Giá sầu riêng biến động mạnh
Năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu sầu riêng đạt 2,2 tỷ USD và sầu riêng chính thức được xếp vào ngành hàng tỷ đô của Việt Nam. Từ sau cú hích ấy, nhà vườn tiếp tục rủ nhau trồng sầu riêng khiến diện tích cây trồng này tăng nóng.
Thời gian gần đây dù xuất khẩu sầu riêng vài năm gần đây ghi nhận kết quả “như mơ” khi tăng trưởng liên tục ở mức cao. Trong quý I,/2024 xuất khẩu sầu riêng ước đạt 254 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu liên tục than thua lỗ.
Trao đổi với Người Lao Động ông Trương Việt Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (tỉnh Đồng Nai), lợi nhuận của doanh nghiệp tham gia xuất khẩu từ đầu năm đến nay đi ngược lại với kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng sầu riêng.
Ông Thắng cho hay từ đầu năm 2024 đến nay, giá sầu riêng thu mua tại các tỉnh miền Tây luôn duy trì ở mức cao. Trong quý I/2024, giá sầu riêng Dona (hay Monthong) luôn duy trì hơn 130.000 đồng và 110.000 đồng/kg đối với Ri 6, nông dân được hưởng lợi rất lớn từ giá sầu riêng lên cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp thu mua xuất khẩu lo lắng khi hơn 70% doanh nghiệp xuất khẩu đều thua lỗ trong thời gian qua.
Đáng chú ý, nguyên do từ 2 yếu tố giá và chất lượng. Về giá cả, khi các doanh nghiệp luôn cạnh tranh nhau về giá để đặt cọc vườn, dẫn đến giá thu mua sầu riêng biến động mạnh hơn cả thị trường chứng khoán. Trong ngày, giá có thể tăng lên 20.000 -30.000 đồng/kg bởi nhiều doanh nghiệp không đủ số lượng để hoàn thành hợp đồng, đành chấp nhận tăng giá thu mua theo thị trường, từ đó dẫn đến thua lỗ, phá vỡ hợp đồng.
“Tình trạng càng tệ hơn là giảm chất lượng xuống mức thấp so với tiêu chuẩn ngành hàng để đủ số lượng xuất khẩu. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thương hiệu sầu riêng Việt Nam luôn bị đánh giá thấp cả về mặt giá trị cũng như chất lượng so với sầu riêng Thái Lan”, ông Thắng nhận định.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cũng cho biết thường xuyên nhận được phản ánh của doanh nghiệp về việc thua lỗ. Có doanh nghiệp còn nợ phí hiệp hội do thua lỗ.
“Doanh nghiệp Việt Nam tranh nhau mua hàng, đặt cọc nhà vườn trước 2-3 tháng nên giá cả biến động lớn đến ngày thu hoạch. Thời gian qua, xu hướng chung là giá tăng nên nhà vườn “bẻ kèo, bán nơi khác giá cao hơn và doanh nghiệp phải chịu thiệt vì chưa có chế tài xử lý”, ông Nguyên nói.
Chai sẻ thêm về việc quản lý chất lượng sầu riêng, ông Nguyên cho rằng nhân lực quản lý của Nhà nước hiện đang rất mỏng. “Nên chăng cần xã hội hóa hoạt động này vì ngân sách nhà nước không đủ và không nên bao cấp. Có thể là hình thức quỹ phát triển sầu riêng, nguồn đóng góp từ các chủ hàng sầu riêng để thực hiện các hoạt động như: bảo vệ và quản lý vùng trồng, kiểm soát chất lượng, xây dựng thương hiệu”, ông Nguyên đề xuất.
Địa phương nào trồng nhiều sầu riêng?
Thống kê cho thấy Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc với khối lượng đạt gần 33.000 tấn, trị giá 161 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Hai tháng đầu năm nay, thị phần sầu riêng của Việt Nam tại Trung Quốc đã tăng lên mức 57%. Cả năm 2023 Việt Nam chiếm khoảng 32%.
Trong khi đó, Thái Lan tụt xuống vị trí thứ 2 về nguồn cung sầu riêng cho Trung Quốc với khối lượng đạt hơn 19.000 tấn, trị giá 120 triệu USD, giảm 50,3% về lượng và 45,2% về trị giá so với cùng kỳ.
Ngoài 2 nguồn cung kể trên, Trung Quốc còn nhập khẩu sầu riêng từ Philippines nhưng thị phần khá nhỏ, chỉ khoảng 1% (2,2 triệu USD).
Dù khối lượng xuất khẩu dẫn đầu song giá sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt bình quân 4.916 USD/tấn, thấp hơn so với Thái Lan 6.133 USD/tấn, nhưng cao hơn so với 3.075 USD/tấn của Philippines.
Tại Việt Nam sầu riêng được trồng nhiều ở tỉnh Đắk Lắk với khoảng 33.000 ha. Năm 2023, lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt 40.000 – 45.000 tấn, đạt giá trị từ 150 – 160 triệu USD. Đắk Lắk hiện có 68 vùng trồng sầu riêng đã được phía Trung Quốc cấp mã số, với tổng diện tích khoảng 2.521 ha. Bên cạnh đó, còn 147 vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích 3.500 ha đã hoàn tất hồ sơ cấp mã số, chỉ chờ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp phép.
Chia sẻ với Thanh Niên ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NNPTNT kiêm Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, cho biết: Năm nay thời tiết bất lợi nên nhiều nhà vườn và chuyên gia dự báo ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sản lượng cây sầu riêng của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay mưa đã xuất hiện, khô hạn không còn đe dọa. Vụ thu hoạch chính sẽ bắt đầu từ tháng 8 – 9 nên có thể hy vọng mức độ ảnh hưởng sẽ giảm. Trong năm nay, cây sầu riêng thêm tuổi nên sản lượng trên từng cây cũng tăng, bên cạnh đó nhiều vườn vào độ tuổi thu hoạch nên tổng lượng sầu riêng sẽ tăng đáng kể. Nếu các hồ sơ về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sớm được phía Hải quan Trung Quốc thông qua, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của địa phương sẽ tăng đáng kể. Lãnh đạo địa phương cũng xác định đây là đối tượng cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao nên tập trung phát triển, tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng để đảm bảo tốt nhất yêu cầu thị trường.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), hiện hồ sơ của hơn 700 mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng đã được chuyển cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc thẩm định. Nếu được phê duyệt trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có hơn 1.400 mã số vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc. Ngoài ra, khâu đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho mặt hàng sầu riêng đông lạnh cũng đã cơ bản hoàn tất chỉ chờ ngày ký. Nếu những việc này được triển khai sớm, cơ hội tăng trưởng của sầu riêng Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn rất lớn.
Sầu riêng đang xuất khẩu sang 22 quốc gia
Theo Bộ NNPTNT, sầu riêng Việt Nam đang được xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh là sản phẩm đang được các doanh nghiệp xuất khẩu đi nhiều quốc gia.
Về diện tích, chưa đầy 10 năm, diện tích sầu riêng của Việt Nam đã tăng gần 5 lần. Hiện diện tích sầu riêng cả nước tăng từ 32.000ha năm 2015 lên hơn 150.000ha năm 2023, tương ứng với sản lượng sầu riêng tăng từ 366.000 tấn lên hơn 1,2 triệu tấn.
Trúc Chi (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nhu-cau-sau-rieng-tang-manh-co-hoi-xuat-khau-tang-toc-a667507.html