Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 cho thấy doanh thu thuần đạt 14.234 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ 2022 (11.600 tỷ đồng).
Giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng trưởng 15%, ở mức gần 12.994 tỷ đồng đã khiến lỗ gộp lên tới mức gần 1.241 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, hoạt động tài chính của Vietjet khá sôi động với doanh thu đạt gần 310 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ, trong đó lớn nhất là khoản lãi chênh lệch tỉ giá hối đoái trên 196 tỷ đồng và lãi tiền gửi, tiền cho vay trên 96 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính cũng tăng đến 134% lên hơn 548 tỷ đồng nguyên nhân chủ yếu là do chi phí lãi vay đến gần 485 tỷ đồng
Hoạt động trong kỳ nhộn nhịp hơn cũng khiến công ty này gia tăng các loại chi phí. Theo đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng 336% và 31% lên gần 619 tỷ đồng và 182 tỷ đồng.
Kết quả, hãng bay này báo lãi sau thuế đạt trên 55 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái (trên 42 tỷ đồng). Dù vậy kết quả quý III/2023 vẫn thấp hơn nhiều so với hai quý trước đó trong năm (lãi lần lượt 173 tỷ đồng và 214 tỷ đồng).
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Vietjet ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 43.738 tỷ đồng, tăng gần 59% so với cùng kỳ. Lãi gộp tăng 80% lên 3.019 tỷ đồng. Tuy nhiên do các loại chi phí tăng cao (chi phí bán hàng tăng thêm 945 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 234 tỷ đồng) và sự suy giảm đáng kể khoản thu nhập khác (64 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có đến 477 tỷ đồng) đã khiến lãi sau thuế chỉ tăng nhẹ 2,6% đạt 192 tỷ đồng.
Năm 2023, Vietjet đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất là trên 50.178 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng kinh doanh, doanh nghiệp này đã đạt 87% mục tiêu doanh thu nhưng chỉ đạt trên 19% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Giải trình về kết quả kinh doanh, hãng hàng không này cho biết trong quý III/2023 đã khai thác an toàn 36.000 chuyến bay, vận chuyển 6.8 triệu lượt hành khách, trong đó hơn 2,3 triệu khách quốc tế, tăng 10% so với quý III/2019, giai đoạn trước Covid-19, và 127% so với quý III/2022.
9 tháng năm 2023, Việt Nam đón 23,7 triệu lượt khách quốc tế qua các cảng hàng không, tăng gần 267%. Các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 11,5 triệu khách, trong đó, Vietjet đóng góp hơn 51% với 5,9 triệu khách, hỗ trợ tích cực cho du lịch, đầu tư quốc tế.
Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 20.300 tấn, tăng 76% so với cùng kỳ, chiếm 23% thị phần hàng hóa do các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển.
Vietjet cũng đã mở 7 đường bay quốc tế mới trong quý III/2023 nâng tổng số đường bay lên 125 (45 đường bay quốc nội và 80 đường bay quốc tế).
Theo Vietjet, sự tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh là nhờ vào sự tăng trưởng mạnh của doanh thu vận chuyển khách quốc tế, hoạt động phụ trợ và vận chuyển khách theo chuyến. Bên cạnh đó mảng doanh thu phụ trợ và vận chuyển hàng hóa cũng có nhiều tín hiệu tích cực.
Tổng tài sản tính đến 30/09/2023 của Vietjet tăng thêm 12,5% so với đầu năm lên gần 76.538 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn đạt 33.866 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn đạt 29.945 tỷ đồng, tiền và khoản tương đương tiền đạt 2.076 tỷ đồng. Tài sản dài hạn đạt 42.671 tỷ đồng, trong đó là các khoản phải thu dài hạn đạt 27.814 tỷ đồng, tài sản cố định đạt 5.840 tỷ đồng.
Nợ phải trả tăng thêm 15% lên 61.324 tỷ đồng (chiếm đến 80% tổng tài sản), chủ yếu là do nợ dài hạn tăng mạnh đến từ khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn với 16.191 tỷ đồng, trong khi 1/1/2023 chỉ ghi nhận 10.309 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoản dự phòng phải trả dài hạn cũng tăng từ 12.342 tỷ đồng lên 15.491 tỷ đồng.
Tính đến hết quý III, vốn chủ sở hữu của Vietjet đạt 15.213 tỷ đồng, tăng nhẹ trên 2% so với thời điểm đầu năm, trong đó lợi nhuận chưa phân phối có 9.235 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, Vietjet đã đóng góp các khoản thuế, phí trực tiếp và gián tiếp trong 9 tháng năm 2023 gần 3,750 tỷ đồng.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/sau-9-thang-bay-vietjet-chi-hoan-thanh-19-muc-tieu-loi-nhuan-a633627.html