noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngKinh tế vĩ môTận dụng lợi thế tăng giá, xuất khẩu hồ tiêu đặt mục...

    Tận dụng lợi thế tăng giá, xuất khẩu hồ tiêu đặt mục tiêu 1 tỷ USD

    Hồ tiêu là một trong những mặt hàng nông sản tăng giá nóng, với mức tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đòi hỏi chiến lược mới cho xuất khẩu.

    Giá hồ tiêu liên tục tăng

    Đầu tháng 6/2024, theo khảo sát tại các vùng trồng tiêu trọng điểm trên cả nước, giá tiêu tiếp tục thiết lập mức cao kỷ lục mới khi tăng “sốc” thêm 5.000 đồng – 10.000 đồng/kg.

    Cụ thể, tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu tại tỉnh Đắk Lắk tăng 9.000 đồng/kg, đạt 142.000 đồng/kg. Giá tiêu tại tỉnh Gia Lai tăng 6.000 đồng/kg, đạt 138.000 đồng/kg.

    Trong khi đó, giá tiêu tại tỉnh Đắk Nông tăng tới 10.000 đồng/kg, đạt 144.000 đồng/kg. Đây là mức tăng theo ngày cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

    Tại khu vực Đông Nam bộ, giá tiêu tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tăng thêm tới 5.000 đồng/kg, đạt 138.000 đồng/kg. Cùng mức tăng trên, giá tiêu tại tỉnh Đồng Nai đạt 137.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước, thương lái đã tăng giá thu mua thêm 7.000 đồng/kg, đạt 139.000 đồng/kg.

    Dự báo về thị trường hồ tiêu trong thời gian tới, các chuyên gia cho hay, mối lo nguồn cung vẫn là nhân tố giúp giá tiêu tăng thời gian tới. Bên cạnh đó, nhu cầu hồ tiêu tại Liên minh châu Âu (EU) đang có dấu hiệu phục hồi trong những tháng đầu năm 2024 sau khi chạm đáy 14 năm vào năm ngoái.

    Một số doanh nghiệp lớn trong ngành hàng hồ tiêu cho biết, đến thời điểm này đã ký kết đơn hàng với các khách hàng tại châu Âu đến tháng 9/2024 và đang tích cực thực hiện kế hoạch thu gom nguyên liệu để chuẩn bị lượng hàng đáp ứng đủ cả về số lượng và chất lượng cho các đối tác.

    Việt Nam tiếp tục là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất cho EU trong 2 tháng đầu năm với khối lượng đạt 4.970 tấn, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần hồ tiêu của Việt Nam tại EU đã tăng lên mức 37,3% từ 33,4% của cùng kỳ. Ngoài ra, EU cũng tăng nhập khẩu tiêu từ các nguồn cung khác như Brazil, Indonesia, Ấn Độ…

    Báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) ước tính, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam vụ 2023-2024 tăng khoảng 5% so với 2022. Vụ mùa hồ tiêu năm 2024 của Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên mức 225.000 tấn so với ước tính 200.000 tấn của vụ mùa năm ngoái.

    Theo dự báo, thời gian tới giá tiếp tục tăng, sẽ giúp ngành hàng hồ tiêu cán mốc 1 tỷ USD xuất khẩu trong năm nay.

    Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Simexco Daklak nhận định, giá tiêu tăng trong thời gian qua do nhu cầu vượt nguồn cung. Về dài hạn, nhu cầu gia vị sẽ ngày càng tăng trong khi tiêu Việt Nam đã đến độ lão hóa và mức giá hiện nay vẫn chưa thể kích thích người dân trồng thêm.

    Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo, thời gian tới, xuất khẩu hồ tiêu sẽ tăng trưởng khả quan nhờ nhu cầu tăng trở lại từ các thị trường khu vực châu Âu, châu Mỹ.

    Thực tế theo chia sẻ của một số doanh nghiệp lớn trong ngành hàng hạt tiêu, đến thời điểm hiện tại đã ký kết đơn hàng với các khách hàng tại châu Âu đến tháng 9/2024. Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện kế hoạch thu gom nguyên liệu và đang tập trung chuẩn bị lượng hàng theo đơn hàng của đối tác.

    Nguồn cung bị hạn chế đẩy giá tiêu tăng

    Nhìn lại lịch sử xuất khẩu hồ tiêu cho thấy, năm 2016 ngành hồ tiêu xuất khẩu 176,6 nghìn tấn, kim ngạch đạt kỷ lục 1,422 tỷ USD. Năm 2017, xuất khẩu được 214 nghìn tấn tiêu, kim ngạch đạt 1,11 tỷ USD. Tuy nhiên năm 2018, ngành hồ tiêu đã để mất mốc 1 tỷ USD, khi giảm xuống 758,8 triệu USD; năm 2019 là 722 triệu USD.

    Đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tiêu của Việt Nam chỉ còn 666 triệu USD. Năm 2021 đạt 948,7 triệu USD; năm 2022 đạt 963 triệu USD. Kết thúc năm 2023, giá hồ tiêu xuống thấp khiến mục tiêu xuất khẩu tỷ USD lại lỡ hẹn, chỉ đạt 912 triệu USD.

    Đáng chú ý, nhiều thị trường mới đã gia tăng nhập khẩu tiêu từ Việt Nam. Nổi lên là Pakistan, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ đều ghi nhận tăng trưởng ở mức 3 con số. Hiện, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam chiếm 40% sản lượng và 60% thị phần xuất khẩu trên toàn cầu.

    Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết: “Trung Quốc chưa có nhu cầu nhập khẩu có thể do lượng tồn kho của năm trước vẫn còn, có thể do năm ngoái họ đã nhập khẩu gần 60.000 tấn và lượng tiêu mua trong những năm trước COVID-19 vẫn còn dôi dư, nên bây giờ họ tham gia thị trường rất yếu. Song có dấu hiệu cho thấy, trong quý 2 này Trung Quốc sẽ tham gia thị trường, đầu tiên là mặt hàng tiêu trắng và sau đó là tiêu đen”.

    Một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tích cực lên giá tiêu là do các nguồn cung trên thế giới đều bị hạn chế chứ không riêng gì Việt Nam. Ngay cả Indonesia, Ấn Độ cũng bị hạn chế nguồn cung và các nước sản xuất nhỏ hơn như Malaysia, Sri Lanka và đặc biệt là hai nước quyết định nguồn cung trên toàn cầu là Brazil và Việt Nam đều bị giảm sản lượng.

    “El Nino gây hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản lượng tiêu toàn cầu giúp hỗ trợ giá tiêu trên thị trường xuất khẩu. Từ tháng 10/2023 đến tháng 2 – 3/2024, Việt Nam vào mùa thu hoạch, giá tiêu tăng mạnh giúp bà con thêm thu nhập và hỗ trợ cho những năm giá tiêu rơi xuống mức thấp thậm chí không có lãi như năm 2019-2020”, bà Liên nói.

    Đánh giá tình hình chung, Chủ tịch VPSA cho rằng, hiện nay, Hiệp hội và doanh nghiệp cũng như nông dân cần làm 2 việc, đó là cố gắng giữ diện tích đất sản xuất để sản lượng tiêu cung ứng ra thị trường hàng năm không bị sụt giảm, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến vị thế số 1 của ngành hồ tiêu Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

    “Cần phải đảm bảo nguồn cung ra thị trường khoảng 190.000 tấn/năm như hiện nay, nếu không đến một ngày nào đó 2 hoặc 3 năm hay xa hơn nữa Brazil có khả năng mở rộng diện tích canh tác ồ ạt và bám đuổi Việt Nam. Khi đó, chúng ta khó giữ vị thế nước xuất khẩu hồ tiêu số 1 toàn cầu”, bà Liên đề nghị.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU