chế biến sâu không chỉ giảm tổn thất sau thu hoạch, mà còn gia tăng giá trị sản phẩm lên gấp nhiều lần so với xuất khẩu rau quả tươi như hiện nay. Cùng với đó cần bổ sung các cơ chế chính sách và cải cách hành chính là yếu tố then chốt để tạo môi trường đầu tư thông thoáng.
Bên cạnh những nỗ lực đáp ứng tốt về tiêu chuẩn chất lượng, ngành sẽ tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho rau quả Việt sang các thị trường tiềm năng, đặc biệt là thị trường có giá trị cao.
“Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã có bước chuyển biến ngay từ đầu quý 3. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung vào các giải pháp và có điều chỉnh, điều hành linh hoạt trong xúc tiến thương mại cũng như giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của năm nay”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Trúc Chi (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/thanh-long-cuoi-mua-gia-cao-gap-3-lan-va-bai-toan-ben-vung-a634465.html