Theo các số liệu báo cáo từ Cục Hải quan và Cục Thuế Thanh Hóa, trong năm 2022, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã chính thức vượt mốc thu hơn 50.600 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Cục Hải quan Thanh Hóa, số thu nộp ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2022 là 20.200 tỷ đồng, tăng 65,6% so với năm 2021, bằng 183,6% so với dự toán Bộ Tài chính giao.
Cụ thể, trong năm 2022, Cục Hải quan Thanh Hóa đã thu hút và làm thủ tục xuất nhập khẩu cho hơn 460 doanh nghiệp, trong đó có 156 doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu thường xuyên với các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu là: sản phẩm đá xây dựng các loại; dăm gỗ; xăng, dầu tái xuất; hải sản đông lạnh…
Trong năm, Hải quan Thanh Hóa làm thủ tục xuất nhập khẩu cho 113.829 tờ khai, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu là 14,069 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu là 4,814 tỷ USD; nhập khẩu là 9,255 tỷ USD.
Trong khi đó, Cục thuế Thanh Hóa thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt trên 30.450 tỷ đồng, tăng 77,6% dự toán Bộ Tài chính, tăng 6,7% so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong năm 2022, Cục Thuế Thanh Hóa đã thực hiện thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, trong đó có một số lĩnh vực tăng cao như thu doanh nghiệp Nhà nước Trung ương 1.770 tỷ đồng, tăng 9,3% dự toán Bộ Tài chính và tỉnh giao, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài 6.325 tỷ đồng, tăng 90,9% dự toán Bộ Tài chính và tỉnh giao, tăng 63,1% so với cùng kỳ.
Thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh 2.690 tỷ đồng, tăng 36,9% dự toán Bộ Tài chính và tỉnh giao, tăng 19,5% so với cùng kỳ. Thu thuế bảo vệ môi trường 1.588 tỷ đồng, tăng 38,1% dự toán Bộ Tài chính và tỉnh giao, tăng 24,6% so với cùng kỳ; thuế thu nhập cá nhân 1.332 tỷ đồng, tăng 69,7% dự toán Bộ Tài chính và tỉnh giao, tăng 62,3% so với cùng kỳ.
Như vậy, với tổng thu ngân sách hơn 50.600 tỷ đồng, tỉnh Thanh Hóa đã chính thức gia nhập nhóm các tỉnh thành có số thu ngân sách trên 50.000 tỷ đồng mỗi năm.
Bài toán thu bền vững
Sau năm 2022 đột phá với tổng thu ngân sách trên địa bàn vượt mốc 50.000 tỷ đồng, thì tới năm 2023, dự toán các khoản thu ngân sách tỉnh Thanh Hóa chỉ là 35.430 tỷ đồng, giảm tới 30% so với năm trước.
Theo đó, nguyên nhân sự sụt giảm này chủ yếu tới từ các chỉ tiêu thu từ đất và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu dự báo sụt giảm mạnh.
Cụ thể, theo dự toán thu năm 2023, tổng thu nội địa Thanh Hóa là 21.840 tỷ đồng, trong đó thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 23 tỷ đồng; thu nội địa khác là 14.717 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản thu từ đất chỉ là 7.100 tỷ đồng, giảm gần 50% so với mức thu của năm 2022 (hơn 13.000 tỷ đồng).
Đồng thời, một khoản thu lớn khác cũng dự báo ghi nhận sự sụt giảm là thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ hơn 20.000 tỷ trong năm 2022 xuống còn hơn là 13.500 tỷ đồng trong dự toán năm 2023.
Như vậy, sự sụt giảm 2 chỉ tiêu thu từ đất và thu hoạt động xuất nhập khẩu (chủ yếu dầu thô), với tổng số tiền sụt giảm gần 13.000 tỷ đồng đã khiến dự toán thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ trên 50.000 tỷ năm 2022 xuống còn 35.430 tỷ đồng theo dự toán thu năm 2023.
Việc phụ thuộc, ảnh hưởng lớn từ 2 chỉ tiêu trên buộc Thanh Hóa phải tỉnh tới việc phát triển các nguồn thu bền vững, trong đó, việc tận dụng, tranh thủ nguồn thu đột biến trên sẽ tạo động lực đầu tư lâu dài.
Theo đó, thực hiện vai trò thu nội địa, Cục thuế Thanh Hóa đã thực hiện nhiều nhiệm vụ giải pháp để bồi dưỡng các nguồn thu có tính bền vững như thu thuế TNDN, TNCN, TTĐB, thu từ FDI… trong đó tập trung triển khai các chính sách về gia hạn, miễn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất nhằm kịp thời hỗ trợ người nộp thuế nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước.
Đồng thời, Cục Thuế Thanh Hóa cũng từng bước nâng cao hiệu quả điều hành quản lý, áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý thuế.
Đối với các nguồn thu từ xuất nhập khẩu, trong các năm qua Thanh Hóa đã đẩy mạnh phát triển, nuôi dưỡng các nguồn thu bền vững bằng việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa và Nghị quyết số 248/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hoá nhiều chính sách hỗ trợ quan trọng đối với doanh nghiệp.
Theo đó, tăng mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua cảng Nghi Sơn từ 200 triệu lên 500 triệu đồng/chuyến. Đồng thời, bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container 300 triệu đồng/chuyến. Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet khi mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa; hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet và 1 triệu đồng/container 40 feet khi doanh nghiệp không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa nhưng vẫn qua cảng Nghi Sơn.
Trao đổi với Người Đưa Tin, Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho rằng, rõ ràng quy mô kinh tế của Thanh Hóa ngày càng được mở rộng và tăng trưởng nhanh, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, huy động các nguồn lực cho phát triển trên địa bàn tỉnh được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 ước đạt 12,51%, đứng thứ 7 của cả nước; cao nhất trong các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, có trên 3.600 doanh nghiệp được thành lập mới, vượt 20% so với kế hoạch, đứng thứ 6 cả nước.
Trong năm 2022, tỉnh Thanh Hóa lần đầu thu ngân sách vượt 50.000 tỷ đồng, tuy nhiên, xác định mục tiêu phát triển, tạo nguồn thu bền vững, tỉnh Thanh Hóa ngoài việc siết chặt quản lý đất đai, ổn định thị trường cũng tranh thủ tận dụng nguồn lực từ các nguồn thu đột biến này để tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tạo cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư.
Để thực hiện mục tiêu đó, hiện nay tỉnh Thanh Hóa đang tập trung chỉ đạo các biện pháp như: cải cách rút gọn thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được chấp thuận; tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư… đồng thời, mới đây xây dựng đề án giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI.
Trên cơ sở xây dựng phương hướng mục tiêu đưa tỉnh Thanh Hóa sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc theo Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị. Để phát triển kinh tế, Thanh Hóa xác định tập trung vào 6 trụ cột tăng trưởng gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế; phát triển hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Những lĩnh vực này được xem như trụ cột cho mục tiêu phát triển, tạo nguồn thu bền vững cho Thanh Hóa cả hiện tại và tương lai.
Việt Phương
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/thanh-hoa-gia-nhap-clb-50000-nghin-ty-va-bai-toan-thu-ben-vung-a590848.html