Ba đơn vị vừa công bố về việc trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) kể từ ngày 13/4. Cụ thể, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển thương mại Gia Linh đã mua hơn 39,2 triệu cổ phiếu PGB (13,1% vốn), CTCP Quốc tế Cường Phát đã mua hơn 40,6 triệu cổ phiếu PGB (13,54%), CTCP Thương mại Vũ Anh Đức mua hơn 40 triệu cổ phiếu PGB (13,36%).
Tổng cộng, ba doanh nghiệp này nắm giữ tròn 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn PGBank mà Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã đấu giá thành công ngày 7/4 vừa qua, với tổng giá trúng 2.568 tỷ đồng, bình quân 21.400 đồng/CP.
Danh tính của các nhà đầu tư này đang là chủ đề thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư.
PGBank từ nhiều năm nay, dù thuộc sở hữu 40% của Petrolimex, song lại là một thành viên kín tiếng của TNG Holdings. Tập đoàn của của vợ chồng doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn – Nguyễn Thị Nguyệt Hường một thời gian dài giới thiệu PGBank là công ty liên kết trên website của mình. Nhiều nhân sự cấp cao của MSB cũng đã chuyển sang đảm trách các chức vụ quan trọng trong bộ máy PGBank, cả ở HĐQT, Ban điều hành, Ban kiểm soát.
Dấu ấn của nhóm TNG Holdings tại PGBank là rất lớn. Tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 25/4 vừa qua của PGBank, có hai cá nhân có liên hệ tới nhóm này đại diện cho khoảng 153 triệu cổ phần, tương đương tỉ lệ quá bán 51% tại PGBank.
Cơ cấu sở hữu chi phối này giải thích vì sao nhiều ngân hàng từng muốn sáp nhập PGBank nhưng đều thất bại, từ Vietinbank, tới MB rồi HDBank. Trong đó thương vụ sáp nhập PGBank vào HDBank thậm chí đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Mối liên hệ khăng khít đó cũng giải thích vì sao khi Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) – thành viên của TNG Holdings chủ động công bố việc nhận sáp nhập một ngân hàng vừa qua, không ít người nhận định cái tên được sáp nhập chính là PGBank.
Dù vậy, cổ đông MSB tại ĐHĐCĐ thường niên vừa được tổ chức ngày 21/4 đã không thông qua tờ trình này. Bản thân lãnh đạo cấp cao MSB cũng khẳng định không nắm được nội dung cụ thể của kế hoạch sáp nhập.
Xem thêm >>> Cổ đông MSB không thông qua sáp nhập ngân hàng, thắc mắc việc chia cổ tức
Những diễn biến sau đó cho thấy MSB dường như không những không có kế hoạch sáp nhập PGBank, mà giới chủ TNG Holdings đã quyết định bán lại PGBank cho nhà đầu tư mới.
Ở 4 phiên giao dịch liên tiếp gần đây, đã có 79,5 triệu cổ phần, tương đương 26,5% vốn PGBank được giao dịch thoả thuận trên sàn UpCOM với giá trị tổng cộng gần 2.200 tỷ đồng, tương đương bình quân 27.500 đồng/CP.
Vậy thì, chủ mới PGBank là ai?
Đã có những đồn đoán về việc một tập đoàn lớn bậc nhất trong lĩnh vực ô tô mua lại PGBank. Tại ĐHĐCĐ sáng 25/4, trước câu hỏi này của cổ đông, Chủ tịch HĐQT PGBank Nguyễn Quang Định chỉ trả lời ngắn gọn: Trong danh sách trúng đấu giá không có tên tập đoàn này.
Dù vậy, theo nguồn tin riêng của Người Đưa Tin, nhiều doanh nghiệp là bên mua lại lô cổ phần đấu giá của Petrolimex, và dĩ nhiên là cả phần bán lại của nhóm TNG Holdings, để hoàn tất chi phối PGBank lại có nhiều mối liên hệ đặc biệt.
Cụ thể hơn, ba pháp nhân đã mua trọn lô 40% đấu giá của PGBank là CTCP Quốc tế Cường Phát, CTCP Thương mại Vũ Anh Đức và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển thương mại Gia Linh.
Trong đó, CTCP Thương mại Vũ Anh Đức cập nhật tới giữa năm ngoái có Chủ tịch HĐQT là ông Vũ Văn Nhuân. Ông Nhuân thời điểm đó là Giám đốc Công ty TNHH TCHB – công ty con của CTCP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ TC Việt Hưng.
Về phần mình, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Quốc tế Cường Phát ông Nguyễn Văn Mạnh là cổ đông sáng lập của CTCP Quốc tế PL – pháp nhân thuộc sở hữu của gia đình doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn, trong đó ông Nguyễn Toàn Thắng – em trai ông Tuấn sở hữu 40%; bà Nguyễn Hồng Hạnh, phu nhân ông Thắng, sở hữu 50%.
Ngày 20/4/2023 vừa qua, Cường Phát hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 882 tỷ đồng – xấp xỉ số tiền doanh nghiệp này chi ra để trúng đấu giá 40,6 triệu cổ phiếu PGB.
Là một trong những tập đoàn tư nhân lớn và có năng lực tài chính hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực ô tô, việc sở hữu một ngân hàng không chỉ hoàn thiện hệ sinh thái kinh doanh đồ sộ, mà còn là một bước tiến quan trọng để nâng tầm hơn nữa giới chủ tập đoàn này.
Trước PGBank, tập đoàn này giai đoạn 2018 đã “vào” Eximbank và từng công khai sở hữu gần 13% cổ phần EIB và từng có 2 đại diện trong HĐQT. Tuy nhiên, nhóm này đã thoái vốn vào cuối năm ngoái, và rút người khỏi HĐQT Eximbank vào đầu năm nay, nhường chỗ cho một tập đoàn tư nhân kín tiếng nhưng đầy tiềm lực từ khu vực Đông Bắc.
Hiểu Minh
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/su-hien-dien-cua-mot-tap-doan-o-to-o-pgbank-a605078.html