Với mong muốn lan tỏa những nét đẹp văn hóa cổ truyền tới khán giả trẻ, ca sĩ Hà Myo luôn cho ra mắt các sản phẩm kết hợp màu sắc âm nhạc truyền thống và hiện đại.
Hà Myo từ lâu đã được biết đến là một trong những ca sĩ trẻ đầu tiên kết hợp giữa xẩm và hát xoan với rap, EDM với mong muốn lan tỏa những nét đẹp văn hóa cổ truyền tới khán giả trẻ. Mới đây, nữ ca sĩ tiếp tục cho ra mắt MV mang tên Dân ca Việt.
Với sự giao thoa giữa hai thế hệ, ở sản phẩm âm nhạc lần này, Hà Myo có sự kết hợp cùng NSND Thanh Ngoan, giữa cái cũ và cái mới, giữa văn hoá cổ truyền và màu sắc hiện đại.
Mở đầu với những giai điệu, nhạc cụ đặc trưng của nghệ thuật xẩm, dòng nhạc về trung hiếu lễ nghĩa, cùng cách hát đặc trưng của hai ca sĩ.
Nối tiếp là làn điệu chèo pha một chút chất liệu của âm nhạc điện tử kết hợp với câu từ được nhà soạn giả âm nhạc Mai Văn Lạng chấp bút. Tất cả tạo nên một không gian thôn xóm giản dị mà lãng mạn tràn đầy niềm vui của người dân Việt Nam.
Chuyển tiếp chính là hát văn, một loại hình nghệ thuật đầy tính tín ngưỡng đã được nhà sản xuất âm nhạc mang đến một màu sắc mới với tiết tấu nhanh hơn và sôi động hơn kết hợp với các câu từ giản dị mộc mạc: “Người về đến hẹn lại lên/Miếng trầu trao tặng thắm thêm tình người”.
NSND Thanh Ngoan và ca sĩ Hà Myo tạo nên sự kết hợp giữa cũ và mới, giữa âm nhạc cổ truyền và âm nhạc hiện đại. Dân ca Việt mở đầu với những giai điệu, nhạc cụ đặc trưng của nghệ thuật xẩm.
“Lựa chọn thể loại và cách thể hiện như vậy phần nào nói lên những điều chân thật từ trái tim tôi và NSND Thanh Ngoan. Cả hai đều rất trân trọng những khúc dân ca cổ truyền đặc trưng của Việt Nam. Sản phẩm lần này tiếp tục nhắc nhở tôi làm mới nhưng không được thay đổi cái cốt lõi của nghệ thuật dân gian”, ca sĩ Hà Myo chia sẻ.
Tiếp nối giai điệu của xẩm, Dân ca Việt đưa khán giả đến với nghệ thuật chèo. Đây cũng là phần có giai điệu mới mẻ nhất khi loại hình âm nhạc truyền thống này được kết hợp với nhạc điện tử. Hát văn cũng được khoác chiếc áo mới khi có tiết tấu nhanh, sôi động hơn.
Lý giải việc chọn hát văn để kết bài, Hà Myo cho rằng loại hình nghệ thuật này mang tính tín ngưỡng, tính gắn kết cao nên để ở cuối để thể hiện sự gắn kết vô hình nhưng bền chặt của các thế hệ, sự kết hợp giữa cũ và mới trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa dân gian.
Bên cạnh việc lan tỏa những làn điệu dân ca, ê-kíp cũng muốn đem đến cho khán giả nhiều nét đẹp văn hóa, hình tượng đặc trưng của Việt Nam thông qua hội làng ngày xuân, cùng các trò chơi, hình ảnh lễ hội dân gian như múa rối, chú Tễu, những hình ảnh gắn liền với văn hóa, nghệ thuật Việt từ xa xưa như mời trầu, trúc xinh, Thị Mầu…
Tùng Lâm (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nsnd-thanh-ngoan-ca-si-ha-myo-ra-mat-san-pham-am-nhac-moi-a645064.html