noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngKinh tế vĩ môThanh Hóa chật vật phục hồi chỉ số PCI: Bài 1- Bức...

    Thanh Hóa chật vật phục hồi chỉ số PCI: Bài 1- Bức tranh toàn cảnh và những con số

    Sau thời gian dài tụt dốc trên bảng xếp hạng PCI, trong năm 2023, Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực nhằm phục hồi chỉ số PCI của địa phương.

    Nhiều năm tụt dốc

    Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), mục tiêu đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành trong kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh của các tỉnh, thành tại Việt Nam.

    Tại Thanh Hóa, từ khi bắt đầu được thực hiện năm 2006, chỉ số PCI của địa phương này đã trải qua quảng thời gian dài sụt giảm, rồi sau đó thăng tiến với thành tích lọt vào Top 10 năm 2013. Tuy nhiên, kể từ đó, chỉ số PCI của Thanh Hóa đã liên tục giảm trong thời gian dài.

    Theo bảng xếp hạng chỉ số PCI Thanh Hóa lần đầu công bố năm 2006, Thanh Hóa có xuất phát điểm khá thấp với 45,29 điểm, xếp vị trí thứ 55 trên bảng xếp hạng 63 tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, tới năm 2011, Chỉ số PCI Thanh Hóa đã leo lên vị trí thứ 24 trong bảng xếp hạng với 60,62 điểm.

    Trong giai đoạn từ năm 2006 – 2011, một số chỉ số thành phần của PCI đã có sự phát triển tích cực, cụ thể như: chỉ số gia nhập thị trường tăng từ 7,83 lên 8,48 điểm; chi phí thời gian từ 4,73 lên 7,7 điểm; thiết chế pháp lý 3,53 lên mức 6,23 điểm. Đây cũng là 3 chỉ tiêu thành phần có mức tăng tốt nhất. Trong khi đó, một vài chỉ số thành phần khác ghi nhận sự tiến bộ trong giai đoạn nhưng vẫn ở mức thấp như: tính năng động tăng từ 3,11 lên 4,65 điểm; đào tạo lao động 3,73 lên 5,17 điểm; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng nhẹ từ 4,61 lên 4,87 điểm,…  

    Kinh tế vĩ mô - Thanh Hóa chật vật phục hồi chỉ số PCI: Bài 1- Bức tranh toàn cảnh và những con số

    Trung tâm Hành chính công tỉnh Thanh Hóa.

    Sang tới giai đoạn từ năm 2011 – 2013, đây là Thanh Hóa đã ghi nhận sự thăng tiến lớn trên bảng xếp hạng PCI khi từ thứ hạng 24 lên leo tới vị trí thứ 8, lọt nhóm 10 tỉnh thành có mức điểm cao nhất cả nước. Trong đó, các chỉ số thành phần quan trọng như: chỉ số chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền tỉnh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ghi nhận bước tiến lớn với mức tăng khoảng 1 điểm so với đầu giai đoạn, duy trì quanh mốc trung bình 6 điểm, đóng góp lớn vào chỉ số PCI của Thanh Hóa.

    Tuy nhiên, rất đáng tiếc khi cũng từ mức đỉnh này, PCI Thanh Hóa đã không còn duy trì được vị thế và đã liên tục tụt dốc trong nhiều năm sau đó.

    Tính trong giai đoạn từ năm 2012 – 2022, chỉ số PCI Thanh Hóa tụt từ vị trí thứ 8 xuống tới vị trí 47 trên bảng xếp hạng. Trong năm 2022, nhiều chỉ số thành phần trong PCI Thanh Hóa xếp chót bảng xếp hạng như: chi phí gia nhập thị trường xếp thứ 54 (54), tiếp cận đất đai (53), tính minh bạch (53), chi phí không chính thức (56)… riêng, điểm sáng duy nhất trong bức tranh PCI năm 2022 Thanh Hóa là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bất ngờ xếp vị trí thứ 2 cả nước.

    Thực trạng này ngoài phản ánh những mặt tích cực, cũng đã góp phần chỉ ra những hạn chế trong công tác vận hành bộ máy hành chính, khả năng cạnh tranh địa phương… đồng thời, khiến địa phương này ít nhiều gặp “bất lợi” trong mắt các nhà đầu tư.

    Lý giải về thứ hạng thấp chỉ số PCI Thanh Hóa

    Trong bức tranh kinh tế chung, Thanh Hóa thời gian qua liên tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức cao, thường xuyên góp mặt trong nhóm các địa phương có mức tăng trưởng cao nhất cả nước. Năm 2023, quy mô kinh tế Thanh Hóa đạt mức gần 280.000 tỷ đồng, thậm chí đã có thể vào nhóm các địa phương có số thu ngân sách trên 50.000 tỷ đồng năm 2022 với hơn 51.000 tỷ đồng ghi nhận được.

    Tuy vậy, trái ngược với bức tranh kinh tế tươi sáng, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI lại liên tục tụt hạng đã ảnh hưởng không nhỏ tới vị thế, môi trường đầu tư của tỉnh Thanh Hóa trong mắt các nhà đầu tư.

    Trước vấn đề này, thông tin với báo chí về kết quả sụt giảm của chỉ số PCI 2022 tụt sâu xuống vị trí thứ 47, phía Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa thời điểm đó lý giải, các phân tích trong báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được dựa trên kết quả tham gia trả lời điều tra của gần 12.000 doanh nghiệp thuộc 63 tỉnh, thành trên cả nước. Bình quân mỗi tỉnh khoảng 200 doanh nghiệp. Do đó, kết quả này có thể chưa phản ánh đầy đủ ý kiến của các doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa.

    Kinh tế vĩ mô - Thanh Hóa chật vật phục hồi chỉ số PCI: Bài 1- Bức tranh toàn cảnh và những con số (Hình 2).

    Sở Kế hoạch Đầu tư là đơn vị chuyên trách về các vấn đề liên quan lĩnh vực đầu tư, thành lập doanh nghiệp tại Thanh Hóa. 

    Ngoài ra, sở này thời điểm đó cũng cho rằng việc đánh giá chỉ số PCI chưa có tính kế thừa và chưa căn cứ vào kết quả của sự phát triển kinh tế – xã hội các địa phương như: tốc độ tăng trưởng, thu hút đầu tư, huy động vốn,… vì vậy, nhiều tỉnh, thành có chỉ số PCI tốt, xếp thứ hạng trong nhóm tốt, nhưng các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội lại ở nhóm sau và ngược lại.

    Cũng lý giải về diễn biến chỉ số PCI năm 2022 của Thanh Hóa, ông Đỗ Đình Hiệu – Giám đốc VCCI Thanh Hóa thời điểm đó đã có những chia sẻ cơ bản về chỉ số PCI, theo ông Hiệu, có thể mặc dù lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa rất quyết tâm trong điều hành cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, tuy nhiên, có thể đâu đó ở cấp sở, ngành địa phương đang còn nhiều hạn chế trong giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân…

    Còn nữa…

    Chỉ số PCI từ lần đầu tiên được công bố thí điểm năm 2005 đối với 42 tỉnh, thành phố, gồm 7 chỉ số thành phần. Và chính thức từ năm 2006, với tất cả các địa phương trong nước và có 10 chỉ số thành phần như hiện nay. CChỉ số PCI đã từng bước đóng vai trò quan trọng phản ánh mối quan hệ giữa chính quyền địa phương đối với sự phát triển doanh nghiệp.

     

     

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU