noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
More
    Trang chủThế giớiPháp: Người biểu tình xông vào trụ sở đế chế thời trang...

    Pháp: Người biểu tình xông vào trụ sở đế chế thời trang xa xỉ LVMH

    Cuộc biểu tình phản đối cải cách hưu trí của Tổng thống Macron diễn ra vào ngày cổ phiếu công ty sở hữu các thương hiệu như Louis Vuitton và Moët vọt lên mức kỷ lục.

    Những người biểu tình hôm 13/4 đã xông vào trụ sở ở Paris của “gã khổng lồ” thời trang xa xỉ LVMH, trong bối cảnh Pháp chứng kiến một làn sóng biểu tình mới phản đối kế hoạch cải cách hưu trí của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Đài CNN đưa tin.

    “Nếu ông Macron muốn tìm tiền để tài trợ cho hệ thống hưu trí của Pháp, thì ông ấy nên đến đây”, ông Fabien Villedieu, một lãnh đạo nghiệp đoàn, nói với Đài BFMTV, chi nhánh của CNN, bên ngoài tòa nhà trụ sở của LVMH.

    Theo tờ Wall Street Journal, một đoạn video ghi lại cảnh một đám đông vẫy pháo sáng và biểu ngữ khi họ tràn qua lối vào trụ sở của đế chế thời trang xa xỉ trên Đại lộ Montaigne sang trọng ở trung tâm thủ đô Paris.

    Một video khác cho thấy đám đông đang đi thang cuốn lên khu vực tiếp tân dẫn lên các tầng cao hơn, nơi đặt văn phòng của Giám đốc điều hành LVMH, Bernard Arnault, người giàu nhất thế giới, cùng với các giám đốc điều hành hàng đầu khác.

    Người biểu tình sau đó đã rời đi một cách hòa bình, Reuters cho biết.

    Thế giới - Pháp: Người biểu tình xông vào trụ sở đế chế thời trang xa xỉ LVMH

    Người biểu tình tràn vào trụ sở của đế chế thời trang xa xỉ LVMH trong một cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu ở trung tâm Paris, ngày 13/4/2023. Ảnh: Getty Images

    Cuộc biểu tình phản đối tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 diễn ra vào ngày cổ phiếu của LVMH – công ty sở hữu các thương hiệu như Louis Vuitton và Moët – tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong giao dịch tại Paris.

    Điều này tiếp tục củng cố vị thế của LVMH là công ty hàng xa xỉ lớn nhất thế giới và cổ phiếu lớn nhất châu Âu tính theo giá trị vốn hóa thị trường. LVMH được định giá dưới 480 tỷ USD trong phiên giao dịch hôm 13/4, vượt qua Visa Inc. và Exxon Mobil Corp.

    Ước tính có tới 600.000 người xuống đường trên khắp nước Pháp hôm 13/4 để phản đối cải cách hưu trí. Cuộc tổng đình công và biểu tình lần thứ 12 trên toàn đất nước diễn ra một ngày trước khi Tòa án Hiến pháp Pháp ra quyết định về tính hợp hiến của đạo luật gây tranh cãi này.

    Tổng thống Pháp Macron lập luận rằng cải cách là cần thiết để chống đỡ hệ thống tài chính công và quyết giữ vững lập trường bất chấp các làn sóng phản đối làm rung chuyển đất nước. Ông Macron – người đang trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Hà Lan – cho biết trong một cuộc họp báo hôm 12/4 rằng ông sẽ tổ chức một cuộc họp với các nghiệp đoàn lao động sau phán quyết của Hội đồng Hiến pháp Pháp, để bắt đầu thực hiện các đề xuất khác.

    Thế giới - Pháp: Người biểu tình xông vào trụ sở đế chế thời trang xa xỉ LVMH (Hình 2).

    Người biểu tình bên trong trụ sở của đế chế thời trang xa xỉ LVMH trong một cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu ở trung tâm Paris, ngày 13/4/2023. Ảnh: Bloomberg

    Phát biểu tại một cuộc biểu tình ở lò đốt rác gần Paris sáng hôm 13/4, bà Sophie Binet, lãnh đạo mới của nghiệp đoàn GGT, một trong những nghiệp đoàn chính của Pháp có đường lối cứng rắn, nhấn mạnh: “Trừ khi cải cách bị rút lại, cuộc vận động sẽ tiếp tục bằng cách này hay cách khác”.

    Thị trưởng Paris Anne Hidalgo lên tiếng ủng hộ người biểu tình trước làn sóng biểu tình mới. Bà Hidalgo viết trên Twitter: “Trước thềm quyết định của Hội đồng Hiến pháp Pháp, tôi một lần nữa ủng hộ các cuộc vận động ở Paris và mọi nơi trên nước Pháp. Cải cách này là bất công và bạo lực. Người Pháp đã yêu cầu rút lại nó trong nhiều tháng, chính phủ phải lắng nghe họ”.

    Phán quyết của Hội đồng Hiến pháp Pháp vào ngày 14/4 sẽ quyết định liệu các cuộc biểu tình có tiếp tục hay không. Nghiệp đoàn CFDT có đường lối ôn hòa có thể sẽ dễ dàng chấp nhận một thỏa thuận thương lượng hơn.

    Trong khi đó, rác thải cũng sẽ tràn ngập đường phố Paris một lần nữa khi những người thu gom và công nhân lò đốt rác lại đình công, bắt đầu từ ngày 13/4, theo nghiệp đoàn CGT.

    Cuộc đình công kéo dài gần một tháng trước đó, cho đến cuối tháng 3, đã chứng kiến 10.000 tấn rác chất đống khắp thủ đô Paris vào thời điểm tồi tệ nhất.

    Minh Đức (Theo CNN, WSJ)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU