Các nhà tư tưởng đã bàn luận xoay quanh các vấn đề về nguồn gốc, bản chất của quyền lực nhà nước, các công cụ và phương thức thực hiện quyền lực nhà nước, chủ thể của quyền lực nhà nước trong suốt chiều dài của lịch sử phát triển của xã hội con người. Trong tiến trình đó, vấn đề pháp quyền và sự ra đời của Nhà nước pháp quyền trở thành một tất yếu khách quan trong sự phát triển của các hình thức tổ chức quyền lực nhà nước.
1. Tư tưởng cơ bản của các trường phái trước Mác về Nhà nước pháp quyền.
Những tư tưởng về Nhà nước pháp quyền (NNPQ) đã hình thành từ thời kỳ cổ, trung và cận đại. Trong giai đoạn này, những tư tưởng căn bản về Nhà nước pháp quyền và những yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền được thể hiện ở các nội dung:
Một là, vấn đề nguồn gốc của sự ra đời Nhà nước pháp quyền.
Nhà nước pháp quyền ra đời do nhu cầu của nhà nước trong tìm kiếm công cụ để thực thi quyền lực nhà nước đối với xã hội. Ở các nước phương Đông thời kỳ cổ đại, đặc biệt là Trung Quốc, đã từng có giai đoạn diễn ra những cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề cần phải dùng Đức trị hay Pháp trị trong quản lý xã hội? Giải quyết vấn đề này cho thấy, để quản lý xã hội nhà nước có thể dùng hai công cụ: đức trị, dùng các nguyên tắc đạo đức để quy định các mối quan hệ ứng xử giữa con người với con người nhằm duy trì trật tự xã hội; pháp trị, dùng các quy định của pháp luật để quản lý xã hội. Điển hình của hai tư tưởng này là sự ra đời của các trường phái Nho gia (do Khổng tử sáng lập) với tư tưởng đề cao đức trị và Pháp gia (do Quản Trọng, Thương Ưởng và Hàn Phi sáng lập) đề cao vai trò của pháp luật. Từ thực tế xã hội Trung Quốc cổ đại, sự áp dụng lý luận của hai trào lưu trên đã chứng minh rằng, để quản lý và duy trì trật tự xã hội chỉ có thể dùng pháp luật, pháp luật là công cụ có đủ sức mạnh cần thiết đảm bảo cho nhà nước thực thi quyền lực của mình.
Song song với các nước phương Đông, ở các nước phương Tây với truyền thống tư duy duy lý, ngay từ đầu, sử dụng pháp luật đã trở thành vấn đề xuyên suốt trong các tranh luận học thuật về công cụ và phương thức thực hiện quyền lực nhà nước. Các nhà tư tưởng phương Tây, đều có tư tưởng thống nhất trong đề cao pháp luật, coi pháp luật có quyền năng tối thượng đối với việc thực thi quyền lực nhà nước.
Mặc dù ở cả phương Đông và Phương Tây đều sử dụng pháp luật làm công cụ để thực hiện quyền lực nhà nước, song lại có sự khác nhau ở chỗ, phương Đông dùng pháp luật chủ yếu với ý nghĩa là pháp trị.
Nhà nước dùng pháp luật làm công cụ để quản lý và cai trị xã hội, thực hiện quyền lực thống trị để bảo vệ lợi ích của nhà nước, nhà nước đứng trên pháp luật và không chịu sự chế tài của pháp luật. Pháp luật là phương tiện để thực hiện sự nô dịch của giai cấp cầm quyền đối với dân chúng, người dân không có quyền tham gia vào các hoạt động của nhà nước, các hoạt động xây dựng luật.
Đối với phương Tây, bên cạnh việc pháp luật được sử dụng với ý nghĩa là pháp trị, thì pháp luật được sử dụng với ý nghĩa là pháp quyền diễn ra từ rất sớm. Nhận thức được xu hướng lạm dụng quyền lực của nhà nước; tập trung quyền lực để thu vén lợi ích cho một bộ phận lực lượng nắm quyền thống trị; xu hướng độc tài, chuyên chế của nhà nước đối với người dân… các nhà tư tưởng đã đề cao vai trò của pháp luật theo hướng, một mặt pháp luật là phương tiện để nhà nước thực hiện quyền lực trong quản lý xã hội, bảo vệ lợi ích của lực lượng cầm quyền, mặt khác pháp luật còn là công cụ để kiểm soát quyền lực nhà nước đồng thời bảo vệ các quyền của con người. Thực chất, quan điểm này chính là tiền đề cho sự ra đời của Nhà nước pháp quyền với đặc điểm đề cao tính thượng tôn pháp luật.
Hai là, vấn đề bản chất của Nhà nước pháp quyền – chủ quyền thuộc về nhân dân.
Bản chất của Nhà nước pháp quyền chính là mối quan hệ giữa quyền lực nhà nước với chủ quyền của nhân dân. Jonh Locke (1632 – 1704), nhà triết học, nhà hoạt động chính trị người Anh đã cho rằng: quyền tự do, bình đẳng và sở hữu là các quyền tự nhiên của con người và không thể bị tước đoạt; nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ các quyền của con người. Việc điều hành của nhà nước phải dựa trên các đạo luật do nhân dân tuyên bố và hiểu rõ về nó. Chủ quyền của nhân dân cao hơn, quan trọng hơn chủ quyền của nhà nước; do đó nhà cầm quyền không được thi hành chính sách chuyên chế và độc tài đối với nhân dân.
Cùng tư tưởng với Jonh Locke, J.J. Imanuel Kant (1724 – 1804) chỉ ra: chủ quyền của nhân dân là cơ sở cho tự do, bình đẳng và độc lập của mọi công dân trong nhà nước, nhân dân phải được tham gia vào việc thiết lập trật tự pháp luật bằng cách thông qua hiến pháp thể hiện ý chí của họ.
Như vậy, tư tưởng về Nhà nước pháp quyền được các học giả xác lập từ thực tiễn trong thực thi quyền lực của nhà nước khi nhà nước có những biểu hiện chuyên chế, độc tài, lạm quyền, vi phạm các quyền và lợi ích của người dân, xuất hiện bất bình đẳng trong xã hội. Do đó, các nhà tư tưởng đề xuất, trong Nhà nước pháp quyền người dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, quyền lực của nhà nước là do nhân dân uỷ quyền, người dân phải được tham gia vào quá trình xây dựng luật pháp và dùng luật pháp để kiểm soát việc thực thi quyền lực của nhà nước qua đó thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Nhìn chung, các học thuyết trước Mác về Nhà nước pháp quyền cơ bản đề cập đến các vấn đề quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực của nhà nước là quyền lực do nhân dân ủy quyền; nhà nước lấy pháp luật làm công cụ để quản lý xã hội, trong đó tổ chức nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân đều phải hoạt động theo các quy định của pháp luật; Nhà nước pháp quyền thực chất là phương thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền của các trường phái trước Mác, đã chỉ ra tương đối đầy đủ về nội dung, yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, chỉ ra xu hướng tất yếu cần phải xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tuy nhiên, những tư tưởng đó, ở các mức độ khác nhau mới chỉ dừng lại là những học thuyết phần nhiều mang tính tư biện, phản ánh những ước vọng của nhân dân lao động muốn thoát khỏi tình cảnh bị áp bức. Hơn nữa, chưa chỉ ra được nguyên nhân sâu xa, cơ sở kinh tế xã hội cho sự ra đời của Nhà nước pháp quyền cũng như các điều kiện cần thiết cho một tiến trình phù hợp trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, vì vậy, chưa thực sự được chuyển hóa vào thực tiễn xã hội.
2. Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền của chủ nghĩa Mác.
Phát hiện ra những điểm còn bất cập, hạn chế của các trường phái tư tưởng trước Mác, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã kế thừa, tiếp thu những tư tưởng có giá trị, tiếp tục bổ sung, phát triển lý luận về Nhà nước pháp quyền trên cơ sở làm rõ cơ sở thực tiễn của sự ra đời của Nhà nước pháp quyền, được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:
Một là, xuất phát từ vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử và sự phát triển của các phương thức sản xuất vật chất để luận giải về cơ sở, mục tiêu của Nhà nước pháp quyền.
Các Mác đã chỉ ra rằng, vai trò của quần chúng nhân dân trong các xã hội, cùng với sự phát triển của các phương thức sản xuất vật chất ở các thời đại khác nhau là cơ sở của sự thay thế các hình thức tổ chức quyền lực nhà nước. Xét từ góc độ lịch sử, vai trò của quần chúng nhân dân đã có sự chuyển biến từ vị thế là các thần dântrong xã hội chiếm hữu nô lệ, mà thực chất là quyền lực nhà nước mang tính chất tôn giáo, chịu ảnh hưởng của Thần quyền (quyền lực nhà nước thuộc về thần linh, thượng đế, chúa trời) sang con dân trong xã hội phong kiến, quyền lực nhà nước thuộc về các ông vua hay còn gọi là chế độ Vương quyền.
Ở hai chế độ xã hội này, người dân là người bị cai trị, bị tước đoạt tư liệu sản xuất, Sự tồn tại của họ bị lệ thuộc hoàn toàn vào những lực lượng thống trị; người dân phải phục tùng và thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước, không có các quyền đối với nhà nhà nước. Chỉ đến khi chủ nghĩa tư bản ra đời, với sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản, kinh tế thị trường phát triển, nhu cầu của người dân trong việc tham gia vào các hoạt động của nhà nước tăng lên, xu hướng dân chủ hóa trong đời sống xã hội phát triển thì quần chúng nhân dân đã xác lập vị thế mới – vị thế của các công dân trong xã hội. Cũng từ đó quyền lực của nhà nước được chuyển dần sang chế độ Dân quyền. Người dân trong xã hội công dân đã trở thành những người được tự do, có quyền tự chủ trong các quyết định đối với sự tồn tại của chính mình và có quyền được tham gia vào mọi hoạt động của xã hội.
Chính từ việc hiểu rõ quá trình chuyển biến đó, Mác đã cho rằng: “Gia đình và xã hội công dân là những bộ phận hiện thực của nhà nước, là những tồn tại tinh thần hiện thực của ý chí, là những phương thức tồn tại của nhà nước. Gia đình và xã hội công dân tự chúng cấu thành nhà nước”. Tư tưởng về xã hội công dân là sự kế thừa tư tưởng của các trường phái tư tưởng trước Mác, nhưng cách hiểu hiểu về khái niệm này đã được làm giàu và bổ sung thêm những nội dung mới.
Phân tích về xã hội công dân, Mác khẳng định, xã hội công dân chính là xã hội mà trong đó toàn bộ người dân đều có quyền tham gia vào các quá trình sản xuất vật chất, tạo thành cơ sở kinh tế của xã hội đó. Chính từ cơ sở kinh tế này, sẽ quyết định sự ra đời của một chế độ chính trị, pháp lý tương ứng. Xét đến cùng, sự ra đời của nhà nước và pháp luật đều có nguồn gốc sâu xa từ sự quy định của cơ sở kinh tế. Và vì vậy, sự ra đời của Nhà nước pháp quyền trước tiên được quy định bởi sự hình thành của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, kinh tế thị trường và xã hội công dân. Trong xã hội công dân, ngoài yếu tố về quyền tham gia các hoạt động kinh tế, các công dân còn có quyền tham gia vào các hoạt động chính trị, pháp lý của xã hội. Điều này dẫn đến, trong Nhà nước pháp quyền, quyền lực của nhà nước không chỉ thuộc về giai cấp nắm quyền thống trị về kinh tế mà còn thuộc về nhân dân. Nhân dân có quyền tham gia vào các hoạt động của nhà nước, kiểm soát việc thực hiện quyền lực của nhà nước.
Như vậy, sự biến đổi vai trò, vị thế của người dân, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã tạo ra những tiền đề cho bước chuyển từ nhà nước của giai cấp thống trị sang nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Tuy nhiên, các nhà kinh điểm Mác – Lênin cũng chỉ ra rằng, mặc dù sự xuất hiện của Nhà nước pháp quyền với đầy đủ các hàm nghĩa của nó là từ trong xã hội tư bản, các yếu tố dân chủ, tự do, sự tham gia của người dân vào các công việc của nhà nước được thiết lập. Khắc phục được một phần sự độc đoán, chuyên quyền của các hình thức tổ chức quyền lực nhà nước đối với nhân dân trước đó. Nhưng, về thực chất, Nhà nước pháp quyền tư sản chưa thể thực sự trở thành nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Điều này được chứng minh bởi, cơ sở kinh tế của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên nền tảng của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, thừa nhận cho sự xuất hiện và xác lập các quyền thống trị của giai cấp nắm giữ đa số tư liệu sản xuất xã hội – giai cấp tư sản. Từ đó, xác lập chế độ chính trị, pháp lý thuộc về giai cấp tư sản. Bao gồm hệ tư tưởng tư sản và hệ thống pháp luật do giai cấp tư sản chi phối nhằm bảo vệ lợi ích tối đa cho các nhà tư bản. Từ chế độ sở hữu tư nhân đó, xã hội tư bản thừa nhận chế độ người bóc lột người, những người có sở hữu tư nhân đa số đối với tư liệu sản xuất có quyền chiếm đoạt lao động của những người không có sở hữu hoặc có sở hữu ở mức độ thiểu số. Với tính chất của chế độ kinh tế này, sẽ không thể có bình đẳng thực sự giữa các công dân trong xã hội trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, pháp luật, văn hóa, tư tưởng. Vì vậy, trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác đã khẳng định: “Pháp quyền tư sản của các ông chỉ là ý chí của giai cấp các ông đề lên thành luật pháp”. Luận điểm này đã chỉ rõ những mâu thuẫn vốn có trong lòng xã hội hội tư bản giữa chế độ tư hữu với Nhà nước pháp quyền tư sản trong thực hiện mục tiêu dân chủ, bình đẳng xã hội. Mọi tư tưởng về dân chủ, bình đẳng, tự do trong Nhà nước pháp quyền tư sản, thực chất là thực hiện quyền dân chủ của thiểu số những người có sở hữu đa số tư liệu sản xuất để bảo vệ lợi ích của chính họ chứ không phải là đem lại dân chủ, bình đẳng về lợi ích cho đa số nhân dân.
Nhìn rõ bản chất của Nhà nước pháp quyền tư sản, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đã khẳng định rằng, quyền làm chủ của nhân dân, dân chủ, bình đẳng và công bằng xã hội chỉ có thể được thực hiện trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Trước hết, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được xây dựng từ cơ sở kinh tế dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu. Chế độ kinh tế này xác lập vai trò, vị thế ngang nhau, bình đẳng như nhau của mọi công dân trong quyền sở hữu đối với tư liệu sản xuất. Vì vậy, mọi công dân trong xã hội đều là người làm chủ tư liệu sản xuất, có quyền tiếp cận ngang nhau với các nguồn lực để tạo lập cơ sở kinh tế cho đời sống xã hội. Do đó, nhân dân trở thành lực lượng thống trị xã hội, trở thành chủ thể quyết định chế độ chính trị, pháp lý tương ứng là hệ tư tưởng đại diện cho lợi ích của toàn thể nhân dân lao động là hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản và một chế độ pháp lý thể hiện ý chí và nguyện vọng do nhân dân xây dựng. Điều này khẳng định, bản chất thực sự của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do nhân dân làm chủ, bảo vệ lợi ích của nhân dân.
Hai là, Nhà nước pháp quyền được thiết lập dựa trên thể chế chính trị dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Dân chủ là một khái niệm dùng để chỉ thể chế chính trị trong đó quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Khái niệm này đã xuất hiện từ trong tư tưởng của các nhà lý luận từ thời kỳ cổ đại, song hiểu về khái niệm này có rất nhiều ý kiến khác nhau về các vấn đề dân chủ là gì? Dân chủ được thực hiện dựa trên các nguyên tắc nào? Bằng cách nào để dân chủ được thực hiện? Cần phải dựa vào những tiêu chí nào để đánh giá về mức độ đạt được của dân chủ?
Từ trong lịch sử, thể chế chính trị dân chủ trong các nhà nước chủ nô, phong kiến hay tư sản đều mang bản chất dân chủ là sự phản ánh các mục đích chính trị của giai cấp thống trị, bóc lột. Nhà tư tưởng ngoài mácxít, Ferdinand Lassalle (1825 – 1864) khi nghiên cứu về nền dân chủ tư sản, đã cho rằng: Dân chủ là sự nới lỏng kiểu ban ơn của giai cấp tư sản cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, là đồ trang sức của xã hội công dân. Luận điểm này đã cho thấy, dân chủ tư sản chỉ là những thủ đoạn chính trị nhằm xoa dịu và làm giảm nhẹ những xung đột, những mâu thuẫn đối kháng về lợi ích kinh tế giữa giai cấp tư sản và người lao động.
Theo chủ nghĩa Mác, nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước được xây dựng trên nền tảng của sự liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trong xã hội này, các quan hệ xã hội không còn là quan hệ giữa giai cấp thống và giai cấp bị trị, không còn chế độ người bóc lột người. Từ nền tảng này, thể chế dân chủ xã hội chủ nghĩa được thiết lập, đó là nền dân chủ bao quát toàn bộ đời sống xã hội, lấy dân chủ trên lĩnh vực kinh tế làm cơ sở cho dân chủ về chính trị, pháp lý, tư tưởng. Không thể có một nền dân chủ thực sự về chính trị, nếu nền dân chủ ấy không xuất phát từ dân chủ trong kinh tế. Lênin cho rằng chủ nghĩa xã hội không thể tồn tại được nếu thiếu dân chủ, thiếu sự thực hiện một cách đầy đủ và mở rộng không ngừng dân chủ: “Phát triển dân chủ đến cùng, tìm ra những hình thức của sự phát triển ấy, đem thí nghiệm những hình thức ấy trong thực tiễn” được Lênin coi là nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Như vậy, theo Lênin thực hiện dân chủ trong xã hội xã hội chủ nghĩa cần diễn ra theo một tiến trình phù hợp với bối cảnh và điều kiện của từng giai đoạn lịch sử, từng xã hội cụ thể. Trong giai đoạn đầu, khi nhà nước vô sản mới thành lập việc thực hiện chuyên chính của nhà nước vô sản chính là nhân tố đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Điều quan trọng là các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác không dừng lại ở việc phân tích sự khác nhau giữa dân chủ tư sản và dân chủ xã hội mà còn chỉ ra quan niệm về bản chất của dân chủ. Theo Mác, dân chủ trong nhà nước xã hội chủ nghĩa là: “Bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật; tự do chính trị cho mọi công dân; quyết định theo đa số của mọi công dân; quyết định bằng cách biểu quyết, đó là thực chất của chế độ dân chủ hòa bình hoặc dân chủ thuần túy”. Như vậy, theo Mác, để thực sự có dân chủ thì mọi công dân trong xã hội, không kể thành phần giai cấp, tầng lớp đều phải bình đẳng như nhau trước pháp luật. Mọi công dân đều bình đẳng trong sự tham gia vào các hoạt động của nhà nước thông qua hình thức trực tiếp hay gián tiếp; bình đẳng trong hưởng các lợi ích từ các quyết định quản lý, điều hành của nhà nước.
Ba là, Nhà nước pháp quyền đề cao tính tối thượng của pháp luật.
Trong Nhà nước pháp quyền, pháp luật giữ vị trí chi phối với nhà nước và xã hội. Pháp luật do nhà nước xây dựng và ban hành, quy định không chỉ nhân dân, các tổ chức xã hội phải hoạt động theo pháp luật mà cả nhà nước với tư cách là chủ thể ban hành pháp luật cũng phải được tổ chức và hoạt động theo luật.
Với phương châm: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”, Mác và Ăngghen cho rằng cần phải biến nhà nước từ cơ quan đứng trên xã hội thành cơ quan hoàn toàn phục tùng xã hội. Mặt khác, hoạt động của nhà nước đó, phải dựa trên pháp luật mà pháp luật đó phải phản ánh được ý chí của giai cấp thống trị về chính trị và kinh tế để bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, nhưng đồng thời phải đảm bảo lợi ích chung của toàn xã hội. Mọi thành viên trong xã hội đều phải tuân thủ theo pháp luật, có như vậy mới đảm bảo pháp luật trở thành chuẩn mực chung, là thước đo hành vi của mọi người trong xã hội.
Dựa trên quan điểm của Mác, Lênin đã phát triển tư tưởng xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Lênin khẳng định: “Chính quyền mới với tính cách là chuyên chính của tuyệt đại đa số, đã có thể duy trì và đã được duy trì chỉ là nhờ vào sự tín nhiệm của quần chúng đông đảo, chỉ bằng lôi cuốn một cách tự do nhất, rộng rãi nhất và mạnh mẽ nhất toàn thể quần chúng tham gia chính quyền… Đó là chính quyền công khai đối với mọi người, làm mọi việc trước mặt quần chúng, quần chúng dễ dàng gần gũi nó, nó trực tiếp sinh ra từ quần chúng, là cơ quan trực tiếp đại biểu cho quần chúng nhân dân và cho ý chí của họ”. Để xây dựng chính quyền của nhân dân, Lênin đã xây dựng lý luận về pháp chế XHCN, coi đó là điều kiện cho việc xây dựng thành công CNXH. Trong đó, Lênin đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu tuân thủ pháp luật của bộ máy nhà nước và cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước.
Tóm lại, tư tưởng về Nhà nước pháp quyền của chủ nghĩa Mác – Lênin là kết quả của sự kế thừa, tiếp thu những giá trị hợp lý của các trường phái tư tưởng trước Mác nhưng đã có sự bổ sung và phát triển trên cơ sở của những căn cứ thực tiễn và căn cứ lý luận khoa học. Với cái nhìn toàn diện, chủ nghĩa Mác đã chỉ ra cơ sở kinh tế, xã hội của sự ra đời Nhà nước pháp quyền, phân tích bản chất sâu xa và các hình thức tổ chức quyền lực của Nhà nước pháp quyền. Khẳng định Nhà nước pháp quyền là nhà nước trong đó quyền lực của nhà nước hoàn toàn thuộc về nhân dân; do nhân dân làm chủ, phục vụ lợi ích của nhân dân; pháp luật là công cụ thực thi quyền lực nhà nước vừa là công cụ thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Những nội dung lý luận đó là kết quả của sự khái quát từ thực tiễn của sự phát triển của lịch sử xã hội qua các chặng đường của nhà nước chủ nô, nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa Mác đi đến kết luận, chỉ có nhà nước xã hội chủ nghĩa mới thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân.
TS. Đặng Ánh Tuyết
Khoa Triết học – Học viện Chính trị khu vực I
Tài liệu tham khảo:
– Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà nước và Pháp luật, nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2019, tr 103 – 104.
– Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà nước và Pháp luật, nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2019, tr 105.
– C. Mac & Ph. Ăngghen, Toàn tập, nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tập 1, tr 313 – 314.
– C. Mac & Ph. Ăngghen, Toàn tập, nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tập 4, tr 619.
– Xem: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình Triết học Mác – Lênin, nxb Đại học sư phạm, Hà Nội, 2014, tr 320.
– V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 33, tr. 97.
– https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-tieu-diem/-/asset_publisher/s5L7xhQiJeKe/content/quan-diem-cua-cac-nha-kinh-dien-chu-nghia-mac-le-nin-ve-dan-chu-va-y-nghia-doi-voi-cong-cuoc-doi-moi-o-viet-nam.
– C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2004, t.4, tr.591.
– V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 378.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/quan-diem-cua-chu-nghia-mac-lenin-ve-nha-nuoc-phap-quyen-a567116.html