Mới đây khoảng 20 nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam đã ký vào đơn kiến nghị gửi lên bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) về 300 bản phim, bao gồm cả những bộ phim kinh điển bị hỏng do sự thiếu hiểu biết của nhà đầu tư chiến lược Vivaso.
Các nghệ sĩ kiến nghị Vivaso có phương án đền bù thiệt hại
Các nghệ sĩ cho biết, trong cuộc họp báo thường kỳ quý I/2023 của Bộ VHTTDL ngày 24/3, khi được hỏi về việc các bộ phim có được coi là di sản văn hóa không, bà Phan Linh Chi – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính đã nói rằng gần 300 bản phim bị hỏng của Hãng phim truyện chỉ là bản sao, bản copy, các bản gốc đã được lưu trữ tại Viện phim.
Phát ngôn này khiến các nghệ sĩ cho rằng không đúng và họ không đồng tình vì nó “đã làm giảm nhẹ thiệt hại, gây hiểu nhầm tai hại cho công chúng”.
Trong đơn kiến nghị, các nghệ sĩ nói rằng các bản phim dương bản gốc (positive) ở Hãng phim là một trong hai bản duy nhất còn lại của những bộ phim cũ, kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam. Một bản khác đang được lưu giữ tại Viện Phim (với mục đích lưu chiểu). Bản positive này chính là bản gốc, là tác phẩm hoàn chỉnh, để được trình chiếu cho công chúng.
Tất cả các loại negative, kể cả bản negative được gọi là “negative gốc” cũng chỉ là những sản phẩm trung gian để tạo ra bản phim dương bản, positive gốc này. Bản được gọi là “negative gốc” mới chỉ là bản chưa được định ánh sáng, chưa định màu sắc (là khâu quan trọng hàng đầu trong việc hoàn thiện bộ phim của quay phim và đạo diễn), không có âm thanh, không thể trình chiếu cho công chúng như một tác phẩm được… Cho nên khái niệm bản sao của bà Phan Linh Chi nói tại cuộc họp báo của Bộ VHTTDL là không chính xác.
Theo thời gian, các bản negative này sẽ xuống cấp và bắt buộc phải được phục chế trước khi in. Đây là một quá trình cần công nghệ và tay nghề người thực hiện rất cao, trên thế giới cũng không có nhiều cơ sở có khả năng phục chế và số hóa phim đạt chuẩn quốc tế.
Trong khi đó, Viện phim Việt Nam vì có những hạn chế về phương tiện kỹ thuật, kể cả trong trường hợp đã có số hóa và phục chế những bản phim bị hỏng (điều này cũng hoàn toàn chưa được khẳng định) thì cũng mới chỉ có thể làm ra được bản phim với chất lượng 2K, trong khi chuẩn tối thiểu quốc tế là 4K. Cho dù có bản số hóa ở Viện phim thì bản số hóa này có chất lượng không cao, không thể coi là đạt tiêu chuẩn quốc tế, là tương đồng với bản phim dương bản (positive) phim nhựa được.
Công tác phục chế của Viện phim cũng đang ở những bước hạn chế, còn rất nhiều vấn đề kỹ thuật không thể khắc phục được cũng như còn các vấn đề tái tạo âm thanh của các phim cũ với bản negative tiếng cũ, đã nhiều năm tuổi, cũng rất phức tạp.
Trong đơn, các nghệ sĩ cũng cho biết, quan niệm ở Việt Nam cho rằng phim nhựa đã được ngừng sử dụng là sai hoàn toàn. Trên thế giới phim nhựa vẫn đang được sử dụng rộng rãi, song song với phim kỹ thuật số. Tại Mỹ trong số những phim được lọt vào vòng đề cử giải thưởng của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ năm 2020, số phim được quay bằng phim nhựa chiếm tới 52%, số phim quay bằng phim kỹ thuật số chiếm 48%.
Những liên hoan phim, sự kiện điện ảnh quốc tế lớn vẫn sẵn sàng chiếu bản phim nhựa. Như vậy 300 bản phim nhựa bị hỏng, ngoài việc là di sản văn hóa, những bộ phim này hoàn toàn có thể được sử dụng trong những hoạt động điện ảnh trong nước và quốc tế rất hiệu quả. Do đó, tổn thất của việc hỏng 300 bản phim positive do sự vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết về nghề nghiệp điện ảnh của Vivaso là rất nghiêm trọng.
Các nghệ sĩ đề nghị Bộ VHTTDL có những nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, chuyên sâu, xác đáng về thiệt hại của việc 300 bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam được các nghệ sĩ đánh giá “là di sản văn hóa của cả dân tộc” nhưng bị làm hỏng. Bộ phải công khai, minh bạch thiệt hại này để Vivaso có phương án đền bù thiệt hại.
Các nghệ sĩ cũng kiến nghị phương án đền bù thiệt hại “đơn giản nhất là Vivaso, bằng cách nào đó, phải in lại toàn bộ các bản phim bị hỏng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế của các bản phim positive gốc và chuyển lại cho Chính phủ quản lý”.
Chưa cần thiết in lại các bản phim đã hỏng
Liên quan đến việc 300 bản phim bị hỏng, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đã trả lời báo chí cho biết nhằm đánh giá hiện trạng bảo quản kho phim tại Hãng phim truyện Việt Nam, Cục Điện ảnh và Viện phim Việt Nam đã cử cán bộ xuống Hãng khảo sát, xem xét.
“Thực trạng cho thấy những cuốn phim này đã bị hư hỏng nặng. Tình trạng này theo tôi đã diễn ra vài năm nay rồi, do những cuốn phim không được bảo quản đúng điều kiện tiêu chuẩn.
Sau cổ phần hoá, trách nhiệm quản lý, bảo quản và đầu tư cơ sở vật chất tại Hãng phim, trong đó có kho phim thuộc về Công ty Vivaso là nhà đầu tư chiến lược, nắm phần lớn cổ phần. Các nghệ sĩ của Hãng phim hầu như không có ai được vào kho phim để nắm bắt thực trạng những bộ phim được bảo quản như thế nào”, ông Vi Kiến Thành cho biết.
Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh, trong số 291 bộ phim gồm có 278 phim do Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng, tài trợ. 13 phim còn lại do Hãng phim truyện Việt Nam tự khai thác, hợp tác sản xuất.
Theo đó, trước đây, trong thời kỳ điện ảnh sản xuất phim nhựa, mỗi phim trong số 278 phim đặt hàng sau khi sản xuất đều có một bản gốc và các tài liệu, hồ sơ liên quan gửi về Viện phim Việt Nam để lưu trữ, bảo quản. Bản được giữ tại Hãng phục vụ nhiệm vụ sản xuất phim và công tác phát hành, giới thiệu phim. Hiện nay các bản phim gốc do Nhà nước đặt hàng, trong đó có nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam kinh điển đều đang được bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn quốc tế tại Viện phim Việt Nam, có thể sẵn sàng sử dụng để trình chiếu, phục vụ các đợt phim kỷ niệm, các nhiệm vụ chính trị.
Khi được hỏi về ý kiến cho rằng rằng 300 phim ở Hãng “chỉ là bản sao” được các nghệ sĩ cho là không chính xác, gây hiểu lầm, ông Vĩ Kiến Thành giải thích guyên tắc là bản gốc của các bộ phim Nhà nước đặt hàng đương nhiên phải nộp về Viện Phim Việt Nam. Những bản phim gốc theo pháp lý quy định này trong nhiều thập kỷ qua vẫn luôn được bảo quản đúng tiêu chuẩn, an toàn tại Viện phim; với điều kiện kho, nhiệt độ đạt chuẩn, các thiết bị về phòng cháy chữa cháy…
Cùng với bản phim gốc, hồ sơ lưu tại Viện phim Việt Nam còn bao gồm đầy đủ kịch bản, poster quảng cáo, bản phim duyệt, bản phim chính. Nghĩa là toàn bộ các thành phần tạo nên từng bộ phim đều được lưu tại Viện phim.
“Các bản phim tại Hãng phim truyện Việt Nam sau một thời gian không được bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn nên chất lượng của phim bị hỏng hóc. Tuy nhiên, trước thực trạng của 278 bản phim tại Hãng phim như hiện nay, để xác định rõ mức độ thực tế cũng cần có ý kiến, phân tích của các chuyên gia có chuyên môn sâu về kỹ thuật điện ảnh nói chung, kỹ thuật in tráng phim nhựa, kỹ thuật chỉnh tiếng, chỉnh màu nói riêng”, ông Thành nói.
Liên quan đến kiến nghị của các nghệ sĩ về việc Vivaso phải in lại toàn bộ phim bị hỏng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, ông Thành cho rằng chưa cần thiết trong điều kiện thực tiễn hiện nay cũng như không phù hợp theo quy định của Luật Điện ảnh.
Theo thông tin, hiện nay Bộ trưởng Bộ VHTTDL đang giao các đơn vị liên quan cùng tìm hiểu để có câu trả lời sớm tới các nghệ sĩ.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/so-phan-nao-cho-gan-300-ban-phim-bi-vivaso-lam-hu-hong-a601737.html