noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiMôi trườngTết gần hoá xa với những người công nhân vệ sinh môi...

    Tết gần hoá xa với những người công nhân vệ sinh môi trường

    Suốt 22 năm làm nghề này, chưa năm nào chị Tuyết được đón Giao thừa với gia đình bởi dịp Tết lượng rác tăng, chị phải làm đến khi nào hết rác trên tuyến đường.

    Chia sẻ về công việc của mình, nhiều công nhân vệ sinh môi trường nói rằng, đã vào nghề này thì phải chấp nhận và có một tình yêu nghề cao gấp nhiều lần bình thường. Họ chỉ biết cố gắng tận tụy với công việc và giữ gìn cho bản thân mình tốt nhất có thể.

    Không đơn giản là nghề “kiếm cơm”

    Gắn bó với nghề được 22 năm, chị Đỗ Thị Tuyết, 47 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội là công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội cho biết, ca làm việc mỗi ngày từ 17h hôm trước đến 2h sáng hôm sau. Những ngày đầu theo nghề, gia đình, họ hàng chị đều phản đối. Bởi với mức lương của công việc này, chị có thể tìm được những công việc nhẹ nhàng hơn như công nhân may, công nhân nhà máy. Thế nhưng, chị cảm thấy không dừng lại ở việc dọn vệ sinh, công việc của mình còn giúp “làm đẹp” khu phố, giữ gìn vệ sinh môi trường chung, mang tính cộng đồng nhiều hơn.

    “Thời điểm làm việc chính của chị vào đêm tối, lúc này nhiệt độ xuống thấp nhất trong ngày. Hôm nào cũng mong xong việc thật sớm để về với gia đình, vùi mình vào chăn ấm”, chị nói. Dù mùa đông hay mùa hè, mưa gió hay tạnh ráo, thì lịch làm việc vẫn không thay đổi. Có những ngày nhiệt độ xuống thấp, chân tay tê cứng khiến công việc của chị Tuyết thêm phần vất vả.

    Giờ giấc sinh hoạt cũng bị đảo lộn từ lúc vào nghề. Trước đó, gia đình chị ở quê nên đi ngủ rất sớm, từ lúc theo nghề, lúc mọi người nghỉ ngơi, đi ngủ lại là lúc chị ở ngoài đường, thu gom và quét dọn. Không chỉ chị Tuyết, giờ giấc sinh hoạt của cả gia đình chị cũng bị đảo lộn. Những ngày đầu làm công việc này, con của chị mới 3 tuổi, nên vẫn còn quấn mẹ, đêm nào cũng khóc và đợi mẹ về mới đi ngủ. Gia đình xót con, xót cháu nên càng thêm phần phản đối chị theo nghề.

    Môi trường - Tết gần hoá xa với những người công nhân vệ sinh môi trường

    Suốt 22 năm làm nghề này, chưa năm nào chị Tuyết được đón Giao thừa với gia đình.

    Nhưng có lẽ điều khác biệt nhất với mọi người làm ngành nghề khác, là suốt 22 năm làm nghề này, chị chưa được đón Giao thừa nào ở nhà với gia đình. Chị chia sẻ: “Bất kỳ người phụ nữ nào cũng mong muốn đón những khoảnh khắc, thời điểm quan trọng trong năm với người mình yêu thương, gia đình, con cái. Nhưng tính chất công việc, khiến chị phải tạm gác mong muốn đó”.

    Khối lượng rác thải ngày này còn gấp 3, gấp 4 ngày bình thường, thậm chí có những năm, dứt tiếng chổi tre thì cũng là 5 giờ sáng. Năm nào chị và đồng nghiệp cũng dặn nhau cố gắng thu dọn rác thải để thành phố được sạch đẹp, tươm tất vào ngày đầu năm rồi yên tâm đón Tết với gia đình. 

    Mặc dù không được đón Giao thừa với gia đình, nhưng may mắn là chị có những người đồng nghiệp tốt bụng, vui tính và luôn động viên nhau những ngày như vậy. “Thời khắc Giao thừa chị và đồng nghiệp có thể dừng tay vài phút, cùng nhau hát và chúc mừng năm mới, gửi lời chúc đến nhau nên cũng được an ủi phần nào” chị Tuyết nói. 

    Biết rõ những khó khăn trong nghề, cùng nhau chia sẻ công việc, khó khăn và luôn bảo nhau phải cố gắng hơn nữa nên có những người đồng nghiệp chị coi như chị em trong nhà. Đôi lúc chị Tuyết và đồng nghiệp còn trêu nhau “Nghề của mình thầm lặng nhưng cũng quan trọng không kém nghề nào”.

    Sau vài năm đầu, may mắn là gia đình cũng ủng hộ, thông cảm, đặc biệt là động viên chị luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn để thực hiện tốt công việc của mình. Chị Tuyết cảm thấy hạnh phúc vì cũng phần nào chứng minh được tầm quan trọng của nghề mình làm, nó không đơn giản là thu dọn rác, mà còn góp phần “làm xanh- sạch- đẹp” cho thành phố.

    Không dừng lại ở việc dọn vệ sinh, chị còn phối hợp với tổ dân phố nơi gia đình thuê trọ tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức cộng đồng. Dần dần, mọi người cũng nhận ra việc bảo vệ môi trường không chỉ của nhân viên môi trường mà còn là trách nhiệm chung của mọi người trong xã hội. Đây là điều tự hào nhất trong 22 năm gắn bó với nghề của chị Tuyết.

    Thường trực hiểm nguy

    Theo nghề được 16 năm, anh Nguyễn Bá Hưng, 42 tuổi trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là công nhân Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội. Anh là trụ cột trong gia đình có 2 người con và mẹ già, vợ anh thì bị bệnh nên không thể đi làm, mọi chi phí trong gia đình đều gánh trên vai anh Hưng. Mỗi ngày, anh đi làm từ 6h đến 16h, những ngày Lễ, Tết nhiều rác thì anh sẽ về muộn hơn, có thể là đến đêm.

    Anh Hưng chia sẻ, gia đình có khó khăn nhưng cũng không thực sự ủng hộ anh theo nghề này, bởi cả ngày mải miết ngoài đường, nguy hiểm lúc nào cũng rình rập. Đồng nghiệp của anh, không ít người đã bị va chạm với phương tiện giao thông khác trong khi làm việc. Ai nhẹ thì bị xây xước, nặng thì gãy chân hoặc liệt người, hơn nữa là mất mạng. 

    Ngoài công việc thu gom và quét dọn rác, lúc nào anh hay những người công nhân làm nghề này đều phải liên tục nhìn xung quanh để đảm bảo an toàn. Có những người đi đường cẩn thận, nhưng cũng có những người đi đường lạng lách, phóng nhanh hoặc cũng có cả những người say rượu, đôi khi chỉ sơ suất một chút cũng có thể “tai bay vạ gió”. 

    Có lần, đang thu gom rác trên phố Hai Bà Trưng vào đêm Giao thừa, anh Hưng bất ngờ bị một thanh niên va phải. May mắn, anh chỉ bị ngã và xước nhẹ. “Lúc đó khoảng 2 giờ đêm, anh phải tăng ca vì mấy ngày đó rác nhiều, mọi người đi đón Giao thừa về cũng muộn nên 2 giờ đêm mà đường vẫn nhiều người qua lại. Dù đã chú ý nhưng anh vẫn bị va phải nhưng xây xước nhẹ nên cũng không sao” anh nói.

    Môi trường - Tết gần hoá xa với những người công nhân vệ sinh môi trường (Hình 2).

    Dù khó khăn, hiểm nguy nhưng anh Hưng rất vui khi được làm công nhân vệ sinh môi trường.

    Sau lần đó, gia đình càng không ủng hộ anh Hưng theo nghề này. Thế nhưng, là trụ cột trong gia đình, cộng thêm các con đã vào cấp 3, tiền học rồi các khoản chi tiêu cũng tăng lên mỗi ngày. Gia đình khó khăn, một mình nuôi 5 người nên áp lực chồng áp lực, ai giới thiệu nghề nào có thể làm vào thời gian trống anh đều cố gắng làm thêm. Cách đây hơn 1 năm, có người mách anh làm tài xế xe ôm công nghệ, buổi tối anh chạy khoảng 4-5 tiếng cũng kiếm được thêm một khoản chi trả tiền học cho các con và đỡ phần nào tiền thuốc của vợ. Tuy vậy, anh vẫn quyết tâm gắn bó với nghề.

    Dù có khó khăn, hiểm nguy như vậy nhưng anh Hưng rất vui khi được làm công nhân vệ sinh môi trường. Anh nói làm công nhân vệ sinh môi trường cũng có thu nhập thêm từ các chai lọ, bìa giấy. Mỗi ngày không được nhiều nhưng cũng là niềm vui nho nhỏ, tiếp thêm động lực cho anh trong công việc vất vả này.

    Khoảng chục năm gần đây, rác thải nhiều nên những ngày Tết anh vẫn phải đi làm, không được ăn Tết trọn vẹn với gia đình. “Lúc nào cũng dặn bản thân phải cố gắng, chứ những ngày như thế, ai không muốn ngủ trong chăn ấm, đón Tết cùng gia đình mình”, anh Hưng chia sẻ. Thế nhưng mỗi khi quét dọn xong 1 tuyến phố, nhìn nó sạch sẽ, không còn rác cũng phần nào động viên anh, anh vui vì góp phần làm những tuyến đường phụ trách thêm xanh, sạch.

    Trước đây, nhiều gia đình vô tư vứt rác ra đường, có khi vừa thu gom xong , quay lại đã thấy người dân vứt chồng rác trên vỉa hè khiến khó khăn vất vả của anh đến từ việc thiếu ý thức của một số người dân. Nhưng đến thời điểm hiện tại, anh Hưng đã quen hầu hết các hộ dân trên tuyến phố mình phụ trách, nhắc nhở, tuyên truyền bảo vệ môi trường nhiều cũng khiến suy nghĩ của mọi người thay đổi. Họ đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường hơn, vứt rác đúng nơi quy định hơn góp phần giữ gìn thành phố xanh – sạch – đẹp và cũng giúp những công nhân như anh Hưng đỡ vất vả phần nào.

    Trước thềm năm mới 2023, anh Hưng mong người thân trong gia đình lúc nào cũng mạnh khoẻ, bình an và bản thân lúc nào cũng khoẻ mạnh để làm chỗ dựa cho cả gia đình. Ngoài ra, anh cũng mong người dân đi đường nếu thấy những người công nhân vệ sinh môi trường như mình cũng nên chú ý hơn, bởi sự an toàn với nghề đối với anh vẫn đặt lên hàng đầu. 

     

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU