Tuyển sinh đại học bằng IELTS vẫn “hot”
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng có phương thức xét tuyển thẳng các thí sinh là học sinh các trường THPT có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: IELTS hoặc TOEFL iBT hoặc TOEIC; DELF hoặc TCF; HSK và HSKK (thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2023). Nguyên tắc xét tuyển là xét theo tổng điểm trung bình chung cả năm lớp 10, 11, 12 của môn học hoặc tổ hợp môn học ở bậc THPT theo quy định của mỗi ngành. Điều kiện đăng ký xét tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT năm 2023 có hạnh kiểm tất cả các học kỳ đạt loại Tốt, có học lực giỏi cả 3 năm ở bậc THPT.
Năm 2023, Trường Đại học Kinh tế quốc dân có phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường sử dụng chứng chỉ Tiếng Anh đối với 2 nhóm thí sinh. Trong đó, nhóm thứ nhất hướng đến thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, điều kiện nhận hồ sơ là thí sinh đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: Listen & Read 785, Speak 160, Write 150) trở lên và có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của môn Toán và 1 môn khác môn Tiếng Anh thuộc các tổ hợp xét tuyển của trường.
Nhóm thứ hai hướng đến thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo đó, thí sinh muốn xét tuyển, ngoài đáp ứng về điểm thi đánh giá năng lực phải có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2023 đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: Listen & Read 785, Speak 160, Write 150) trở lên.
Theo Vietnamnet, trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng đưa ra phương thức tuyển sinh bằng xét tuyển kết hợp với điều kiện thí sinh có chứng chỉ quốc tế Tiếng Anh (Tiếng Pháp) tương đương IELTS 5.0 trở lên, hoặc có kết quả trong kỳ thi SAT đạt từ 1100/1600, hoặc ACT đạt từ 22/36. Các chứng chỉ phải còn hiệu lực tính đến ngày xét tuyển. Nhà trường cũng đưa ra điều kiện kèm theo cho phương thức này là thí sinh phải có tổng điểm 2 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 12 điểm trở lên, trong đó có môn Toán và 1 môn khác không phải ngoại ngữ.
Với các tổ hợp có môn Vẽ Mỹ thuật, tổng điểm môn Toán của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và điểm môn Vẽ Mỹ thuật của trường năm 2023 phải đạt từ 12 điểm trở lên.
Trường Đại học Hoa Sen năm nay cũng lần đầu tiên đưa ra phương thức mới là xét tuyển thẳng vào trường. Theo đó, thí sinh đã tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nếu thỏa mãn điều kiện có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế: IELTS (academic) từ 5.5 điểm trở lên hoặc TOEFL iBT từ 61 điểm trở lên hoặc TOEIC từ 600 điểm trở lên.
Trường Đại học Luật Tp.HCM thực hiện xét tuyển sớm đối với thí sinh đạt điều kiện IELTS từ 5.5 trở lên hoặc TOEFL iBT từ 65 điểm trở lên; DELF B1 từ B1 trở lên hoặc TCF từ 300 điểm trở lên; JLPT từ N3 trở lên. Song các thí sinh này vẫn phải đáp ứng điều kiện đã tốt nghiệp THPT và điểm trung bình cộng của 5 học kỳ THPT (gồm năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt tổng từ 22,5 trở lên.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, dù trúng tuyển vào đại học bằng bất kỳ phương thức tuyển sinh nào thì điều kiện không thể thiếu đó là phải có bằng tốt nghiệp THPT. Vì vậy, dù thí sinh dành thời gian chuẩn bị cho phương án xét tuyển vào đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ, vẫn không nên lơ là việc học ở trường lớp để tránh việc trượt tốt nghiệp, mất cơ hội vào đại học.
Chuyên gia đưa lời khuyên khi thí sinh xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS
Những năm gần đây, nhu cầu học và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ đã tăng đáng kể ở Việt Nam, đặc biệt là với chứng chỉ IELTS. Nếu như vài năm trước, chỉ những học sinh đi du học mới theo học, thì nay, xu hướng học IELTS đã trở nên phổ biến hơn ở nhiều đối tượng.
Chứng chỉ IELTS giờ đây không chỉ được biết đến là chứng chỉ để đi du học hay xin việc… mà còn được sử dụng như “tấm vé thông hành” vào các trường đại học. Đặc biệt một số năm trở lại đây, chứng chỉ này còn được sử dụng để xét tuyển thẳng vào các trường THPT “hot”, một số trường công lập ở nhiều tỉnh, thành phố.
Theo thông báo tuyển sinh của các trường đại học năm nay, nhiều trường công bố xét tuyển thí sinh đạt điểm IELTS từ 4.5 trở lên. Chứng chỉ ngoại ngữ IELTS được quy đổi sang thành điểm môn tiếng Anh, cao nhất tới 16 điểm rồi cộng với điểm hai môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên Sức khỏe & Đời sống, TS. Trần Minh Hoàng, chuyên gia giáo dục, tác giả bộ sách về Làm chủ tiếng Anh từ gốc, thời điểm tốt nhất để thi IELTS quốc tế là năm lớp 11, lúc đó các học sinh sẽ không bị quá áp lực của kỳ thi tốt nghiệp và đại học. Ngoài ra, trong trường hợp kết quả chưa được như mong muốn thì còn có thời gian để ôn luyện, thi thêm lần nữa để kết quả cao hơn. Nếu đạt được điểm IELTS khoảng 7.0 sẽ là một lợi thế lớn để học sinh được xét tuyển vào các trường đại học hàng đầu.
Ngoài ra, thêm một thời điểm nữa có thể chọn lựa để thi IELTS là năm thứ 3 đại học bởi thời điểm này mang lại lợi ích cho sinh viên sắp ra trường. Chứng chỉ IELTS có giá trị 2 năm nên từ đó đến khi sinh viên ra trường hoàn toàn có thể bổ sung chứng chỉ IELTS vào hồ sơ xin việc.
Do vậy, theo TS. Trần Minh Hoàng, chỉ nên học IELTS khi cần chứng chỉ này để phục vụ cho một mục đích cụ thể, nhất định nào đó như để được ưu tiên, tuyển thẳng lớp 10, đại học hoặc xin việc, du học… chứ hoàn toàn không nên học IELTS chỉ để cho vui bởi IELTS là một chứng chỉ có thời hạn, dùng để đánh giá các năng lực tiếng Anh học thuật của người sử dụng.
Bên cạnh đó cô Trần Hồng Nhung là một trong những giáo viên dạy IELTS nhiều năm, đưa ra lời khuyên cho các sĩ tử chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học năm nay: “Các em nên tìm hiểu kỹ về yêu cầu xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh theo chứng chỉ ngoại ngữ của các trường đại học và mục đích sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ của mình để có sự lựa chọn hợp lý trước khi đăng ký dự thi. Ngoài ra, các em nên thi IELTS sớm vì vừa giúp các em tránh được áp lực có quá nhiều kỳ thi dồn sát nhau, lại có thể có cơ hội thi lại nếu điểm IELTS không như mong muốn”.
Thực tế hiện nay, nhu cầu học IELTS tại Việt Nam ngày càng tăng, trẻ hoá đối tượng tới cả học sinh ở bậc trung học cơ sở. Tuy nhiên, IELTS không phải là tất cả để đánh giá năng lực tiếng Anh, trình độ học thuật và tư duy của học sinh.
Hiện tại, nhiều chuyên gia giáo dục và ngôn ngữ Anh đều đưa ra những lời khuyên và tư vấn cho học sinh và phụ huynh về việc nhìn nhận đúng vai trò của tiếng Anh là một công cụ ngôn ngữ để mở ra kho tàng kiến thức trên thế giới.
Chứng chỉ IELTS ngày càng trở nên phổ biến nhờ tính ứng dụng trong học tập, nghiên cứu và công việc.
Thông tin trên Vnexpress, triển khai từ năm 1989, chứng chỉ IELTS (International English Language Testing System) là hệ thống kiểm tra khả năng sử dụng thành thạo ngôn ngữ tiếng Anh thông qua 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Bài thi được tổ chức và đồng điều hành bởi ba tổ chức ESOL của Đại học Cambridge (University of Cambridge ESOL), Hội đồng Anh (British Council) và tổ chức giáo dục IDP của Australia.
Được công nhận bởi các trường đại học, tổ chức giáo dục danh tiếng, nhà tuyển dụng tại nhiều quốc gia như Canada, Mỹ, Anh, Australia… đồng thời cũng là điều kiện bắt buộc khi nhập cư, tìm việc hoặc du học tại các quốc gia nói tiếng Anh, chứng chỉ IELTS ngày càng phổ biến và thu hút số lượng lớn người thi. Theo ước tính, trung bình mỗi năm có khoảng 2-3 triệu thí sinh tham dự các kỳ thi IELTS trên toàn cầu để lấy chứng chỉ phục vụ cho mục đích học tập và làm việc.
Trúc Chi (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/no-ro-tuyen-sinh-bang-chung-chi-ielts-chuyen-gia-luu-y-cho-thi-sinh-a601870.html