Chiều 9/1, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại; điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, kết quả biểu quyết cho thấy có 480/485 đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường biểu quyết tán thành thông qua dự thảo Nghị quyết, chiếm 96,77%. Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết.
Trước khi thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo giải trình tiếp thu ý, chỉnh lý Nghị quyết.
Về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, việc điều chỉnh dự toán ngân sách thực hiện trong trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách và phải bảo đảm tính hiệu quả và khả năng giải ngân. Do vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, bảo đảm khả năng giải ngân theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, một số địa phương đã có văn bản đề nghị khá sớm, song Chính phủ đã không kịp thời tổng hợp vào Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2022 để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4.
Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, tránh tình trạng báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định quá muộn.
Về bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2021 nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định bổ sung dự toán thu, chi, phân bổ chi tiết cho bộ, ngành, địa phương chậm nhất tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Tuy nhiên, do phải tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương nên Chính phủ chưa kịp thời trình Quốc hội đúng thời hạn. Trong bối cảnh dịch Covid-19, các khoản viện trợ không hoàn lại được các tổ chức quốc tế hỗ trợ, tài trợ cho một số đối tượng cụ thể, tại thời điểm cụ thể, không thể xác định trước được ngay từ khâu lập dự toán trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường cho rằng, đến nay Chính phủ mới trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung dự toán nhiều nội dung là quá chậm, vì vậy Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan rút kinh nghiệm, kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đúng thời hạn theo quy định.
Về điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, điều chỉnh kế hoạch vốn vay năm 2022 của các địa phương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh kế hoạch vốn vay năm 2022 của các địa phương và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường nêu rõ, đến thời điểm hiện nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023.
Do vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Bộ Tài chính và tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 của Bộ Tài chính và cho phép chuyển nguồn số kinh phí này sang năm 2023 để thực hiện các dự án đầu tư của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, thời gian giải ngân đến hết ngày 31/12/2024.
Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện đúng quy định pháp luật về đầu tư công, bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/quoc-hoi-nhat-tri-dieu-chinh-ke-hoach-von-vay-lai-cua-cac-dia-phuong-a589436.html