Tết Nguyên đán đang đến cận kề, bên cạnh việc mua sắm đồ ăn thức uống thì việc trang trí nhà cửa cũng được các gia đình lưu tâm. Ngoài thú chơi hoa đào, hoa mai ngày Tết, những năm trở lại đây, các gia đình lựa chọn chơi quất.
Tại làng nghề truyền thống trồng quất cảnh Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội), nhiều nhà vườn đã cho ra thị trường quất ghép với gỗ lũa, quất mộc căn, quất trồng trên mô hình nhà cổ… Những dòng cây hiện tại ở vườn đa dạng về kích thước từ mini đến những dòng lớn để ở đại sảnh, phong phú về mẫu mã.
Theo chủ vườn, với những dòng cây này người chơi có thể để trong nhà khoảng thời gian dài một, hai tháng quả vẫn đẹp, lá vẫn xanh, mang ra ngoài sân chơi thì quả sẽ bền hơn.
Thông thường, khách sẽ đến vườn chọn mua cây từ khi còn xanh để mang về chơi. Nhiều người giải thích cho việc mua sớm vậy là vì muốn cảm nhận được độ chín và phát triển của cây từ xanh chuyển sang vàng hoặc cam.
Mỗi cây quất bonsai tại đây được bán với giá dao động từ một triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng.
Dưới những gốc cây, chủ vườn thường trang trí thêm tiểu cảnh giúp cho sản phẩm bắt mắt. Năm nay, nhiều nhà vườn đã đưa ra những sản phẩm mới dựa trên những tác phẩm về phố cổ của Bùi Xuân Phái, được cải tiến hơn, đẹp hơn về kiểu dáng.
Chị Trang- chủ nhà vườn chia sẻ, năm nay những dòng quất mộc căn khá được thị trường ưa chuộng. “Để làm được quất mộc căn, chúng tôi phải chọn cây quất khoẻ, có bộ rễ tốt, sau đó tính toán để tạo hình nghệ thuật cho bộ rễ”, chị Trang nói.
Theo người trồng quất, được gọi là quất mộc căn là vì nhấn mạnh tiêu chí nghệ thuật quan trọng nhất nằm ở bộ rễ cây, hàm ý sức mạnh của bộ rễ cũng giống như con người. Dù có khó khăn, gian nan nhưng lúc nào cũng mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/quat-bonsai-va-i-trie-u-do-ng-cay-phu-c-vu-kha-ch-thu-do-dip-tet-a587994.html