Ngày 22/2, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị khách hàng và công bố kế hoạch biểu diễn của năm 2023. Sự kiện có sự tham dự của nhiều đối tác của Liên đoàn và các nghệ sĩ xiếc.
Chia sẻ tại Hội nghị, NSND Tống Toàn Thắng- Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trong 2 năm qua, mọi hoạt động của Liên đoàn xiếc bị chịu ảnh hưởng không nhỏ. Việc tổ chức khách hàng thường niên 2022 tạm gác lại, nên năm 2023, Liên đoàn xiếc Việt Nam đã có kế hoạch tổ chức chương trình sớm hơn mọi năm.
Theo Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, hiện tại đơn vị này đã sẵn sàng phục vụ những hợp đồng biểu diễn cho các tour du lịch, các trường đưa học sinh ở các địa phương về tham quan Hà Nội và đến xem tại rạp.
Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ càng từ nội dung cho tới phân bổ điều tiết các đoàn diễn trực tiếp tại Rạp xiếc Trung ương ở Hà Nội và đi lưu diễn ở các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Hiện nay, một số chương trình thường niên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã tạo dấu ấn và trở nên quen thuộc với nhiều đối tượng khán giả, như: Gala xiếc ba miền, Đi cùng năm tháng (kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7), chương trình Nối vòng tay nhân ái gây dựng quỹ hỗ trợ nghệ sĩ xiếc có hoàn cảnh khó khăn; Hà Nội mùa thu (kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô 10/10), Xiếc & Rock (Xiếc kết hợp với Ban nhạc Ngũ Cung kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10), Chương trình nghệ thuật tổng hợp chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (Tôn vinh Nhà giáo Xiếc)… đã gây ấn tượng với nhiều khán giả yêu mến nghệ thuật xiếc.
“Trong thời gian qua, nghệ sĩ xiếc đã rất cố gắng để sáng tạo. Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đã mạnh dạn đổi mới khi kết hợp với công nghệ và các loại hình nghệ thuật khác, điều đó đã làm tăng yếu tố giải trí và hấp dẫn hơn.
Đặc biệt, chúng tôi đã kết hợp với Nhà hát Cải lương dàn dựng thành công hai tác phẩm Cây gậy thần và Thượng Thiên Thánh Mẫu trong dự án Huyền sử Việt. Không chỉ người lớn mê cải lương hay người trẻ mê xiếc yêu thích, mà đối tượng khán giả đến xem chương trình đa dạng với nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp, giai tầng. Chúng tôi dự kiến sẽ đầu tư hơn nữa về mặt công nghệ ở các chương trình mới để tạo nên những bất ngờ mang tính giải trí, hấp dẫn hơn cho khán giả”, NSND Tống Toàn Thắng nói về những đổi mới của đơn vị này thời gian qua.
Trong năm nay, nhiều chương trình sẽ được Liên đoàn xiếc Việt Nam tổ chức gắn với các dịp ngày lễ, Tết, kỷ niệm quan trọng trong năm của ngành và của đất nước. Như vở diễn Những cánh hồng bay chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, đơn vị này sẽ dành để tôn vinh 2 “công chúa” của Liên đoàn là Phạm Thị Hướng và Trương Hồng Thúy (giải Vàng tại Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2022 diễn ra tại Liên bang Nga).
Ông Thắng muốn khán giả chiêm ngưỡng tài năng của họ, đồng thời được nghe những chia sẻ về sự khổ luyện của nữ nghệ sĩ xiếc để có được những giải thưởng cao quý mà thế giới công nhận.
Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam chia sẻ thêm, khi làm các vở diễn nghệ thuật mang hơi hướng lịch sử, các nghệ sĩ được thể hiện một cách chân thực, có sự minh họa nhân vật gần gũi nên truyền được cảm xúc tới người xem một cách đồng điệu hơn.
“Nhiều khán giả xem xiếc đã khóc vì cách diễn của các nghệ sĩ đã chạm tới cảm xúc của họ. Xem xiếc mà rơi nước mắt thì rất đáng nhớ. Người nghệ sĩ, ngoài tài năng ra, thì họ đến với khán giả từ sự đồng điệu về tâm hồn, cảm xúc thực sự là điều thành công”, NSND Tống Toàn Thắng tâm sự.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nsnd-tong-toan-thang-xem-xiec-ma-roi-nuoc-mat-thi-rat-dang-nho-a594801.html