noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngBất động sảnTạo hành lang pháp lý cho quản lý nhà, đất không sử...

    Tạo hành lang pháp lý cho quản lý nhà, đất không sử dụng để ở

    Tùy thuộc vào loại nhà, đất và yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn, địa phương sẽ quyết định hình thức cụ thể nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả nhất.

    Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất không sử dụng vào mục đích để ở giao cho Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý.

    Theo Bộ Tài chính, mặc dù, pháp luật chuyên ngành có quy định về nguyên tắc quản lý chung cho tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, nhưng chưa có quy định riêng đối với việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất chuyên dùng hiện giao cho các Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý nên thực tế các địa phương còn lúng túng trong công tác quản lý, vận hành, khai thác và xử lý đối với quỹ nhà, đất này.

    Bên cạnh đó, nhiều cơ sở nhà, đất sau khi thu hồi hoặc chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý nhưng chưa thể xử lý được ngay do phải điều chỉnh quy hoạch, nếu không đưa vào khai thác sẽ bị bỏ trống, lãng phí, trong khi nhu cầu thuê rất lớn, đặc biệt là cho thuê để thực hiện các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực xã hội hóa. Vì vậy, việc xây dựng cơ chế để điều chỉnh vấn đề này là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

    Tài sản là nhà, đất giao cho Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác là tài sản công; vì vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chế độ quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất không sử dụng vào mục đích để ở giao cho Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý là cần thiết và có cơ sở pháp lý.

    Mục đích ban hành Nghị định nhằm tạo lập hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất là tài sản công giao cho Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, góp phần quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả nhà, đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

    Nguyên tắc quản lý, sử dụng và khai thác

    Dự thảo quy định về các nguyên tắc phải tuân thủ trong quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất giao cho Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà. Trong đó, nguyên tắc quan trọng nhất là khẳng định quỹ nhà, đất do UBND cấp tỉnh giao cho Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý là tài sản công và xác định UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý quỹ nhà, đất này ở địa phương cơ quan được phân công thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 14 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (chủ yếu là Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường) có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan được thực hiện theo quy định tại Nghị định này và phân công, phân cấp của UBND cấp tỉnh.

    Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương có trách nhiệm quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất được giao theo quy định tại Nghị định này, đảm bảo duy trì và phát triển quỹ nhà, đất được giao, không làm thất thoát tài sản.

    Tổ chức, cá nhân được thuê nhà phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và hợp đồng ký kết; nộp tiền thuê đầy đủ, đúng hạn, trả lại nhà khi hết thời hạn thuê hoặc để xử lý theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền. Mọi hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất giao cho Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

    3 hình thức khai thác nhà, đất không sử dụng để ở

    Tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất ba hình thức quản lý, khai thác nhà, đất.

    Cụ thể, 3 hình thức quản lý, khai thác nhà, đất gồm: Cho thuê nhà; bố trí cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tạm thời; quản lý theo nguyên trạng trong thời gian chờ thực hiện xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật.

    Tùy thuộc vào loại nhà, đất và yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn, địa phương sẽ quyết định hình thức cụ thể nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả nhất.

    Thứ nhất, phương thức cho thuê.

    Việc cho thuê nhà (gắn liền với quyền sử dụng đất) của Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà phải thực hiện theo phương thức đấu giá, trừ trường hợp cho các tổ chức hội đặc thù được Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ cơ sở vật chất thuê nhà; cho học sinh, sinh viên thuê ký túc xá; cho thuê nhà có giá trị tiền thuê dưới 10 triệu đồng/năm; cho thuê đối với nhà (gắn liền với đất) trong thời gian chờ xử lý theo quy định của pháp luật; cho đối tượng đang thuê được gia hạn thời hạn thuê nhà.

    Các trường hợp này được áp dụng theo phương thức niêm yết giá hoặc chỉ định. Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà quyết định phương thức cho thuê đối với từng trường hợp cụ thể.

    Thời hạn cho thuê tối đa là 5 năm. Trường hợp cho thuê đối với nhà (gắn liền với đất) trong thời gian chờ xử lý theo quy định của pháp luật, thời hạn tối đa là 1 năm. Trường hợp gia hạn, thời hạn gia hạn không vượt quá thời hạn thuê lần đầu.

    Thứ hai, bố trí nhà, đất cho cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tạm thời.

    Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, trong khi Nhà nước có quỹ nhà, đất tạm thời nhàn rỗi nhưng các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước có nhu cầu sử dụng tạm thời trong thời gian chờ thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp hoặc chờ tiếp nhận trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp để quản lý, sử dụng lại phải đi thuê trụ sở bên ngoài, vừa phát sinh thêm chi phí, vừa ảnh hưởng tới hoạt động.

    Để giải quyết vấn đề này, dự thảo quy định trường hợp Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà có quỹ nhà chưa cho thuê thì được bố trí cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước sử dụng tạm thời.

    Sau khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm bàn giao lại tài sản cho Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà để quản lý, khai thác theo quy định tại Nghị định này.

    Trong thời gian được bố trí sử dụng tạm thời, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm sử dụng nhà, đất đúng mục đích được bố trí; thực hiện chi trả chi phí điện, nước, nhân công phục vụ, chi phí sửa chữa (nếu có) và các chi phí khác có liên quan

    Thứ ba, quản lý theo nguyên trạng trong thời gian chờ thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật.

    Để chuyên nghiệp hóa việc quản lý quỹ nhà, đất trong thời gian chờ xử lý theo quy định của pháp luật, dự thảo giao Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà có trách nhiệm quản lý theo nguyên trạng (tổ chức thực hiện trông coi, bảo vệ tài sản theo nguyên trạng) đối với quỹ nhà, đất này.

    Trường hợp có nhu cầu cho thuê trong thời gian chưa thực hiện xử lý, Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà tổng hợp vào Kế hoạch quản lý, khai thác nhà hàng năm để báo cáo UBND cấp tỉnh phê duyệt.

    Việc cho thuê chỉ được thực hiện ngắn hạn và khi có quyết định xử lý tài sản của cấp có thẩm quyền thì phải chấm dứt hợp đồng, thu hồi lại nhà, đất để xử lý theo quy định.

    Tuệ Minh

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU