noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủThế giớiNhiều bài học để lại sau sự sụp đổ của 3 ngân...

    Nhiều bài học để lại sau sự sụp đổ của 3 ngân hàng lớn ở Mỹ

    Cú sốc sụp đổ của SVB khiến hàng nghìn công ty khởi nghiệp suy nghĩ lại về cách thức giao dịch ngân hàng của họ.

    Trong tuần qua, nước Mỹ chứng kiến một trong những sự cố tài chính lớn nhất lịch sử nước này, kể từ vụ Ngân hàng Washington Mutual phá sản vào năm 2008.

    Cụ thể, liên tiếp 3 ngân hàng lớn là Silvergate, Thung lũng Silicon (SVB) và Signature (SB) đã sụp đổ chỉ cách nhau vài ngày, khiến lĩnh vực ngân hàng của nền kinh tế lớn nhất thế giới một phen lao đao. 

    Nhiều người so sánh cú sụp đổ của SVB với cuộc khủng hoảng vào năm 2008, trong khi đó một số chuyên gia cho rằng tình hình hiện tại giống như cuộc khủng hoảng cho vay và tiết kiệm (S&L) vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990.

    Dù vậy, có một điều chắc chắn là sự sụp đổ của SVB sẽ để lại bài học kinh nghiệm, đặc biệt là đối với các công ty khởi nghiệp. 

    Nhìn về các cuộc khủng hoảng ngân hàng trước

    Sau cú sụp đổ của ba ngân hàng lớn ở Mỹ, nhất là SVB – ngân hàng nằm trong top 20 ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ, giới đầu tư đang đi tìm câu hỏi cho điều gì có thể sẽ xảy ra tiếp theo.

    Liệu đó có phải là một cuộc hỗn loạn lan rộng trong toàn hệ thống tài chính, nhiều quy định chặt chẽ hơn của chính phủ Mỹ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngừng tăng lãi suất hay thậm chí một điều gì đó hoàn toàn khác?

    Thế giới - Nhiều bài học để lại sau sự sụp đổ của 3 ngân hàng lớn ở Mỹ

    Nhiều bài học để lại sau sự sụp đổ của ba ngân hàng lớn ở Mỹ. (Ảnh: Xinhua).

    Để giải được các câu hỏi trên, những bài học từ quá khứ sẽ đưa đến những lời giải cho tương lai. Mặc dù cú sốc SVB khiến nhiều người liên tưởng tới cuộc khủng hoảng tài chính tương tự vào năm 2008, tuy nhiên các nhà phân tích đi xa hơn về năm 1991 để đưa ra dự đoán chính xác hơn.

    Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay ở Mỹ khác xa so với những gì đã xảy ra vào năm 2008. Đầu tiên, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng vào 15 năm trước bắt nguồn từ những tài sản khó định giá như chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp (MBS), khiến cho các ngân hàng khó xác định giá trị của chúng.

    Tuy nhiên, lần này các tài sản gây rắc rối cho các ngân hàng như trái phiếu kho bạc Mỹ và các trái phiếu khác dễ dàng có thể định giá và bán ra. Do đó, sự can thiệp của chính phủ Mỹ hiệu quả hơn.

    Và hơn hết, trong cuộc khủng hoảng lần này, chính phủ đã vào cuộc sớm để đảm bảo tất cả các tiền gửi của khách hàng và khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng Mỹ.

    Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) cũng chi trả cho mỗi khách hàng gửi tiền lên tới 250,000 USD và các ngân hàng lớn để giúp họ vượt qua tình trạng khó khăn hiện nay.

    Tuy nhiên điều đó không có nghĩa hệ thống ngân hàng Mỹ không còn khó khăn phía trước, đơn cử là cổ phiếu của các ngân hàng đã giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm 13-3.

    Do đó, để hiểu rõ hơn về cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay, các nhà phân tích đề xuất nên nghiên cứu trường hợp cuộc khủng hoảng cho vay và tiết kiệm (S&L). 

    Các quỹ S&L đóng vai trò giống như các ngân hàng nhưng chuyên nhận tiền gửi tiết kiệm và các khoản cho vay thế chấp. Vào những năm 1980, khi chính phủ Mỹ bãi bỏ những quy định giám sát, các quỹ này bắt đầu dùng tiền gửi của khách hàng thực hiện các khoản đầu tư rủi ro.

    Tuy nhiên, các khoản đầu tư này trở nên kém hiệu quả và các quỹ S&L bị thua lỗ ngay thời điểm FED tăng lãi suất. Điều này khiến cho những người đi vay từ quỹ không đủ khả năng để trả nợ. Kết quả là nhiều quỹ S&L bị sụp đổ và chính phủ Mỹ phải can thiệp để giải cứu.

    Theo nhà phân tích Jaret Seiberg của TD Cowen, nếu có sự tương đồng giữa cuộc khủng hoảng hiện nay với những gì ta thấy từ cuộc khủng hoảng S&L thì đó chính là vụ sụp đổ ngân hàng điển hình. Còn điểm khác biệt duy nhất ở đây là nước Mỹ đang giải quyết với một ngân hàng tập trung vào công nghệ hơn là bất động sản.

    Ông Seiberg cho biết kể từ cuộc khủng hoảng S&L, các nhà quản lý Mỹ đã ngăn không cho các ngân hàng tham gia vào các khoản đầu tư ngắn hạn, điều này vô hình trung gây ra sự sụp đổ của SVB.

    Thế giới - Nhiều bài học để lại sau sự sụp đổ của 3 ngân hàng lớn ở Mỹ (Hình 2).

     Nhiều chuyên gia so sánh sự sụp đổ 3 ngân hàng Mỹ hiện nay giống với cuộc khủng hoảng S&L vào cuối thế kỷ XX. (Ảnh: Reuters).

    Điều gì đang chờ đợi tiếp theo?

    Chúng ta rút ra được bài học gì từ cuộc khủng hoảng trên? Theo chuyên gia Kit Juckes của Ngân hàng Societe Generale, việc xem xét các quy định và chính sách của ngân hàng trung ương dường như chắc chắn.

    Ông nói thêm rằng, nếu coi cuộc khủng hoảng S&L “là một mô hình cho những gì xảy ra tiếp theo, thì chúng ta đang ở gần mức lãi suất cao nhất so với suy đoán của thị trường”. 

    Từ đó, ông nhận định FED có thể sẽ dừng việc tăng lãi suất và rất có thể nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ trong năm nay.

    Trên thực tế, nhiều nhà quản lý ngân hàng trước đây, các nhà kinh tế và các nhà phân tích Phố Wall đã lên tiếng kêu gọi FED dừng việc tăng lãi suất để chống lạm phát trong bối cảnh sự hỗn loạn của ngành ngân hàng hiện nay.

    Các chuyên gia này cho rằng chính chính sách thắt chặt tài chính của FED đã làm tăng lợi suất trái phiếu kho bạc, một phần dẫn đến sự sụp đổ của SVB. 

    Nhiều lời cảnh tỉnh cho các công ty khởi nghiệp 

    Thế giới - Nhiều bài học để lại sau sự sụp đổ của 3 ngân hàng lớn ở Mỹ (Hình 3).

    Các công ty khởi nghiệp đang tính toán lại chiến lược giao dịch ngân hàng sau vụ SVB. (Ảnh: The Economic Times).

    Mớ hỗn loạn mà SVB để lại đã đặt ra bài toán tài chính cho hàng nghìn công ty khởi nghiệp từ Thung lũng Silicon đến London, Tel Aviv và các trung tâm công nghệ trên khắp Châu Phi phụ thuộc một chiều vào SVB, từ nắm giữ tài sản cho đến các khoản thế chấp cá nhân.

    Nhiều nhà đầu tư và công ty công nghệ tin rằng, tương lai sẽ khó khăn hơn nhiều, ngay cả khi ngân hàng tiếp tục hoạt động với một tên mới. 

    Nhà phân tích Edith Yeung – đối tác chung tại Race Capital cho biết, các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ phải đặt nhiều nghi vấn cho ngân hàng mà họ lựa chọn, trong khi nhiều khả năng sẽ phải thử nhiều phương án truyền thống hơn. Bà Yeung cũng khuyên rằng lựa chọn ngân hàng dựa trên danh tiếng là chưa đủ.

    Nhiều công ty khởi nghiệp có kế hoạch chuyển tiền của họ đến một tổ chức lớn, nơi họ được đảm bảo rằng số tiền đó sẽ an toàn, ngay cả khi họ không nhận được dịch vụ siêu cá nhân hóa và lãi suất cao.

    Một số nhà sáng lập còn dự định giao dịch với Ngân hàng Mỹ và JPMorgan. Bảo hiểm tiền gửi cũng là một ưu tiên khi một số công ty khởi nghiệp có kế hoạch gửi tiền của họ vào nhiều ngân hàng để duy trì hạn mức dưới 250,000 USD của FDIC.

    Sự sụp đổ của SVB cũng là hồi chuông cảnh tỉnh một số giám đốc điều hành (CEO) ở các công ty khởi nghiệp về năng lực quản lý tài chính.

    Ông Pete Flint – đối tác chung của NFX cho biết, sau vụ việc vừa rồi, các CEO không chỉ quan tâm đến cách bảo vệ nguồn tiền mà còn muốn học cách tận dụng môi trường lãi suất cao để thu được lợi nhuận. Ông cũng khuyến nghị những người sáng lập cần đảm bảo rằng, họ có nhiều hơn một tài khoản ngân hàng.

    Vĩnh Khang (theo CNN, Bloomberg)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU