noel giáng sinh vui vẻ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img
More
    Trang chủThế giớiQuốc gia nghèo nhất châu Âu muốn thúc đẩy gia nhập EU

    Quốc gia nghèo nhất châu Âu muốn thúc đẩy gia nhập EU

    Gần 54% người Moldova nói rằng họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ tư cách thành viên EU, trong khi gần 25% cho biết họ muốn một mối liên kết chặt chẽ hơn với Nga.

    Hàng chục nghìn người Moldova đã đổ về quảng trường trung tâm của thủ đô Chisinau hôm 21/5, vẫy cờ và biểu ngữ tự chế để ủng hộ nỗ lực của đất nước nhằm thúc đẩy quá trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và thực hiện một “cuộc chia tay lịch sử” với Moscow.

    Moldova – quốc gia 2,6 triệu dân, nghèo nhất châu Âu, nằm giữa Ukraine và Romania – đã chịu áp lực ngày càng nặng nề kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát thành hành động quân sự hồi tháng 2 năm ngoái.

    Với việc giao tranh đang hoành hành ngay bên kia biên giới, chính phủ của quốc gia Đông Âu nhỏ bé này đã kêu gọi người dân tham gia tuần hành nhằm nỗ lực vượt qua sự chia rẽ nội bộ và gây áp lực lên Brussels để bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập – gần một năm sau khi Moldova được trao tư cách ứng cử viên EU.

    Một nghiên cứu do công ty thăm dò ý kiến CBS Research có trụ sở tại Chisinau công bố hồi tháng 2 cho thấy, trong khi gần 54% người Moldova nói rằng họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ tư cách thành viên EU, gần 25% cho biết họ muốn một mối liên kết chặt chẽ hơn với Nga.

    “Ánh sáng cuối đường hầm”

    Khoảng 75.000 người đã tập trung tại thủ đô Chisinau hôm 21/5 để ủng hộ đất nước của họ gia nhập EU. Nằm kẹp giữa Ukraine – quốc gia đang xung đột trực diện với Nga, và Romania – một thành viên EU và NATO, Moldova lo ngại bản thân sẽ là trung tâm của cuộc đấu tranh giữa Moscow và phương Tây.

    Cuộc tuần hành mở đầu bằng Quốc ca Moldova và Quốc ca EU, sau đó những người tham gia hô vang “Châu Âu” và “Châu Âu Moldova”.

    “Gia nhập EU là cách tốt nhất để bảo vệ nền dân chủ và các thể chế của chúng tôi”, Tổng thống Moldova Maia Sandu nói với Politico hôm 21/5 tại Dinh Tổng thống của bà ở Chisinau trong khi một đoàn người ủng hộ bà đang tuần hành bên ngoài.

    Phát biểu bên cạnh Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Roberta Metsola, bà Sandu nói: “Tôi kêu gọi EU đưa ra quyết định bắt đầu đàm phán gia nhập vào cuối năm nay. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có đủ sự hỗ trợ để tiến lên phía trước”.

    Thế giới - Quốc gia nghèo nhất châu Âu muốn thúc đẩy gia nhập EU

    Người dân vẫy cờ của Liên minh châu Âu (EU) và Moldova trong một cuộc biểu tình ủng hộ gia nhập EU, tại Chisinau, Moldova, ngày 21/5/2023. Ảnh: Al Jazeera

    Moldova đã nộp đơn xin gia nhập EU vào ngày 3/3/2022, cùng ngày với nước láng giềng Ukraine, và hơn một tuần sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

    Chỉ 4 ngày sau, vào ngày 7/3/2022, EU đã mời EC đưa ra ý kiến về đơn xin gia nhập của Moldova và sau đó người đứng đầu các quốc gia và chính phủ trong EU đã thông qua đơn xin tại một cuộc họp ở Versailles.

    Moldova đã nhận được bảng câu hỏi về tư cách thành viên EU của mình vào ngày 11/4/2022 và họ đã đưa ra câu trả lời về các tiêu chí chính trị và kinh tế vào ngày 19/4/2022 và về các chương của EU lần lượt vào ngày 22/4/2022 và ngày 12/5/2022.

    Ngày 23/6/2023, Moldova đã được trao tư cách quốc gia ứng cử viên EU cùng với Ukraine, điều mà bà Sandu mô tả vào thời điểm đó là “ánh sáng cuối đường hầm”.

    Tháng trước, EP đã thông qua nghị quyết về đàm phán gia nhập EU đối với Moldova, tuyên bố rằng các cuộc đàm phán gia nhập cần bắt đầu vào cuối năm nay.

    Tuần trước, bà Sandu đã một lần nữa kêu gọi Brussels bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập “càng sớm càng tốt” để bảo vệ Moldova khỏi những gì bà cho là các mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga.

    Quan hệ căng thẳng

    Hồi tháng 2, Tổng thống nước láng giềng Ukraine, Volodymyr Zelensky, cảnh báo rằng lực lượng an ninh của đất nước ông đã phá vỡ một âm mưu lật đổ chính phủ thân phương Tây của Moldova. Các quan chức ở Chisinau sau đó cho biết, nỗ lực do Nga hậu thuẫn có thể liên quan đến phá hoại, tấn công vào các tòa nhà chính phủ và bắt giữ con tin.

    Moscow chính thức phủ nhận các tuyên bố, ngược lại cáo buộc các nhà lãnh đạo Moldova theo đuổi chương trình nghị sự “chống Nga”.

    “Mối quan hệ của chúng tôi với Moldova vốn đã rất căng thẳng”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hồi tháng 2. “Giới lãnh đạo nước này luôn tập trung vào mọi thứ chống Nga, họ đang rơi vào trạng thái cuồng loạn chống Nga”.

    Trước đó, Quốc hội Moldova đã bỏ phiếu thông qua một chính phủ thân phương Tây mới sau khi chính quyền trước đó từ chức hàng loạt sau nhiều tháng bê bối chính trị và kinh tế. Chính phủ mới do Thủ tướng Dorin Recean đứng đầu đã tuyên bố sẽ theo đuổi con đường thân châu Âu, đồng thời kêu gọi phi quân sự hóa khu vực Transnistria (Transdniestria) – khu vực ly khai do Moscow hậu thuẫn nằm giáp với Ukraine.

    Thế giới - Quốc gia nghèo nhất châu Âu muốn thúc đẩy gia nhập EU (Hình 2).

    Bản đồ cho thấy khu vực ly khai Transnistria – vùng đất hẹp nằm giữa sông Dniester và biên giới Moldova-Ukraine. Ảnh: GIS Report

    “Bất chấp những nỗ lực trước đây để giữ thái độ trung lập, Moldova đang thấy mình nằm trong tầm ngắm của Điện Kremlin – dù muốn hay không, họ cũng là một phần của cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Ukraine”, ông Arnold Dupuy, một thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) có trụ sở tại Washington, nhận định.

    Phản ứng trước âm mưu đảo chính mà Moldova cáo buộc Nga thực hiện, Brussels tháng trước tuyên bố sẽ triển khai một phái bộ dân sự tới Moldova để chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng. Theo ông Josep Borrell, nhà ngoại giao hàng đầu của EU, việc triển khai theo các điều khoản của Chính sách An ninh và Quốc phòng Chung, sẽ cung cấp “sự hỗ trợ cho Moldova để bảo vệ an ninh, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nước này”.

    Gần như hoàn toàn phụ thuộc vào Nga về nhu cầu năng lượng, Moldova đã chứng kiến chi phí khí đốt tăng vọt. Cùng với dòng người tị nạn Ukraine, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết GDP của Moldova đã giảm 5,9% và lạm phát đạt mức trung bình 28,7% vào năm 2022.

    “Chúng tôi sẽ mua các nguồn năng lượng từ các nước dân chủ, và chúng tôi sẽ không ủng hộ sự gây hấn của Nga để đổi lấy khí đốt giá rẻ”, Tổng thống Sandu nói với Politico.

    Minh Đức (Theo Politico.eu, Euronews)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU