Tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp diễn ra sáng 11/8, ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) đã có loạt kiến nghị với người đứng đầu của Chính phủ để mong được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành logistics.
Nhấn mạnh logistic giữ vai trò là mạch máu lưu thông hàng hoá trong nội địa cũng như quốc tế, kết nối thương mại qua biên giới, Phó Chủ tịch Hiệp hội VLA đề xuất tập trung vào 2 khía cạnh.
Thứ nhất, đẩy mạnh các phương thức vận tải, phát triển chuỗi cung ứng vận tải, các thương hiệu vận tải.
Thứ hai, tăng tính kết nối dựa trên các nền tảng trung tâm logistics lớn, kết nối các hệ sinh thái của Việt Nam, đặc biệt hệ thống cảng biển quốc gia.
Phó Chủ tịch VLA cho biết, đối với ngành hàng hải, hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh cảng bên cạnh các khu kinh tế lớn. Để tận dụng tối đa sức mạnh và hệ sinh thái, việc hỗ trợ phát triển đội tàu, cảng mang thương hiệu Việt Nam là hết sức cần thiết.
“Vừa qua, trong đợt khủng hoảng giá cước (tăng gấp 5-7 lần), lợi nhuận “rơi vào túi” các hãng lớn của nước ngoài. Rõ ràng, Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều trong vấn đề này nên việc đẩy mạnh đội tàu, trong đó có container, là rất quan trọng. Hiện nay, ngoài cơ chế hỗ trợ đã được Chính phủ, bộ ngành quan tâm thì việc phát triển đội tàu cần hoàn thiện chính sách về mua sắm, đấu thầu”, ông Lê Quang Trung nhấn mạnh.
Ngoài ra, vận tải phải liên kết được hàng hoá, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp logistics, vận tải, hàng hải thì cơ chế cần phù hợp với các yếu tố quốc tế, đồng thời hài hoà với điều kiện trong nước.
Việt Nam là nước nhập khẩu lớn một số mặt hàng như: than (từ 40-70 triệu tấn/năm) hay xuất khẩu clinker/xi măng trên 25 triệu tấn. Tuy nhiên, đội tàu Việt Nam còn khá nhỏ bé so với đội tàu thế giới nên rất cần cơ chế dành quyền vận tải cho 20-30% sản lượng xuất nhập khẩu đó cho đội tàu Việt Nam (trên cơ sở giá thắng thầu vận tải). Các nước khác như Indonesia, Philipines đều áp dụng cơ chế này.
Bên cạnh đó, về phát triển một số hoạt động liên quan đến vận tải đường bộ, Chính phủ đã nỗ lực hỗ trợ hết sức, ví dụ như bình ổn giá xăng dầu. Doanh nghiệp logistics đánh giá rất cao nỗ lực và kết quả đạt được trong điều hành của Chính phủ vừa qua.
“Theo tôi, cần tiếp tục duy trì và đảm bảo giá xăng dầu ổn định như hiện nay, ít nhất cho tới quý II/2023”, ông Lê Quang Trung nhấn mạnh.
Theo đó, về vận tải đường biển, thương mại biên giới với Lào và Campuchia cũng rất quan trọng. Hiện nay các hãng vận tải khi sang Lào cần phải được chỉ định bởi một đại lý bên Lào. Vấn đề này sẽ làm tăng thêm chi phí. Hiệp hội cũng đề xuất Chính phủ, bộ ngành lưu tâm, tháo gỡ khó khăn này.
“Thời gian tới, chúng ta vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm tàng, rất mong Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sát sao, linh hoạt, phù hợp và chuẩn bị nhiều phương án khi phát sinh những vấn đề mới, trong bối cảnh mới”, Phó Chủ tịch VLA chia sẻ.
Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp với chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững” được tổ chức nhằm đánh giá thực chất, khách quan các tác động của tình hình kinh tế thế giới đến Việt Nam, thực trạng, khó khăn, thách thức cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt, kết quả đạt được và chưa đạt được trong triển khai chính sách, giải pháp của Chính phủ thời gian qua.
Trên cơ sở nhận diện thời cơ, thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn lắng nghe các chia sẻ, đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai chính sách.
Đồng thời, hiến kế bổ sung các giải pháp trên tinh thần “lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ”; góp phần phát triển kinh tế-xã hội nói chung, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/phat-trien-doi-tau-ngan-dong-loi-nhuan-roi-vao-tui-hang-nuoc-ngoai-a564172.html