Nhưng bây giờ tôi lại hay nhớ câu mắng của mẹ tôi ngày xưa ấy, vì thấy một số trường hợp nó cũng… quân hồi vô phèng như thế.
Này nhé, bảo mẫu thì bị bắt, truy tố vì “lỡ tay” làm chết trẻ, mẹ đẻ con ra thì vất ở đâu đó, cầu thủ thì đấm trọng tài, người vi phạm luật giao thông thì… oánh cảnh sát (cả hối lộ- cũng là một cách oánh), lâm tặc tấn công kiểm lâm chạy trối chết, bệnh nhân tố bác sĩ, dân cưỡng lại quyết định của chính quyền, vân vân và vân vân…
Nhiều đêm không ngủ được, cứ nghĩ vẩn vơ, tại sao lại thế, trong khi bản chất của con người là luôn muốn yên ổn (tất nhiên cũng có một số kẻ giang hồ đầu gấu, một vài lại muốn đốt đền- không tính).
Chả lẽ tất cả lại muốn quân hồi vô phèng.
Cũng mẹ tôi, ngày xưa hay nói: Thượng bất chính thì hạ tắc loạn.
Năm nào đấy, nhà tôi có một con bé lớp 10 ở nhờ. Nhà nó hoàn cảnh, bố mẹ bị tai nạn giao thông, mẹ chết, bố tàn tật, anh học đại học y khoa mà vẫn phải kiếm tiền gửi về nuôi em. Nhà ở ngoại ô, mà nó học trường chuyên, học thêm toàn vào giờ oái oăm: 5 đến 7 giờ sáng một cua, 11h đến 1h chiều 1 cua, nên vợ chồng tôi cho nó ăn ở để thuận tiện đi học.
Cho ở thì cho, nhưng tôi vẫn nghĩ, nếu là con mình sẽ cương quyết không cho nó học vào cái giờ oái oăm ấy. Đố một đứa tuổi 15 – 17 nào mà giờ ấy ngồi học thêm được, nhưng áp lực của gia đình, thầy cô nên nó phải ngồi học. Học mà mắt lờ đờ, mồm ngoác ra ngáp liên tục… chúng nó không nổi loạn mới lạ…
Tôi biết, nó cũng chả ưa gì cái thầy cô nào lại mở lớp cua vào cái giờ ấy, dù các thầy cô có biện minh là mình chỉ “vì học sinh thân yêu” thôi, vì nền giáo dục tiên tiến hùng cường Việt Nam thôi. Chúng nó thì nghĩ huỵch toẹt ra, thầy cô kiếm tiền bằng mọi giá, mọi lúc… Và vì thế mà chúng nó giải thiêng thầy cô. Nên thi thoảng có thằng điên lên, đấm thầy cô vài nhát, còn bọn con gái, chúng nó hiền hơn, nhắn tin cho nhau, gọi thầy cô là này nọ, nhưng vẫn phải uể oải đến lớp học thêm…
Thì vừa rồi cái trường ở Hải Dương công bố các khoản thu đầu năm học đấy, lại chả khiến nhiều người dựng đứng lên, và quả là, lãnh đạo tỉnh phải vào cuộc. Có những khoản thu rất kỳ lạ, thu như… tận thu, và sau đấy được kết luận là “đa số các khoản thu không đúng quy định”, “Nhà trường đưa ra 6 khoản thu không có trong quy định, gồm: tiền vở ghi, tiền mua ghế ngồi, tiền khảo sát, tiền kiểm tra chung, tiền quỹ lớp, tiền mua sách giáo khoa.
Bên cạnh đó, có 3 khoản thu vượt mức quy định, gồm: tiền nước uống, tiền làm thẻ học sinh, tiền sổ liên lạc điện tử; 2 khoản thu thực hiện chưa đúng quy trình gồm tiền vận động tài trợ (xã hội hóa) và tiền quỹ hội cha mẹ học sinh”.
Rồi chuyện học thêm cũng kỳ lạ. Ngoài chuyện “liên kết” dạy tiếng Anh với các trung tâm ở ngoài vào dạy thì một số trường tổ chức học thêm, gọi là “bồi dưỡng”, “ôn tập” dù cả học sinh và giáo viên đều không muốn. Một số giáo viên nhắn tin cho tôi cung cấp thông tin, rất loằng ngoằng các kiểu để… ép các cháu đi ôn tập, tôi không tiện kể ra ở đây. Nhưng có thông tin này, “Năm ngoái có đứa trên 8.0 còn bị ép đi ôn tập, bảo là thiếu kiến thức. Khi sở về thanh tra thì giấu nhẹm, xé hết danh sách học sinh đi ôn tập dán ở bảng tin” – Nguyên văn tin nhắn.
Nếu không có vụ cháy chung cư mi ni kinh hoàng vừa rồi thì dân ta, dẫu nơm nớp nhưng lại vẫn phải rất an tâm sống trong hành loạt chung cư như thế. Chỉ riêng ông chủ cái chung cư bị cháy ấy, sau khi bị bắt, mới lòi ra, ông ấy không chỉ có cái chung cư ấy, mà còn “hàng loạt” chung cư ở nhiều nơi khác, và đều chật hẹp, đều ngoắt ngoéo đường vào như thế.
Và các lãnh đạo địa phương thời trước đấy, tức thời các chung cư này bắt đầu tồn tại, thì đều nói là đã xử lý nghiêm các chung cư loại này. Nghiêm nhưng chúng vẫn tồn tại. Thì một lãnh đạo cao nhất của Hà Nội hồi ấy vừa phát biểu: Sau các chung cư như thế đều có các thế lực chống lưng. Và đấu tranh, vì thế, không chỉ với các chủ chung cư, mà là với các thế lực phía sau đấy. Thế chả quân hồi vô phèng là gì?
Ở Phú Quốc những ngày này chính quyền đang phải cưỡng chế rất nhiều biệt thự, có những biệt thự rất sang, rất đắt tiền. Ngoài bảy mươi chín biệt thự thì còn một tòa nhà mười hai tầng cần xử lý. Nhưng nói như một lãnh đạo tỉnh này, dẫu rất tốn kém, xót của, nhưng vẫn phải làm. Là một cách chấn chỉnh sự quân hồi vô phèng.
Hết sức ủng hộ những việc làm kiên quyết của chính quyền để hết những cảnh “quân hồi vô phèng”, giữ nghiêm phép nước trong một xã hội pháp quyền.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/quan-hoi-vo-pheng-a627262.html