noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngĐầu tưSắp ký thêm 4 nghị định thư xuất khẩu nông sản sang...

    Sắp ký thêm 4 nghị định thư xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

    Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nghị định thư xuất khẩu chính ngạch dược liệu, dừa, dưa hấu, hoa quả đông lạnh sang Trung Quốc có thể được ký từ nay đến cuối năm.

    Liên quan đến tình hình sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 11 tháng năm 2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã có cuộc trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin về kết quả đạt được cũng như phương hướng triển khai nhiệm vụ tháng cuối năm.

    Thứ trưởng cho biết, năm 2023 là năm đặc biệt khó khăn của toàn ngành kinh tế, không những đối với Việt Nam mà còn với nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, dưới sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, nông nghiệp Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều tín hiệu tích cực. 

    Toàn ngành luôn “bám đuổi” mục tiêu 54 tỷ USD

    Về kết quả đạt được, Thứ trưởng vui mừng chia sẻ: “Chưa năm nào giá lúa gạo cao như năm nay và vẫn tiếp tục tăng. Giá lúa gạo Việt Nam được coi là cao nhất trên thế giới. Sản lượng lúa thu hoạch đã đạt 41,17 triệu tấn, hoàn toàn khả thi nếu so với kế hoạch đạt trên 47 triệu tấn. Như vậy, vừa phục vụ đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa đảm bảo đủ để chế biến, dự trữ, chăn nuôi và làm giống cũng như xuất khẩu”. 

    Xu hướng thị trường - Sắp ký thêm 4 nghị định thư xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

    Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

    Ngoài ra, xuất khẩu lúa gạo đã đạt 4,41 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2023, tăng 36,3%.

    Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 47,84 tỷ USD, giảm 2,7%. Tuy nhiên, tháng 11 đã xuất khẩu được 4,79 tỷ USD, tăng 13% so với tháng 11/2022. Thặng dư thương mại là 10,6 tỷ USD, tăng 33,7%.

    Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỉ trọng 23,2%, tăng 18%; Hoa Kỳ chiếm 20,6%, giảm 17,9% và Nhật Bản chiếm 7,4%, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

    “Đó là những con số rất quan trọng để thấy sự phát triển, đóng góp tích cực của ngành nông nghiệp cho ổn định xã hội, công nghiệp hóa hiện đại hóa” Thứ trưởng Tiến nói. 

    Về mục tiêu đã đề ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng dù có nhiều khó khăn nhưng toàn ngành nông nghiệp đã “bám đuổi” mục tiêu 54 tỷ USD và đến giờ này đã đạt được 47,84 tỷ USD, vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

    Với những lợi thế của rau củ quả, của hạt điều và sự ổn định trở lại của lâm nghiệp và thủy sản, toàn ngành nông nghiệp sẽ phấn đấu đạt được mục tiêu 54 tỷ USD vào cuối năm 2023. 

    Cơ hội cho nông sản “xuất ngoại” từ nay đến cuối năm

    Trên cơ sở điều kiện của các nhóm ngành như rau quả, hạt điều, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với địa phương, các hiệp hội ngành hàng thúc đẩy theo thế mạnh và lợi thế của các thị trường. Ví dụ như thị trường Trung Quốc đã có chuyển biến rất tích cực.

    Xu hướng thị trường - Sắp ký thêm 4 nghị định thư xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc (Hình 2).

    Việt Nam đã phấn đấu rất lâu dài để có được nghị định thư xuất khẩu chính ngạch một số mặt hàng sang Trung Quốc (Ảnh: Hữu Thắng).

    Thứ trưởng thông tin, Việt Nam đã phấn đấu rất lâu dài để có được nghị định thư xuất khẩu chính ngạch một số mặt hàng sang Trung Quốc. Nhờ vậy mà các đối tượng xuất khẩu chính ngạch ngày càng mở rộng. Tới đây còn 4 đối tượng là dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu sẽ chuyển từ xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu chính ngạch. 

    “Theo tôi được biết, có thể từ nay đến cuối năm chúng ta sẽ có cơ hội ký 4 nghị định thư này. Việc ký các nghị định thư này đã qua điều tra, xem xét, đánh giá hồ sơ và đã có các dự thảo văn kiện. Nếu chúng ta triển khai được thêm 4 nghị định thư này nữa thì tôi khẳng định chúng ta có cơ hội đóng góp thêm vào kim ngạch xuất khẩu nông sản trong năm 2023 và các tháng đầu năm 2024”, Thứ trưởng chia sẻ.

    Về khâu vướng mắc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết hai bên đã bàn bạc, tìm ra giải pháp tháo gỡ. Từ đó, nhấn mạnh các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng cần đặc biệt lưu ý đến chất lượng vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc và mã vùng trồng. Bên cạnh đó cũng cần lưu tâm đến các cơ sở đóng gói. 

    “Thị trường có điều kiện thuận lợi thì chúng ta phải tranh thủ cơ hội để sơ chế, chế biến, thúc đẩy và thực hiện tốt các nghị định thư với Trung Quốc – thị trường to lớn 1,4 tỷ dân” Thứ trưởng nói.

    Về chuẩn bị nguồn cung thực phẩm trong Tết, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, đàn lợn, gia cầm và bò thịt đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. “Như vậy, việc đáp ứng nhu cầu thực phẩm trước, trong và sau Tết hoàn toàn yên tâm, kể cả có tăng 15-20%”, Thứ trưởng khẳng định.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU