Tập đoàn Geleximco – Công ty Cổ phần vừa có công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) để công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Kết thúc quý II/2023, công ty này ghi khoản đang lãi sau thuế hơn 15,8 tỷ đồng, giảm mạnh so với kết quả 337 tỷ đồng lợi nhuận cùng kỳ năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) theo đó giảm từ 2,6% cùng kỳ xuống 0,12%.
Tính đến ngày 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của Geleximco ghi nhận đạt 12.810 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ghi nhận 2,2 lần, tương ứng Geleximco đang có nợ phải trả đạt 28.182 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp đạt 4.611 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm, Geleximco đã chi gần 150 tỷ đồng để thanh toán lãi cho 3 lô trái phiếu phát hành năm 2021 là GLXCH2123001, GLXCH2123002 và GLXCH2123003. Theo báo cáo tình hình thanh toán gốc lãi bán niên 2023, tính đến cuối quý II/2023, Geleximco có 4 lô trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị theo mệnh giá 3.871 tỷ đồng.
4 lô trái phiếu bao gồm GELEXIMCO.BOND.2020.2023 (1.147,4 tỷ đồng), GLXCH2123001 (735,5 tỷ đồng), GLXCH2124002 (979,73 tỷ đồng) và GLXCH2123003 (1.008 tỷ đồng), 3 trong 4 lô trái phiếu này sẽ đáo hạn lần lượt vào 3 tháng cuối năm 2023.
Trước đó, từ ngày 29/5 – 5/6, Geleximco đã mua lại 22 tỷ đồng trái phiếu của mã GLXCH2123001, hạ số lượng trái phiếu đang lưu hành xuống còn 745 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, tính từ ngày 11/5 – 5/6, Geleximco có nhiều lần mua lại trái phiếu trước hạn đối với mã GLXCH2123001 với tổng giá trị 255 tỷ đồng.
Tập đoàn Geleximco có tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Geleximco, ra đời năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng, gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Vũ Văn Tiền. Sau 3 thập kỷ phát triển, Geleximco hiện là một trong những tập đoàn tư nhân quy mô hàng đầu Việt Nam với 4 lĩnh vực kinh doanh chủ chốt: sản xuất công nghiệp; tài chính – ngân hàng, bất động sản và thương mại dịch vụ.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long có tổng mức đầu tư 900 triệu USD, công suất 620MW; Nhà máy sản xuất xi măng Thăng Long có tổng mức đầu tư 270 triệu USD với công suất 2,3 triệu tấn/năm…
Ở mảng bất động sản, thương hiệu Geleximco gắn liền với nhiều dự án lớn như Khu đô thị thành phố giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng, Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn (Hà Nội), Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh), An Bình Plaza, siêu dự án Đồi Rồng (Đồ Sơn, Hải Phòng)…
Geleximco cũng là cổ đông sáng lập và đồng sở hữu các đơn vị như: Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, UpCOM: ABB), CTCP Chứng khoán An Bình (ABS, UpCOM: ABW), CTCP Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán An Bình, CTCP Tập đoàn Đầu tư tài chính An Bình…
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tap-doan-da-nganh-cua-dai-gia-vu-van-tien-lai-gan-16-ty-nua-dau-nam-a629020.html