Phát biểu tại hội thảo chuyên đề “Nâng cao chất lượng Quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững” ngày 16/11, KTS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, phát triển đô thị là quy luật khách quan mang tính thời đại và toàn cầu.
Thống kê đến tháng 9/2022 cả nước đã có 888 đô thị, chiếm khoảng 41,5% dân số cả nước, các đô thị đã và đang là những động lực phát triển quan trọng của các vùng miền và cả nước.
Đặc biệt, sau các tác động mạnh của thiên tai và dịch bệnh thời gian vừa qua, các đô thị cũng là những nền tảng trung tâm, hình thành các cơ hội mới, cung cấp các giải pháp thúc đẩy các hoạt động phục hồi nền kinh tế.
Ông Chính cũng chỉ ra, sự phát triển của các đô thị còn nhiều yếu tố chưa bền vững, trong đó, hạ tầng đô thị vẫn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, công tác cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị chưa được quan tâm và chưa có kế hoạch tổng thể để thực hiện, nguồn lực còn thiếu và chưa được xã hội hóa. Ngoài ra, nguồn lực tài chính chống chịu trước thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu còn rất hạn chế.
“Quy chuẩn, tiêu chuẩn chậm đổi mới, chưa phát huy được vai trò của quy hoạch đô thị đối với sự phát triển kinh tế. Trong đó, nguồn lực là yếu tố quan trọng trong phát triển đô thị, nhưng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chưa chỉ ra được”, ông nhìn nhận.
Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cũng lưu ý một vấn đề hết sức quan trọng, mặc dù đã được phê duyệt, nhưng khi quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia được thông qua thì quy hoạch tỉnh phải điều chỉnh. Những hạn chế trong vấn đề quy hoạch xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, nhận thức chưa đầy đủ về mặt quy hoạch vẫn là nguyên nhân chính.
“Do đó, chúng ta cần đổi mới tư duy quy hoạch đô thị, lấy con người làm trung tâm. Kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực cho sự phát triển”, ông Chính nói.
Đánh giá bất cập của hệ thống đô thị – nông thôn ở cấp độ quốc gia, KTS. Phạm Thị Nhâm – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia cho biết, từ góc độ địa kinh tế và kinh tế đô thị, hệ thống đô thị chưa phát huy hết những tiềm lực kinh tế trong bối cảnh đầu tư dàn trải và nhiều trường hợp phát triển đô thị còn duy ý chí và không theo quy luật thị trường.
Trên góc độ sinh thái môi trường, KTS. Phạm Thị Nhâm cho rằng, hệ thống đô thị chưa phát huy hết những tiềm lực về sinh thái môi trường. Vấn đề chính là phát triển ở những vùng không thuận lợi về sinh thái môi trường, dẫn tới vừa phá huỷ hệ sinh thái, vừa tốn tiền đầu tư.
Còn nhìn từ góc độ văn hóa xã hội, hệ thống đô thị chưa phát huy hết những tiềm lực về văn hoá – xã hội. Vấn đề chính là chưa có quan điểm rõ ràng và khả thi đối với mục tiêu văn hoá – xã hội, đặc biệt là chủ đề công bằng xã hội và bản sắc văn hoá trong không gian đô thị.
Đồng thời, hệ thống đô thị Việt Nam chưa thích ứng được với biến đổi khí hậu cũng như chưa phát huy hết tiềm lực mà biến đổi khí hậu mang lại.
“Chúng ta còn xem biến đổi khí hậu là thảm hoạ, cần phải đối phó như phòng chống thiên tai, mà không nhận ra đó là thay đổi điều kiện tự nhiên lâu dài và cần phải thay đổi tư duy và ứng xử”, bà Phạm Thị Nhâm nói.
Về xu thế phát triển của các đô thị hiện nay, bà Phạm Thị Nhâm cho rằng, xu thế đô thị hóa bền vững và phát triển đô thị thông minh, tăng trưởng xanh đang ngày càng được quan tâm, áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, quan điểm quy hoạch đô thị Việt Nam đang dựa trên cơ sở phát triển bền vững, lấy con người làm trọng tâm và tiếp tục thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu kinh tế, hội nhập quốc tế.
“Chúng ta cần tạo cơ hội phát triển công bằng cho người dân và giảm thiểu chênh lệch trong chất lượng sống. Vấn đề công bằng biểu hiện trong việc phân bố không gian lãnh thổ là giải quyết sinh kế đi đôi với thu nhập, an sinh, bao gồm y tế, giáo dục, nhà ở, tiếp cận hạ tầng và sinh thái môi trường.
Việc phát triển hệ thống đô thị không đảm bảo đạt được cả yếu tố công bằng, nhưng nó có thể hỗ trợ việc hướng tới các giá trị này”, bà Phạm Thị Nhâm chia sẻ.
Đồng thời, theo bà Nhâm, việc quy hoạch đô thị phải gắn với phát triển và phân bố hợp lý hệ thống đô thị theo vùng miền; đề cao yếu tố môi trường, phục hồi sinh thái và các hoạt động phát thải carbon thấp. Ngoài ra, việc bảo đảm an ninh, quốc phòng và an toàn xã hội, chú trọng chất lượng môi trường sống đô thị – nông thôn, huy động tổng hợp và sử dụng hiệu quả các nguồn lực là những quan điểm quan trọng chi phối vấn đề quy hoạch đô thị Việt Nam.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc điều tiết chính sách phát triển tập trung nguồn lực, không dàn trải, để tạo ra sự tích tụ kinh tế, dân số để đô thị thực sự thành các cực và hành lang tăng trưởng kinh tế quốc gia và vùng, tiểu vùng.
Trong đó, hai vùng đô thị lớn là Hà Nội và Tp. HCM cùng các tiểu vùng đô thị ở ven biển, đồng bằng và Tây Nguyên là động lực hình thành cực và hành lang kinh tế quốc gia.
Trong bối cảnh đô thị hóa tiếp tục là xu thế và quy luật tất yếu của thời đại, gắn với những xu hướng và vai trò mới như xu hướng tạo ra các siêu đô thị cũng như đô thị hóa theo vùng và hình thành các vùng đô thị hóa càng trở nên rõ rệt, thì việc quản trị đô thị, với đặc tính hợp nhất và kết nối đang là vấn đề rất quan trọng trong quy hoạch, phát triển đô thị hiện nay.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/phat-trien-do-thi-phai-di-doi-voi-dam-bao-cong-bang-cho-nguoi-dan-a580768.html