Dư luận hiện nay đang rất quan tâm đến câu chuyện trang trại của nguyên bí thư tỉnh ủy Đắc Lắc nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar (Đắc Lắc).
Thông tin trên báo Tuổi trẻ cho hay: Sáng 5/10, ông Nguyễn Hoài Dương, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắc Lắc, xác nhận trang trại nuôi bò trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar (Đắc Lắc) thuộc sở hữu của gia đình ông Y Luyện Niê Kđăm, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk giai đoạn 2000-2005.
Trước mắt, theo giải thích của các nhà quản lý địa phương thì đây có thể coi là vấn đề “lịch sử để lại”. Lãnh đạo Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cho biết khi về tiếp nhận công việc thì “trang trại bác Luyện” đã có rồi.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắc Lắc, việc có một trang trại giữa rừng cấm, xét về quy định là sai. Tuy nhiên, cũng có điều tế nhị là trang trại có trước, ông Y Luyện là nguyên lãnh đạo, có nhiều công lao, nay về già lại thích ở trong trang trại này hơn. Ông Dương nói: “Giờ bác ấy cũng già, xử lý căng cũng khó. Sẽ vận động giải tỏa dần ở thế hệ sau”.
Vâng, tôi hiểu ý ông Dương nghĩa là câu chuyện “lịch sử để lại” thì ta…để lại cho lịch sử (?!)
Nhắc lại lịch sử, hồi năm 2015, trong một phiên chất vấn trước quốc hội, một bộ trưởng cũng xin để lại vấn đề của mình cho…đời sau.
Cụ thể: Khi đại biểu đại biểu quốc hội Phạm Thị Hải chất vấn: “Đến bao giờ du lịch Việt Nam được như nước bạn?” Bộ trưởng Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Hoàng Tuấn Anh rất khẳng khái mà trả lời: “Với câu hỏi này, tôi xin phép không dám trả lời, xin để Bộ trưởng nhiệm kỳ sau”. Tạp chí Tri thức trực tuyến Zingnews bình luận: “Đây không phải là lần duy nhất ông xin khất, nhường lại người kế nhiệm”
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII khai mạc sáng ngày 3/10 tại Thủ đô Hà Nội, ở phần “ Về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhắc đến “tình trạng bao biện, áp đặt, làm thay hoặc né tránh, sợ trách nhiệm”. Tổng Bí thư cũng nói: “một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thiếu gương mẫu, ảnh hưởng xấu đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng”. “Một bộ phận” ấy là ai? Nhân dân biết cả đấy! Không gì che mắt được nhân dân.
Có rất nhiều vấn đề, ở nhiều nơi dang bị diễn ra theo cái cách: Việc thuộc trách nhiệm của mình, nhưng được khéo léo đổ cho “lịch sử để lại” và khéo léo gấp đôi khi để lại cho lịch sử.
Chúng ta có tự hào về cha ông không? Có chứ. Nhiều thế hệ cha ông chúng ta đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt để mở mang cương thổ, sẵn sàng hy sinh cả máu cho lý tưởng, cho độc lập với niềm tin và kỳ vọng vào một thế hệ tương lai – là chúng ta – được sống một cuộc đời đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Tre già, măng mọc, chỉ ngày mai, chúng ta sẽ nối tiếp cha ông, trở thành lịch sử. Vậy di sản chúng ta để lại cho con cháu chúng ta là gì? Lớp lớp con cháu sẽ tự hào gì về chúng ta ngày nay? Có phải chúng ta muốn hậu thế tự hào vì những gánh nặng để lại từ lớp trước?
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/sao-lai-trut-ganh-nang-cho-hau-the-a573530.html