Quyết định đã được dự báo trước
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát đi thông cáo điều chỉnh giảm 1% đối với một số loại lãi suất điều hành và giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Nhận định về việc này, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất có tác dụng đối phó, phản ứng lại với việc những ngân hàng của Mỹ chịu cảnh phá sản thất bại.
“Các ngân hàng ở Mỹ mua trái phiếu ở mức lãi suất rất thấp từ cách đây nhiều năm. Trong thời gian vừa qua, lãi suất tại Mỹ tăng mạnh dẫn tới thị trường trái phiếu đi xuống. Các ngân hàng như Silicon Valley Bank nắm giữ lượng trái phiếu trị giá khổng lồ buộc phải bán vì hụt thanh khoản với giá thấp hơn giá họ mua vào rất nhiều, dẫn đến thiệt hại nặng về nguồn vốn gây nên phá sản”, ông Hiếu phân tích.
Từ đó, việc giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước có thể là một tín hiệu trấn an thị trường để ổn định mặt bằng lãi suất. Hoặc nhà điều hành cũng mong muốn giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Còn theo ý kiến của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, việc điều chỉnh lãi suất này của Ngân hàng Nhà nước là quyết định không bất ngờ và đã được dự báo từ cuối năm 2022.
“Từ tháng 12/2022, các chuyên gia đã có ý kiến về việc Ngân hàng Nhà nước nên hạ lãi suất điều hành để các ngân hàng thương mại cơ sở giảm lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay”, ông nói.
Lý do là bởi đồng Việt Nam đang tương đối ổn định so với đồng USD, đồng nghĩa với việc đồng Việt Nam đang lên giá so với nhiều đồng tiền khác. Trong khi đó, tình trạng lạm phát ở Việt Nam đang rất thấp, với chỉ số 3,15% vào năm ngoái và dự kiến năm nay khoảng 3,4%. Với mức tỉ giá và lạm phát như vậy, rõ ràng lãi suất huy động có nhiều dư địa hơn.
Lãi cho vay chưa thể giảm
Động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ là tín hiệu giúp cho các ngân hàng thương mại có cơ sở hạ lãi suất huy động đồng thời là lãi suất cho vay.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh hy vọng, đến khoảng tháng 4, mặt bằng lãi suất trên thị trường có thể giảm từ 1,5 -2%.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tại thời điểm này việc giảm lãi suất điều hành chưa có tác động nhiều. Bởi Ngân hàng Nhà nước chỉ giảm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất qua đêm (lãi suất trên thị trường 2), còn lãi suất trên thị trường 1 (cho vay các thành phần kinh tế khác) có thể chưa ảnh hưởng nhiều. Mức giảm này là khá mạnh và kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng dồi dào tính thanh khoản hơn.
“Còn lần hạ lãi suất này không bao gồm hạ lãi suất huy động. Khi lãi suất huy động không thay đổi thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lãi suất cho vay, mà lãi suất cho vay cao mới đang là vấn đề của nền kinh tế”, ông Hiếu khẳng định.
Vị chuyên gia dự báo việc các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất trong thời gian tới sẽ có độ trễ, nhưng sớm hơn so với đợt giảm trước. Ông Hiếu dự định độ trễ này có thể sẽ trong vòng một tháng.
“Trên cơ sở điều chỉnh lãi suất trên thị trường 2, phải điều chỉnh lãi suất trên thị trường 1 gồm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay mới hỗ trợ nền kinh tế”, ông Hiếu đề xuất.
Còn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh dự báo, trong thời gian tới, lãi suất điều hành sẽ còn tiếp tục điều chỉnh giảm. Vì với kỳ vọng chỉ số lạm phát đạt khoảng 3,4% và việc mất giá của đồng Việt Nam so với USD xấp xỉ 2-3% thì việc giảm lãi suất là điều cực kỳ cần thiết.
Gợi ý để doanh nghiệp có thể tháo gỡ khó khăn dòng vốn trong giai đoạn này, ông Thịnh nhận định, điều quan trọng nhất hiện tại, sau khi hạ lãi suất thì các doanh nghiệp phải làm sao đáp ứng đủ điều kiện để vay được vốn ngân hàng để được hưởng lãi suất thấp chẳng hạn như: Không nợ xấu, có tài sản đảm bảo, có dự án khả thi, có khả năng trả nợ…
Nói về quyết định giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cho biết, vừa qua, cơ quan này đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn; theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này.
Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nhnn-ha-lai-suat-dieu-hanh-lai-vay-va-huy-dong-thoi-gian-toi-ra-sao-a598174.html