Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích sầu riêng năm 2022 trên địa bàn tỉnh đạt gần 22.500ha, chiếm 43,2% diện tích cây ăn quả, tăng 7.550ha so với năm 2021, sản lượng đạt gần 188.000 tấn, tăng trên 50.000 tấn so với năm 2021.
Hiện nay, sầu riêng được ví như cây tiền tỷ, có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, mang lại nguồn thu nhập tốt cho người nông dân.
Bà Đinh Thị Kiệm (SN 1950, trú tại thôn 19/5, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, cây sầu riêng có đặc tính ra hoa và đậu trái rất nhiều. Tuy nhiên, từ khi sầu riêng ra hoa đến khi thu hoạch, người nông dân tốn rất nhiều thời gian, công sức để chăm sóc. Chỉ cần sơ xuất, chăm sóc không đúng kỹ thuật và không đúng thời điểm thì chỉ trong một thời gian rất ngắn sau khi đậu trái, sầu riêng sẽ bị rụng trái hàng loạt.
“Việc chăm sóc, giữ cho trái sầu riêng không bị rụng trái gặp rất nhiều khó khăn. Theo đó, ngoài việc thường xuyên xử lý, ngăn chặn các loại sâu bệnh tấn công thì khi sầu riêng mới đậu quả, người dân phải thường xuyên theo dõi, quản lý và tìm cách ngăn chặn việc phát triển đọt của cây để hạn chế bị rụng trái. Tuy nhiên, khi quả sầu riêng đã lớn được 2,5kg trở lên thì chủ vườn lại phải dìu đọt của các cành để chăm cho mùa tới” – bà Kiệm cho hay.
Bên cạnh đó, người dân cũng cho biết, vào mùa mưa ở Tây Nguyên thường kèm theo gió khiến cho trái sầu riêng có nguy cơ dễ bị rụng khi chưa đủ tuổi thu hoạch. “Mỗi khi mưa, gió kéo đến, người nông dân chúng tôi không khỏi thấp thỏm lo lắng quả trên cây sầu riêng bị rụng. Bởi chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa thì diện tích sầu riêng đã vào mùa thu hoạch nên nếu cây bị rụng trái nhiều thì ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của người dân” – bà Kiệm chia sẻ.
Để khắc phục tình trạng sầu riêng rụng trái trước diễn biến thất thường của thời tiết, ngoài việc chăm sóc kỹ lưỡng, nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn sử dụng dây nilon buộc quả và neo cành sầu riêng lại.
Ông Lê Việt Hùng (trú tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk) cho biết, với những cây sầu riêng cao lớn, nhiều năm tuổi thì người dần chỉ dùng dây để neo cành nhằm hạn chế bị gãy cành, rụng trái. Đối với những cây thấp, các chủ vườn phải đầu tư hàng chục triệu đồng để thuê nhân công cột từng quả sầu riêng vào cành.
Tại huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk), anh Đặng Hữu Phước (trú tại thị trấn Pơng Drang, huyện Krông Búk) cho biết, cây sầu riêng khá giòn, khi gặp tác động mạnh như mưa, gió… rất dễ gãy cành, thậm chí bật gốc. Mặt khác, quả sầu riêng cũng dễ rụng. Nếu gặp phải luồng gió mạnh thổi qua, quả bị tức cuống và rụng trái rất nhiều. Chính vì vậy, hiện gia đình anh đang thuê người buộc quả sầu riêng vào cành, tránh trường hợp bị rụng vì mưa gió… Trước đó, gia đình anh cũng đã dùng dây neo các cành với nhau để giữ cho chắc chắn.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Krông Pắk cho hay, hiện nay chỉ còn khoảng 1 tháng 20 ngày nữa là diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện bước vào mùa thu hoạch. Đa phần bà con đã nắm vững kỹ thuật chăm sóc, neo giữ vườn cây, quả sầu riêng… nhưng các yếu tố về thời tiết, thiên tai thì khó lường hết được. Do đó, ngành nông nghiệp luôn khuyến cáo nông dân chủ động mọi tình huống để ứng phó.
Khánh Ngọc
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nong-dan-trong-cay-tien-ty-tiet-lo-bi-kip-chong-rung-trai-a617778.html