noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiDân sinhNiềm hy vọng của công nhân ở lại sau làn sóng hồi...

    Niềm hy vọng của công nhân ở lại sau làn sóng hồi hương

    Sau làn sóng người lao động về quê, vẫn còn nhiều người quyết định ở lại. Họ hy vọng dịch bệnh sẽ được đẩy lùi để tiếp tục công việc của mình.

    Sáng ngày 14/10, PV Người Đưa Tin có mặt tại xã Thạnh Phú huyện Vĩnh Cửu, và phường Tân Biên, Tp.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Đây là hai địa bàn có số lượng người lao động ngoại tỉnh rất lớn, cũng là điểm nóng khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại đây

    Tại phường Tân Biên, với sự giúp đỡ của các chủ nhà trọ, PV gặp gỡ một số chị em là công nhân làm việc tại các công ty trong khu công nghiệp Amata (Tp.Biên Hòa) ghi nhận những tâm tư của họ.

    Chị Na Rin, quê tỉnh Đắc Lắc, làm việc tại Công ty Ritek, khu công nghiệp Amata cho biết, lúc đầu thấy dịch nhiều chị cũng rất sợ, thêm người ta rủ nhau về quê làm chị rất hoang mang.

    Nhưng được chủ nhà trọ động viên hỗ trợ thực phẩm, giảm 50% tiền trọ. Bà con khu phố và cộng đồng giáo xứ ở đây hỗ trợ lương thực, thực phẩm rất nhiều. Chị đã được chích đầy đủ 2 mũi vắc-xin, nên quyết định ở lại chờ hết dịch để đi làm. Vì trên đường về quê cũng chưa chắc đã an toàn.

    Bình tĩnh sống - Niềm hy vọng của công nhân ở lại sau làn sóng hồi hương

    Chị Na Rin đang làm công nhân tại Công ty Ritek.

    Tương tự chị Na Rin, chị Huỳnh Thư, quê Cà Mau làm việc tại Công ty INZI VINA, khu công nghiệp AMATA chia sẻ: “Về quê cũng lo sợ đủ thứ, nên em nghĩ cứ tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Ở đây em cũng không thiếu thốn gì hết, do bà con hỗ trợ rất nhiều. Công ty đã thông báo ngày 15/10 chúng em bắt đầu đi làm trở lại”.

    Bình tĩnh sống - Niềm hy vọng của công nhân ở lại sau làn sóng hồi hương (Hình 2).

    Huỳnh Thư là công nhân Công ty INZI VINA đang đứng trước phòng trọ của mình.

    Còn vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên đến từ tỉnh Kiên Giang kể, chị làm tại Công ty BROTHER. Đợt dịch vừa rồi hai vợ chồng ở yên trong phòng. Vợ chồng chị cũng cũng đã được tiêm vắc-xin đầy đủ nên ngày mai chị bắt đầu trở lại công ty để  làm việc.

    Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch phường Tân Biên cho biết, địa bàn phường có hơn 25 ngàn người lao động là người ở trọ trước khi dịch bệnh xảy ra.

    Những ngày qua có một ít người đã về quê, phần lớn là những người lao động thời vụ và lao động tự do. Còn những người làm việc tại các công ty vẫn ở lại.

    Thời gian qua, phường cũng phối hợp với các tổ dân cư vận động các chủ nhà trọ miễn giảm từ 50% đến 100% tiền nhà cho người lao động. Tất cả người ở trọ trên địa bàn đều được chích đầy đủ vắc-xin nếu họ có đăng ký tiêm.

    Tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, phần lớn những người lao động ở lại hiện đã đi làm sau khi có Chỉ thị 19 của UBND tỉnh Đồng Nai. Một số người đi làm ca chiều vẫn còn ở nhà nên PV tranh thủ ghi nhận tâm tư nguyện vọng của họ. Những người ở đây phần lớn quê ở các tỉnh An Giang, Sóc Trăng và Ninh Thuận.

    Chị Neang Kim Chanh và chị Neang Sray quê ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang cho biết, hai chị đều làm việc tại Công ty Changshin Vina. Hiện, cả hai đều đã được tiêm vắc-xin và đi làm từ đầu tuần đến giờ.

    Ông Phạm Lê Nhân, Phó Chủ tịch xã Thạnh Phú hy vọng thời gian tới người lao động sẽ quay trở lại để làm việc.

    Trao đổi với PV, ông Nhân cho biết: “Xã Thạnh Phú có khoảng hơn 18 ngàn người lao động nhập cư đến đăng ký tạm trú. Phần lớn họ đi theo kiểu hộ gia đình như anh em bà con, dòng họ và thường thuê trọ ở chung trong một khu, hoặc một dãy trọ.

    Từ đầu thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đến giờ có khoảng hơn 40% người lao động về quê, nhưng họ sẽ quay trở lại nhanh thôi vì đồ đạc họ vẫn còn để ở đây.

    Hiện, mọi người đã được tiêm vắc-xin, nên tâm lý người ở lại cũng tự tin và không còn lo lắng nữa”.

    Bình tĩnh sống - Niềm hy vọng của công nhân ở lại sau làn sóng hồi hương (Hình 3).

    Chị Neang Srây.

    Bình tĩnh sống - Niềm hy vọng của công nhân ở lại sau làn sóng hồi hương (Hình 4).

    Chị Neang Kim Chanh.

    Một lý do khác để níu chân người lao động ở lại sau những biến động vừa qua, luôn có sự đóng góp của những chủ nhà trọ. Ông Đoàn Hữu Hạnh, chủ nhà trọ tại tổ 12, ấp 1 xã Thạnh Phú với 81 phòng trọ cho thuê.

    2 tháng vừa qua, ông miễn phí 100% cho những người ở trọ tại đây. Ông Hạnh chia sẻ, người thuê nhà có đi làm mới có tiền, chứ họ thất nghiệp lấy tiền đâu mà đóng. Ông quyết định miễn phí phòng trọ để chia sẻ khó khăn với những công nhân này.

    Ông Đỗ Đức Trung, chủ nhà trọ tại 362/5 khu phố 9 phường Tân Biên, Tp.Biên Hòa với 43 phòng trọ cho thuê. “Tôi miễn 100% tiền nhà cho những bạn là sinh viên, nhân viên tham gia tuyến đầu chống dịch. Còn với công nhân thì giảm 50% và hỗ trợ lương thực từ đầu dịch tới giờ”, ông Trung nói.

    Qua ghi nhận thực tế, những người ở lại đều có tâm lý thoải mái sau khi được tiêm vắc-xin và được trở lại làm việc. Bên cạnh đó, họ cũng hy vọng vào những gói an sinh, hỗ trợ thất nghiệp cho người lao động vừa qua được tới tay, để có thêm chút tiền trang trải sau 3 tháng thất nghiệp.

    Thanh Hải

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU