Sáng nay (1/3), toạ đàm đối thoại chính sách về đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 đã được diễn ra tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Toạ đàm nhằm xem xét, đánh giá thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam nhằm chuẩn bị tốt cho giai đoạn trở thành nước thuộc nhóm thu nhập trung bình cao.
Tháo gỡ các nút thắt trong thể chế
Đưa đến toạ đàm một số vấn đề đặt ra liên quan đến thể chế kinh tế trong bối cảnh Việt Nam sắp gia nhập nhóm thu nhập trung bình cao ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế – xã hội đánh giá mọi thứ dường như đang chững lại sau Covid-19, tạo ra quan ngại triển vọng kinh tế Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, nếu chúng ta tháo gỡ được một số nút thắt sẽ tạo ra động lực phát triển kinh tế mới giống như những gì đã làm được trong giai đoạn trước đây.
Để hiểu rõ, ông Tuấn Minh giải thích thể chế kinh tế chính thức chính là hệ thống pháp luật chi phối các giao dịch trên thị trường. Và tại Việt Nam hơn 30 năm qua, cơ bản đã hình thành được các thể chế kinh tế thị trường khi chúng ta đã xác lập và bảo vệ quyền sở hữu; Có được sự tự do giá cả, tự do thoả thuận và tự do kinh doanh.
Vậy làm thế nào để xác định những bất cập trong hệ thống thể chế để trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao?
Trả lời câu hỏi này, ông Đinh Tuấn Minh cho biết: “Trong các cách tiếp cận truyền thống, thông thường chúng ta sẽ tìm mô hình tối ưu hoá để chỉ ra những điểm bất cập. Tuy nhiên, ở cách tiếp cận mới thì cần so sánh với những thế chế khác trên thế giới từ đó đánh giá lại chúng ta”.
Cụ thể, thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam cơ bản đã thành hình, nếu muốn biết chúng ta ở đâu thì so sánh với các nước có nét tương đồng, hoặc quốc gia có trình độ phát triển tốt hơn để tìm ra các vấn đề. Ở đây, có thể so sánh với nước các nước như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, nước thành công vượt bẫy thu nhập trung bình như Hàn Quốc.
Công cụ so sánh là các bộ chỉ số so sánh hệ thống thể chế kinh tế thị trường giữa các quốc gia thông qua các yếu tố: Quy mô Chính phủ; Hệ thống pháp lý và các quyền sở hữu; Đồng tiền tốt; Tự do thương mại quốc tế; Các quy định quản lý.
Thông qua các yếu tố nêu trên, ông Minh đánh giá Việt Nam đã tiệm cận nhóm các nước thu nhập trung bình cao ở các chỉ số thành phần về: Quy mô Chính phủ; Hệ thống pháp luật và các quyền sở hữu; Quy định quản lý thị trường tín dụng, lao động và kinh doanh.
Tuy nhiên, vẫn còn cách xa ở các chỉ số Đồng tiền tốt và Tự do thương mại quốc tế. Và đây cũng là 2 chỉ số mà theo chuyên gia cần ưu tiên quan tâm về cải cách thể chế kinh tế khi Việt Nam muốn trở thành nước thu nhập trung bình cao.
Cần linh hoạt sử dụng các bộ chỉ số
Đánh giá về bộ chỉ số nêu trên, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng nghiên cứu các chỉ số là rất quan trọng, nhưng cần làm rõ sử dụng bộ chỉ số như thế nào?
“Đây là bộ tham chiếu rất tốt, nhưng không gì là hoàn hảo, cần phải biết sử dụng cái gì và nhìn vào đâu để cải cách vì lợi ích quốc gia chứ không thu hẹp trong bộ chỉ số. Nhất là phải cải cách vì chúng ta chứ không phải cải cách vì bộ chỉ số”, ông Hiếu bày tỏ.
Việc có một bộ chỉ số sẽ giúp nhìn ra được thực tế và phải giải quyết chúng, ngoài ra bộ đánh giá này đưa ra cho chúng ta một tâm lý cải cách, điều này rất quan trọng, ông Hiếu chia sẻ: “Ta làm tốt hơn chúng ta chưa đủ mà phải tốt hơn so với toàn cầu”.
Có tiếp cận khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết cách đo của bộ chỉ số đối với Việt Nam chưa phản ánh thực chất. Đưa ra ví dụ cụ thể, chỉ tiêu cần quan tâm là Quy mô Chính phủ nhưng chuyên gia băn khoăn rằng bộ chỉ số chưa đo hết chuyên môn Chính phủ ở Việt Nam.
“Nguyên nhân là bởi Chính phủ Việt Nam không chỉ ở TW, cơ quan đầu não mà còn hệ thống ở địa phương, và các cơ quan khác nên khó đo hết”, bà Phạm Chi Lan đánh giá.
Theo bà Lan, cải cách thể chế cần quan tâm đầu tiên là thay đổi hệ thống thể chế, hệ thống pháp luật về kinh tế nói chung. “Hiện nay, hệ thống pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, không đồng bộ, quy định với luật này là tốt nhưng với luật khác lại là vi phạm, thiếu tính nhất quán giữa các bộ”, bà Chi Lan phân tích.
Phát biểu tại buổi đối thoại, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Những bài học quá khứ cho thấy, trong bối cảnh khó khăn hiện nay Việt Nam cần phải tiếp tục tìm ra những điểm nghẽn quan trọng về thể chế kinh tế để tháo gỡ, xem đây là chìa khoá để mang lại niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư cả trong, lẫn ngoài nước.
Đặc biệt trong bối cảnh cần chuẩn bị tốt cho quá trình gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao và nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn và bất ổn”.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nut-that-de-viet-nam-vuot-bay-thu-nhap-trung-binh-a595894.html