Phòng xét nghiệm An toàn sinh học cấp III là nhóm phòng xét nghiệm phục vụ cho Dịch vụ chẩn đoán đặc biệt, nghiên cứu đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn sinh học.
Theo thông tin trên báo Lao Động, Phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III là phòng xét nghiệm có mức độ an toàn sinh học đứng thứ 3 trong thang an toàn sinh học 4 cấp độ. Thực hiện xét nghiệm đối với các loại vi sinh vật thuộc nhóm 1, nhóm 2 và nhóm 3 quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 3 Nghị định 103/2016/NĐ-CP và các sản phẩm từ vi sinh vật thuộc nhóm 4 nhưng đã được xử lý phù hợp với điều kiện của cơ sở xét nghiệm an toàn sinh học cấp III.
Trong đó, nhóm 1 là nhóm chưa hoặc ít có nguy cơ lây nhiễm cho cá thể và cộng đồng bao gồm các loại vi sinh vật chưa phát hiện thấy khả năng gây bệnh cho người.
Nhóm 2 là nhóm có nguy cơ lây nhiễm cho cá thể ở mức độ trung bình nhưng nguy cơ cho cộng đồng ở mức độ thấp bao gồm các loại vi sinh vật có khả năng gây bệnh nhưng ít gây bệnh nặng cho người, có khả năng lây truyền sang người và có biện pháp phòng, chống lây nhiễm, điều trị hiệu quả trong trường hợp mắc bệnh.
Nhóm 3 là nhóm có nguy cơ lây nhiễm cho cá thể cao nhưng nguy cơ cho cộng đồng ở mức độ trung bình bao gồm các loại vi sinh vật có khả năng gây bệnh nặng cho người, có khả năng lây truyền sang người và có biện pháp phòng, chống lây nhiễm, điều trị hiệu quả trong trường hợp mắc bệnh.
Liên quan đến kiến nghị nuôi cấy virus SARS-CoV-2 trong phòng xét nghiệm của Sở Y tế Tp.HCM, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế Tp.HCM khẩn trương rà soát, chỉ đạo cung cấp tài liệu, kết luận về cuộc họp kiểm tra phòng chống dịch bệnh ngày 31/1/2023 giữa Sở Y tế các đơn vị liên quan có bao gồm nội dung đề xuất cụ thể tài liệu liên quan về thực hiện nuôi cấy virus SARS-CoV-2 trong phòng xét nghiệm.
Theo Cục Y tế dự phòng, ngày 13/1/2023, Cục nhận được Công văn số 23/BVNĐ-XN của bệnh viện kèm theo hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp III Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM.
Tại báo cáo trong năm 2022, Bệnh viện không thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa có quy trình thực hành liên quan đến hoạt động nuôi cấy, phân lập virus SARS-CoV-2 trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế Tp.HCM chỉ đạo cung cấp, báo cáo việc thực hiện kiểm tra, thanh tra Phòng xét nghiệm An toàn sinh học cấp III của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM theo quy định tại Nghị định 103/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về nghị định quy định về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm và Nghị định 155/2018 NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Cục Y tế dự phòng cho hay, tại khu vực miền Nam, Bộ Y tế đã giao Viện Pasteur Tp.HCM là đơn vị có Phòng xét nghiệm An toàn sinh học cấp III để thực hiện việc nuôi cấy, phân lập virus SARS-CoV-2; trong trường hợp cần thiết để thực hiện ngay công tác giám sát, nghiên cứu phục vụ mục đích phòng, chống dịch.
Do đó, đề nghị Sở Y tế Tp.HCM chỉ đạo đơn vị đủ điều kiện, phối hợp chặt chẽ với Viện Pasteur Tp.HCM để thống nhất thực hiện theo quy định.
Phòng thí nghiệm nuôi cấy virus SARS-CoV-2 có an toàn hay không?
Trao đổi với báo Người Lao Động, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM cho biết, việc nuôi cấy được SARS-CoV-2 sẽ thực hiện được kỹ thuật phản ứng miễn dịch trung hòa. Kỹ thuật này cho phép đánh giá chính xác hiệu quả bảo vệ của kháng thể đối với các biến thể khác nhau của SARS-CoV-2. Qua đó cung cấp thêm các dữ liệu về mức độ bảo vệ của tình trạng miễn dịch cá thể và miễn dịch cộng đồng hiện nay tại Tp.HCM để góp phần đưa ra các chính sách về tiêm chủng vắc-xin phù hợp.
Về lo ngại phòng thí nghiệm nuôi cấy virus SARS-CoV-2 có an toàn hay không, chuyên gia của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) khẳng định: “An toàn sinh học tại đây được kiểm soát nhiều tầng, nhiều lớp từ khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay. Bên cạnh đó, hàng năm đơn vị cũng được Bộ Y tế kiểm tra, đánh giá, sau đó khẳng định an toàn mới được vận hành. Ngoài ra, trong một năm, nhân viên tại phòng cũng được tập huấn nhắc lại, bảo đảm các yêu cần về kỹ thuật, đào tạo; đồng thời được kiểm tra sức khỏe định kỳ”.
Trước lo ngại về virus phát tán, chuyên gia này cho rằng hiện virus SARS-CoV-2 có khắp nơi tại cộng đồng. Đặc biệt, khi nuôi cấy chỉ để tìm kháng thể trung hòa, không tạo ra biến chủng mới, không thay đổi biến đổi di truyền nên việc này an toàn, không đáng lo.
TS.BS Phạm Hùng Vân, Chủ tịch Liên chi hội Vi sinh Lâm sàng Tp.HCM, cũng cho rằng kiến nghị của Tp.HCM là hợp lý và không có gì đáng ngại về mặt an toàn. Trước thắc mắc về việc biến thể XBB của Omicron hiện nay có thật sự là nguy cơ nếu việc nuôi cấy SARS-CoV-2 được thực hiện, bác sĩ Vân giải thích đây không phải là biến thể hoàn toàn mới, bản chất nó cũng là Omicron. Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có bằng chứng XBB độc hơn và gây bệnh nặng hơn.
Theo nghiên cứu tại Tp.HCM, có trên 90% người dân đã nhiễm bệnh và thời kỳ nhiễm nhiều nhất là từ sau Tết 2022 – thời điểm lưu hành biến thể Omicron. “Chúng ta đã đạt được miễn dịch cộng đồng. Vì vậy, XBB dù có lây nhanh hơn nữa cũng khó tái nhiễm để bùng phát đại dịch. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang vẫn là cần thiết để ngăn nhiễm trùng hô hấp, không chỉ ngừa Covid-19 mà còn phòng nhiều bệnh khác”, bác sĩ Vân phân tích.
Minh Hoa (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/phong-thi-nghiem-nhu-the-nao-moi-dat-tieu-chuan-nuoi-cay-sars-cov-2-a592116.html