Liên minh châu Âu (EU) và Thái Lan hôm 15/3 tuyên bố nối lại các cuộc đàm phán thương mại nhằm hướng đến một hiệp định mạnh mẽ giữa khối 27 quốc gia châu Âu và nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.
Thông tin này được đưa ra sau cuộc hội đàm trực tuyến giữa Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Cao ủy phụ trách Thương mại EU Valdis Dombrovskis và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit.
Tìm kiếm một FTA hiện đại, năng động
Theo tuyên bố của EU, mục tiêu của hiệp định thương mại tự do (FTA) EU-Thái Lan là thúc đẩy thương mại và đầu tư bằng cách giải quyết nhiều vấn đề, bao gồm tiếp cận thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và mua sắm chính phủ; các thủ tục an toàn vệ sinh thực phẩm nhanh chóng và hiệu quả; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả chỉ dẫn địa lý (GI) và loại bỏ các trở ngại đối với thương mại số và thương mại năng lượng và nguyên liệu thô, từ đó hỗ trợ quá trình chuyển đổi số và xanh.
“Một FTA hiện đại, năng động giữa EU và Thái Lan sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 bên và củng cố/đa dạng hóa quan hệ thương mại của EU với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, ông Dombrovskis cho biết trên Twitter.
Các cuộc đàm phán thương mại ban đầu giữa EU và Thái Lan, bắt đầu vào năm 2013, đã bị đình trệ vào năm 2014 do chính biến ở quốc gia Đông Nam Á. Mặc dù các nước EU đã bật đèn xanh cho việc nối lại các cuộc đàm phán thương mại vào cuối năm 2019, nhưng phải mãi đến 15/3 năm nay, bước cụ thể đầu tiên mới thực sự diễn ra.
Tuy việc khởi động lại các cuộc đàm phán đã chính thức được công bố, nhưng vòng đàm phán đầu tiên “không có khả năng diễn ra trước tháng 9 năm nay”, một nhà ngoại giao EU cho biết.
EU vốn là đối tác thương mại lớn thứ tư của Thái Lan và là nhà đầu tư lớn thứ ba tại quốc gia châu Á này. Thương mại hàng hóa giữa hai bên trị giá khoảng 42 tỷ Euro.
Các đề xuất của EU sẽ được đăng công khai sau các cuộc đàm phán ban đầu để đáp ứng các yêu cầu về tính minh bạch, và việc đánh giá sẽ được thực hiện bao gồm các lĩnh vực như tác động kinh tế, môi trường, nhân quyền và xã hội của thỏa thuận.
Nhìn về phía châu Á
Việc tái khởi động các vòng đàm phán FTA với Thái Lan đã bổ sung thêm một quốc gia nữa vào danh sách mong muốn thương mại tự do của EU.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát và phơi bày sự phụ thuộc của khối này vào Nga, Ủy ban châu Âu (EC) – cũng như Nghị viện châu Âu (EP) và các nước thành viên EU – đã thúc đẩy đa dạng hóa thương mại để giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia riêng lẻ bằng cách ký kết nhiều thỏa thuận thương mại hơn.
Các cuộc đàm phán cũng đang được tiến hành với một loạt quốc gia khác, bao gồm Indonesia, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Trong khu vực, EU đã có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và Singapore. Nếu 2 bên hoàn tất thỏa thuận, FTA EU-Thái Lan sẽ là FTA thứ ba của EU với một quốc gia thành viên ASEAN.
Đây cũng là một phần trong xu hướng lớn hơn của việc EU hàn gắn lại các mối quan hệ với Đông Nam Á, với việc một số quan chức EU và các Bộ trưởng châu Âu đã công du tới khu vực này trong những tháng gần đây.
Mặc dù EU và ASEAN bắt đầu đàm phán về một hiệp định thương mại tự do giữa hai khối vào năm 2007, nhưng lại chọn triển khai các hiệp định thương mại song phương. Theo Ủy ban châu Âu (EC), các hiệp định thương mại và đầu tư song phương này có thể đóng vai trò là nền tảng cho một hiệp định thương mại EU-ASEAN trong tương lai.
Minh Đức (Theo UPI, Politico.eu)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/tai-khoi-dong-dam-phan-fta-voi-thai-lan-eu-mong-doi-gi-a598200.html