Hết lòng với văn hóa truyền thống
Tìm về bon Ja Răh, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, chúng tôi được nghe không ít câu chuyện về già làng, người uy tín Y Xuyên, SN 1954, người dân tộc Mnông hết lòng với công tác bảo tồn, lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mnông.
Năm 2008, sau 34 năm công tác trong chính quyền địa phương, già Y Xuyên nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc.
Với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của mình, già Y Xuyên đã thiết kế và dựng lên không biết bao nhiêu cây nêu để phục vụ các lễ cúng khi bon, làng có lễ hội quan trọng như: Lễ Tăm Blang M’prang Bon (Lễ trồng cây pơlang rào bon), Lễ Tăm N’gap Bon (Lễ sum họp cộng đồng) và Lễ cúng mừng lúa mới…
Qua đó, giúp cho nhiều thanh niên trong bon, làng hiểu được ý nghĩa cũng như cách làm cây nêu của dân tộc mình.
Vừa dứt lời, già Y Xuyên dẫn chúng tôi vào một căn nhà gỗ của gia đình – nơi lưu giữ nhiều chiếc ché cổ, vật dụng sinh hoạt truyền thống của người Mnông.
Ngay khi cánh cửa của căn nhà gỗ được mở ra, già Y Xuyên đi đến nơi để chiếc ché cổ có tên Hlung và kể: “Ché Hlung đã có hàng trăm năm tuổi và được xem là tài sản quý giá trong gia đình người Mnông xưa. Hơn nữa, ché Hlung cũng có vai trò rất quan trọng trong các lễ cúng của người Mnông.
Vào năm 2020, qua nhiều thông tin, tôi biết được tại xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông có người rao bán chiếc ché cổ này. Lúc bấy giờ, dù cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tôi không ngần ngại vay mượn đến tìm đến mua ché Hlung với giá 10 triệu đồng và đem về cất giữ như một tài sản quý của gia đình”.
Ngay bên cạnh ché Hlung, già Y Xuyên còn cho biết, cặp ché có tên Jang Su mà gia đình đang gìn giữ cũng có tuổi đời hàng trăm năm do bố mẹ để lại.
“Với người Mnông, ngoài ché Hlung thì ché Jang su cũng được xem là vật dụng thứ cấp để góp phần làm mang lại những thành công của các lễ cúng. Điều đặc biệt nhất là sau nhiều lần gia đình tôi bị cháy nhà (vào năm 1991 và năm 2006), trong khi mọi vật bị thiêu rụi, hư hỏng thì cặp ché Jang Su vẫn được bảo toàn nguyên vẹn”, già Y Xuyên nói.
Không chỉ sưu tầm, bảo tồn những chiếc ché cổ, già Y Xuyên còn đau đáu, trăn trở với việc làm sao giữ lại tiếng chiêng cho bon, làng. Theo đó, trong khi những bộ chiêng của nhiều gia đình đã bị bán thì nhiều năm nay, gia đình ông quyết giữ lại bộ chiêng cổ có tên Jăm Pul.
Mặt khác, cứ vào tháng 5-6 hàng năm, ông lại tranh thủ thời gian mở các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, chế tác được nhạc cụ, hát sử thi, đan gùi, làm rượu cần, làm cây nêu… cho các thế hệ trẻ trong các bon, làng.
Nhờ vậy, hiện nay trên toàn xã đã có khoảng 30-40 người ở nhiều độ tuổi khác nhau biết đánh cồng chiêng và tham gia biểu diễn ở nhiều sự kiện.
Già Y Xuyên còn tìm đến các bon để tuyên truyền, động viên người dân cùng nhau giữ gìn những bộ cồng chiêng – di sản văn hóa phi vật thể.
“Trước đây, ở đây, gia đình nào cũng có một bộ chiêng và xem đó là tài sản quý. Nhiều gia đình sẵn sàng bỏ 1-2 con bò ra để đổi lấy một bộ chiêng. Tuy nhiên, thời gian qua, mải chạy theo cuộc sống thị trường khiến cho không ít người dần lãng quên giá trị của cồng chiêng trong đời sống văn hóa của người Mnông nói riêng và các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên nói chung.
Nhiều người bán một bộ chiêng chỉ với giá vài trăm ngàn đồng không chút đắn đo, lưu luyến. Để ngăn chặn tình trạng này, những năm gần đây, tôi đều nhắc nhở người dân trong bon, làng về tầm quan trọng của cồng chiêng để cùng nhau bảo tồn”, già Y Xuyên lý giải.
Để làm gương cho người dân noi theo, gia đình già Y Xuyên có 3 người con (2 trai, 1 gái) đều thành thạo chế tác nhạc cụ, đánh cồng chiêng, trang phục truyền thống. Đồng thời, tích cực tham gia đội văn nghệ của bon, đi biểu diễn tại nhiều sự kiện ở cấp huyện, cấp tỉnh.
Vợ già Y Xuyên là bà H’Dyrôm, ngoài những lúc lên nương rẫy cũng miệt mài với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Mnông.
Với những tâm huyết của mình, năm 2015, già Y Xuyên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
“Vua hòa giải” của bon, làng
Không chỉ nặng lòng với văn hóa truyền thống, già Y Xuyên còn được người dân nhắc đến với cái tên trìu mến “vua hòa giải” của bon, góp phần giữ bình yên cho nhân dân. Từ năm 2017, già được tín nhiệm là già làng và bầu làm Tổ phó (hiện nay là Tổ trưởng) tổ hòa giải của bon Ja Răh.
Để đảm bảo an ninh trật tự trong bon, già làng Y Xuyên thường “đến từng ngõ, gõ từng nhà” nhằm tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi người dân.
Đồng thời, già cũng không quên nhắc nhở, vận động người dân phải biết giúp đỡ nhau trong sản xuất, làm ăn kinh tế, lúc ốm đau, bệnh tật, xây dựng địa phương ngày càng văn minh, giàu mạnh.
Qua đó, góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm và xây dựng khối đoàn kết dân tộc.
Đặc biệt, già Y Xuyên cũng là người đi đầu giải quyết các vụ việc xích mích, mâu thuẫn trong bon.
Già làng Y Xuyên chia sẻ: “Để tránh tình trạng các thanh thiếu niên xảy ra mâu thuẫn, đánh nhau, trước khi trong bon tổ chức các bữa tiệc, đám cưới…, tôi đều thông qua hệ thống loa phát thanh của bon để vận động toàn bộ thanh, thiếu niên cùng nhau giữ gìn trật tự an ninh. Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở người dân trong bon phải quan tâm, răn đe con em mình để tránh tình trạng sa vào “lưới” pháp luật”.
Nhờ sự khéo léo trong công tác dân vận, giáo dục của già làng Y Xuyên mà những thanh, thiếu niên “cá biệt” đã trưởng thành và sống có trách nhiệm đối với gia đình cũng như cộng đồng dân cư.
Không chỉ vậy, nhiều cặp vợ chồng tưởng chừng đã đứng bên bờ vực của sự chia ly đã được già hòa giải thành công.
Đơn cử, vào khoảng tháng 3/2023, tại hai buôn Ja Răh và Rơ Cập (xã Nâm Nung), có hai cặp vợ chồng xuất phát từ những mâu thuẫn trong cuộc sống dẫn đến đánh nhau và đòi ly hôn.
Lúc này, già Y Xuyên đã cùng tổ hòa giải của địa phương đến tận nhà phân tích cái đúng, cái sai của từng người. Đồng thời, tận tình khuyên giải để họ ngồi lại, nói chuyện với nhau.
Từ đó, hai bên hiểu và thông cảm cho những thiếu sót của nhau và từ bỏ ý định ly hôn, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái.
Mặt khác, già cũng yêu cầu những cặp vợ chồng này phải viết cam kết không được tái phạm tình trạng mâu thuẫn, đánh nhau, nếu không sẽ giao cho pháp luật xử lý. Nhờ vậy, thay vào những trận đòn vô cớ là nụ cười hạnh phúc của những đôi vợ chồng, giúp cho cuộc sống gia đình luôn được hòa thuận, êm ấm.
Ngoài ra, để ngăn chặn tình trạng sinh đẻ không có kế hoạch, già Y Xuyên cũng thường xuyên vận động, tuyên truyền người dân phải sinh đẻ có kế hoạch, đảm bảo chất lượng cuộc sống gia đình.
Già Y Xuyên “tiết lộ”, để có được thành tích trên, ông thường xuyên gần gũi lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con. Qua đó, có biện pháp giúp đỡ, động viên, hòa giải kịp thời.
Với những cống hiến nói trên, thời gian qua, già làng Y Xuyên đã được trao tặng nhiều giấy khen của các cấp chính quyền, Huy chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Ba, Huy hiệu 40 tuổi Đảng…
Bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung cho biết, già làng Y Xuyên là một trong 4 vị lão thành cách mạng còn sót lại trên địa bàn Nâm Nung. Đây đều là những người gương mẫu tại địa phương trong phát triển về kinh tế, xây dựng văn hóa gia đình.
Các vị lão thành này cũng thường xuyên tham gia các cuộc họp, vận động, tuyên truyền mọi người dân sinh sống, làm việc theo đường lối chính sách của Đảng, pháp luật.
Đồng thời, đóng góp ý kiến cho cán bộ trẻ tại địa phương để cùng nhân dân xây dựng xã nhà ngày càng giàu mạnh, ấm no, với tinh thần lấy dân làm gốc.
“Ngoài nỗ lực của chính quyền địa phương, các vị lão thành cách mạng, người uy tín đóng vai trò rất lớn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn. Qua đó, bài trừ được nhiều hủ tục lạc hậu, góp phần nâng cao nhận thức, trình độ dân trí, ngăn chặn các tư tưởng sai lệch trong cuộc sống”, bà H’Thương nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung cho hay, khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp trên địa bàn, các vị lão thành cách mạng, điển hình là già Y Xuyên đã đứng ra vận động, nỗ lực làm công tác dân vận để góp phần ngăn chặn các điểm nóng về an ninh trật.
Nhờ thế, hiện tại xã Nâm Nung không xảy ra điểm nóng, khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Khánh Ngọc
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nhung-buoc-chan-khong-moi-cua-gia-lang-y-xuyen-a602763.html