Cần ngừng nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Covid
Sáng 29/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Phát biểu thảo luận, dẫn báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh báo cáo trân trọng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cá nhân, tập thể đã đóng góp vào công cuộc phòng chống Covid-19, đó là công sức lớn lao, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tình thương yêu và lòng nhân ái.
“Tôi mong Chính phủ lấy đúng tinh thần Nghị quyết 30, Nghị quyết 43 của Quốc hội để thanh quyết toán kinh phí phòng chống dịch cho các lực lượng với các địa phương và đơn vị, cá nhân đã tham gia họ trong công cuộc phòng chống Covid-19. Nên làm tốt hơn nữa công tác biểu dương khen thưởng đã tham gia phòng chống dịch bệnh”, đại biểu Trí cho biết.
Về những tồn tại, theo đại biểu Trí, báo cáo của đoàn giám sát khẳng định đã có những sai phạm nghiêm trọng trong phòng chống Covid-19. Trong đó, có những sai phạm trong lĩnh vực tưởng chừng rất ít sai phạm là nghiên cứu y học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ.
“Có những cú lừa ngoạn mục sắc như dao cắt như của Công ty Việt Á, tổ chức sản xuất test kit thật đau đớn, thật đáng lên án. Sự trả giá quá đắt, quá lớn”, đại biểu đoàn Hà Nội cho biết.
Đại biểu nhấn mạnh ai tham ô, tham nhũng, ai xà xẻo trong hoạt động chống Covid-19 cần xử lý thật nghiêm khắc. Song cần xử lý thật công bằng với những ai có sai sót nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời cứu người bệnh, theo đúng tinh thần của Đảng, Quốc hội.
Đại biểu đoàn Hà Nội kiến nghị: “Nên chấm dứt việc này để ổn định để cán bộ vững lòng thực hiện những công vụ mới”.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị Bộ Y tế chú ý đến việc sản xuất kit test và sản xuất vắc-xin bệnh dịch. Theo ông Trí, Việt Nam không thể kém hơn thế giới, đặc biệt là trong khu vực bởi cần dùng để phòng ngừa các bệnh dịch mới nổi.
“Tôi đề nghị nên ngừng nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng ngừa Covid-19 tại Việt Nam, bởi bây giờ là quá muộn để sản xuất loại vắc-xin này, cần mua loại vắc-xin tốt với giá cả hợp lý và đủ để tiêm phòng cho nhân dân”, ông Trí đề xuất.
Đề nghị vinh danh cá nhân, tập thể trong chống dịch
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) góp ý về việc quản lý, sử dụng, huy động nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch trong quân đội.
Là một trong những lực lượng nòng cốt tham gia phòng chống dịch, đại biểu cho biết, ngay từ đầu, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quyết liệt huy động các nguồn lực và trên 192 nghìn chiến sĩ có trình độ chuyên môn, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn phòng chống dịch, hỗ trợ các địa phương kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, tham gia phòng chống dịch qua nhiều công việc khác nhau: thực hiện công tác khám chữa bệnh, thực hiện cách ly công dân, tiêm chủng, tham gia tích cực việc bảo đảm an sinh xã hội…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại biểu Hoàng Ngọc Định cũng chỉ rõ còn nhiều vấn đề hạn chế và đó cũng là bài học kinh nghiệm cho công tác ứng phó với những tình huống tương tự đại dịch Covid-19 vừa qua.
Đó là đòi hỏi phải có kế hoạch đồng bộ, thống nhất trong việc huy động, điều động nhân lực và cả lực lượng tư nhân; chế độ chính sách cho lực lượng tham gia quản lý; chưa khen thưởng kịp thời những tấm gương tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch…
Do đó, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị Chính phủ và các địa phương tiếp tục rà soát để đề nghị vinh danh khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc khi tham gia công tác phòng chống dịch.
Đại biểu cho rằng, đây là quy định hết sức phù hợp, đặc biệt là trong điều kiện đất nước chúng ta vừa trải qua đại dịch chưa từng có trong lịch sử với nhiều bài học tín hiệu về ứng phó với các tình huống dịch bệnh, các bệnh thảm họa, thiên tai, chiến tranh, trong đó có bài học về chủ động.
Về chế độ, chính sách cho lực lượng gián tiếp cùng tham gia phòng, chống dịch, đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan xem xét bổ sung chính sách và tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với đội ngũ lái xe, hành chính, kế toán và các cán bộ khác trong hệ thống y tế dự phòng.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/nhin-lai-vu-viet-a-dbqh-noi-cu-lua-ngoan-muc-sac-nhu-dao-cat-a610088.html