Những ngày này, người dân ở khắp mọi miền lại tìm về Quảng Trị tưởng niệm hàng nghìn liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên con đường Trường Sơn huyền thoại.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn được xây dựng từ tháng 10/1975 và đến tháng 4/1977 thì hoàn thành. Nghĩa trang có diện tích 39,6 ha, với 5 khu được tọa lạc trên những vạt đồi bạt ngàn thuộc xã Vĩnh Trường, nơi đây hiện có 10.263 ngôi mộ liệt sĩ nằm sát cạnh nhau. Khi dâng hương tại khu tưởng niệm, các cựu binh đi dọc những ngôi mộ các liệt sĩ để tìm các đồng đội của mình. Nhiều cựu binh, người nhà bật khóc khi nhìn thấy tên người thân, đồng đội được ghi trên bia đá. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương, mất mát mà chiến tranh để lại vẫn chưa thể xóa nhòa. Bạt ngàn những ngôi mộ liệt sĩ trải dài hun hút. Trong số các đoàn thăm viếng có các cựu chiến binh, những người đã từng chiến đấu tại mặt trận Bình Trị Thiên khói lửa.
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 cũng là một nơi được nhiều người tìm đến khi đến Quảng Trị trong những ngày tháng 7. Đây hiện là nơi đang yên nghỉ của hơn 1 vạn liệt sĩ hy sinh trên tuyến Đường 9 và đất bạn Lào. Phần đông các phần mộ liệt sĩ đang nằm tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 là chưa biết tên hoặc biết tên nhưng chưa có địa chỉ. Vậy nên đến dịp này ngoài các đoàn thăm viếng còn có hàng trăm trường hợp thân nhân đến liên hệ tra cứu hồ sơ, tìm kiếm. Tại nghĩa trang có một khu mộ thu hút sự chú ý của nhiều người khi đến thăm viếng. Đó là khu mộ tập thể, nơi đang yên nghỉ của khoảng 600 liệt sĩ.
Ông Đặng Ngọc Việt, Hội Cựu chiến binh phường Trung Đô, TP.Vinh (tỉnh Nghệ An) chia sẻ: “Đã nhiều lần về lại Quảng Trị, đến các nghĩa trang để dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ, nhưng lần nào đối với chúng tôi cũng đầy bùi ngùi, xúc động. Thế hệ những người đang sống rất biết ơn các anh, những người đồng đội đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ đất nước”. Lê Kông