noel giáng sinh vui vẻ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img
More
    Trang chủGiải tríNhan sắc thăng hạng liệu có là cú hích cho ngành du...

    Nhan sắc thăng hạng liệu có là cú hích cho ngành du lịch?

    Sự bùng nổ của làn sóng Hallyu góp phần đưa Hàn Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn. Điều tương tự liệu có đến với Việt Nam khi nhan sắc Việt liên tục thăng hạng?

    Nhân dịp đầu Xuân, Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với CEO của Công ty Giải trí Sen Vàng, đơn vị tổ chức của nhiều cuộc thi nhan sắc lớn của Việt Nam như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam… và đang nắm giữ bản quyền 10 cuộc thi hoa hậu quốc tế.

    Bước tiến dài

    Người Đưa Tin: Nhan sắc Việt trên trường quốc tế đã thay đổi thế nào trong những năm trở lại đây?

    Bà Phạm Kim Dung: Thùy Tiên đăng quang Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021, H’Hen Nie lọt vào Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ 2018, Phương Khánh trở thành Hoa hậu Trái đất 2018 là những cú hích. Trong đó, việc Thùy Tiên giành chiến thắng ấn tượng khi có hành trình chinh phục vương miện như một chiến binh từ catwalk, hình ảnh đến tiếng Anh đã giúp Việt Nam trở thành đất nước được chú ý tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế.

    Trước Thùy Tiên, Việt Nam cũng đã tạo nên dấu ấn với những thành tích khá tốt như Tường San vào Top 8 của Hoa hậu Quốc tế 2019, Lương Thùy Linh lọt Top 12 của Hoa hậu Thế giới 2019, Đỗ Thị Hà lọt Top 13 Hoa hậu Thế giới 2020, Lona Kiều Loan và Phương Nga đều lọt Top 10 Hoa hậu Hòa bình Quốc tế… Đặc biệt, trong năm 2022, chúng ta đạt được kết quả ấn tượng khi Bảo Ngọc trở thành Hoa hậu Hoa hậu Liên lục địa 2022.

    Với việc liên tiếp góp mặt những đại diện chất lượng, đạt thành tích tốt cho thấy nhan sắc Việt đã rất vững vàng trên đấu trường nhan sắc quốc tế. Tôi tin rằng những năm tới, chúng ta sẽ còn tiếp tục tốt hơn nữa khi đã có nhiều kinh nghiệm và sự chuẩn bị chu đáo.

    Văn hoá - Nhan sắc thăng hạng liệu có là cú hích cho ngành du lịch?

    Người Đưa Tin: Theo chị, đâu là yếu tố tạo nên bước tiến nhảy vọt của Việt Nam?

    Bà Phạm Kim Dung: Có nhiều yếu tố giúp chúng ta đạt được sự chuyển mình ấn tượng như vậy và đầu tiên phải kể đến yếu tố quan trọng nhất chính là các thí sinh. Đại diện của Việt Nam tại các đấu trường nhan sắc quốc tế có nền tảng kiến thức tốt, tiếng Anh tốt và chủ động hội nhập. Những yếu tố đó kết hợp cùng nhan sắc đã giúp các cô gái của chúng ta để lại ấn tượng. Sau đó là sự chuẩn bị chu đáo của các đơn vị cử đại diện đi thi. Với Sen Vàng, mỗi cô gái chúng tôi cử đi thi đều được chuẩn bị kỹ càng từ việc đào tạo các kỹ năng mềm đến trang phục. May mắn là chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ hết mình của các nhà thiết kế, chuyên gia trang điểm, các stylist…

    Bên cạnh đó, sự ủng hộ của truyền thông và người hâm mộ cũng giúp nhan sắc Việt gây ấn tượng rất lớn đối với bạn bè quốc tế. Sư ủng hộ hết mình của truyền thông cho thấy Việt Nam là đất nước rất quan tâm đến các cuộc thi nhan sắc. Người hâm mộ nhan sắc của chúng ta thì quá tuyệt vời. Fan đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp các đại diện Việt Nam tự tin hơn, vững vàng hơn khi chinh chiến. Sự yêu mến của người hâm mộ dành cho Thùy Tiên, Thiên Ân, Lương Thùy Linh… đã để lại ấn tượng sâu sắc với bạn bè quốc tế. Sự yêu mến, ủng hộ của người hâm mộ rất đáng trân trọng.

    Văn hoá - Nhan sắc thăng hạng liệu có là cú hích cho ngành du lịch? (Hình 2).

    Người Đưa Tin: Việt Nam được một số chuyên gia đánh giá là “thế lực mới trong lĩnh vực nhan sắc” trên trường quốc tế. Chị nghĩ sao về đánh giá này? Chúng ta cần làm gì để duy trì được “đà tăng”?

    Bà Phạm Kim Dung: Hiện tại, các nước châu Á đã trỗi dậy, đặc biệt là các nước Đông Nam Á vì họ có lượng người hâm mộ lớn. Khi các quốc gia có sự chuẩn bị kỹ càng thì lợi thế không thuộc về một quốc gia hay quốc gia nào đó vượt trội hơn. Mỗi năm đều sẽ có những ngôi sao mới và trong 2, 3 năm trở lại đây, Việt Nam được coi là ngôi sao mới nổi. Trên các bảng xếp hạng nhan sắc, thứ hạng của Việt Nam liên tục tăng do đạt được nhiều thành tích ấn tượng trên các đấu trường nhan sắc danh giá. Việt Nam đã có một bước tiến dài và đó là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực.

    Để đạt được thành công trong một cuộc thi nhan sắc phụ thuộc vào nhiều yếu tố gồm: Kiến thức, kỹ năng của thí sinh; sự chuẩn bị của đơn vị cử thí sinh đi thi và cả may mắn nữa. Vì vậy, chúng ta không thể đem thành tích của năm trước để áp đặt cho năm sau. Mỗi năm sẽ luôn có những sự thay đổi nhất định, ví dụ năm nay đại diện của chúng ta mạnh nhưng nếu nước khác mạnh hơn thì cũng phải chấp nhận. Bên cạnh đó, nó còn phụ thuộc vào tiêu chí của ban giám khảo ở từng năm. Thế nên, việc đòi hỏi thành tích của năm sau phải cao hơn năm trước là điều không thể làm được.

    Người Đưa Tin: Venezuela đã từng được ví là “lò đào tạo hoa hậu” nhưng nay họ đã mất vị thế. Cần làm gì để điều này không xảy ra với Việt Nam?

    Bà Phạm Kim Dung: Trước đây, Venezuela là đất nước có nhiều đại diện đăng quang ở đấu trường nhan sắc quốc tế như Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới và một số cuộc thi khác. Thời điểm đó, họ có kinh nghiệm và thế giới chưa thực sự phẳng nên các quốc gia chưa có nhiều cơ hội để học hỏi kinh nghiệm của nhau, nhưng hiện tại mọi chuyện đã khác.

    Trong những năm vừa qua, Venezuela không còn là một quốc gia mạnh về nhan sắc. Họ vẫn là một đất nước có các thí sinh mạnh về vóc dáng nhưng nếu xét về tổng thể thì không còn là một quốc gia mạnh nữa. Hiện tại, đấu trường nhan sắc quốc tế không dành riêng cho một quốc gia nào cụ thể.

    Để chúng ta tiếp tục có được “đà tăng” tôi cho rằng cần sự chỉn chu từ khâu tổ chức trong nước. Chúng ta phải chọn được những cô gái đăng quang xứng đáng và từ đó sẽ có được những chiến binh mạnh ở đấu trường nhan sắc quốc tế.

    Văn hoá - Nhan sắc thăng hạng liệu có là cú hích cho ngành du lịch? (Hình 3).

    Cầu nối của nhan sắc và du lịch

    Người Đưa Tin: Năm 2020, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc công bố kết quả khảo sát về Hallyu (thuật ngữ nói về làn sóng yêu mến văn hóa giải trí Hàn Quốc), trong đó cho thấy, Kpop chính là yếu tố lớn nhất thúc đẩy khách du lịch Hallyu đến Hàn Quốc. Chị có nghĩ, việc ghi dấu ấn ở các đấu trường nhan sắc quốc tế cũng sẽ mang lại điều tương tự với Việt Nam?

    Bà Phạm Kim Dung: Đó là điều chắc chắn, thông qua Thùy Tiên hay các cô gái đã thể hiện sự xuất sắc trên các đấu trường nhan sắc, Việt Nam được nhiều người biết đến hơn. Mỗi cuộc thi sẽ có một lượng người hâm mộ nhất định, khi thí sinh của chúng ta tham gia cuộc thi sẽ nhận được sự quan tâm của người hâm mộ và nếu các cô gái đạt thành tích tốt hiệu ứng mang lại đương nhiên sẽ tốt hơn.

    Ở đâu đó có một bộ phận nhỏ nghĩ rằng Việt Nam là một đất nước nhỏ bé, chiến tranh và lạc hậu. Tôi nghĩ rằng thông qua việc các cô gái của chúng ta góp mặt tại những cuộc thi nhan sắc, kể cả được giải hay không được giải cũng đều sẽ giúp quảng bá hình ảnh về một đất nước Việt Nam tươi đẹp. Đương nhiên, khi cô gái của chúng ta đạt được thành tích tốt thì hiệu ứng mang lại sẽ tốt hơn. Ví dụ, sau khi đăng quang Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021, Thùy Tiên đã góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam tốt hơn tại những đất nước mà bạn ấy đến.

    Khi chúng ta thể hiện tốt trên các đấu trường nhan sắc thì chắc chắn sẽ kéo theo những hiệu ứng khác. Mọi người sẽ tò mò về phụ nữ Việt Nam, con người Việt Nam và đất nước Việt Nam. Đó là một cơ hội quảng bá.

    Văn hoá - Nhan sắc thăng hạng liệu có là cú hích cho ngành du lịch? (Hình 4).

    Người Đưa Tin: Chị đánh giá sao về hiệu quả của việc quảng bá hình ảnh Việt Nam qua những cuộc thi nhan sắc?

    Bà Phạm Kim Dung: Việc Việt Nam trở thành nhân tố mới trên đấu trường nhan sắc sẽ giúp một bộ phận nhỏ người dân trên thế giới nhìn nhận khác về con người Việt Nam, đất nước Việt Nam. Bởi, một lĩnh vực phát triển phải dựa trên tổng thể phát triển chứ không thể phát triển riêng một lĩnh vực. Bên cạnh nhan sắc, nhiều năm qua chúng ta đã có những dấu ấn vô cùng ấn tượng ở nhiều lĩnh vực như bóng đá, phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả và có thể cả những lĩnh vực khác mà trong tầm hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi chưa biết hết.

    Việc chúng tôi đem cuộc thi hoa hậu quốc tế về tổ chức tại Việt Nam hay mời các hoa hậu quốc tế đến Việt Nam cũng là một hình thức để quảng bá về du lịch. Mỗi người đẹp, hoa hậu quốc tế đều sẽ sở hữu một lượng người hâm mộ hùng hậu và đi đến đâu, người hâm mộ của họ sẽ dõi theo đến đó. Qua đó, hình ảnh của Việt Nam sẽ được biết đến nhiều hơn, ít nhất là fan của họ và có thể sẽ rộng hơn. Bạn bè quốc tế sẽ thấy, Việt Nam là một đất nước xinh đẹp, ẩm thực của chúng ta tuyệt vời ra sao và người Việt thân thiện, hiếu khách đến mức nào. Năm 2023, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế sẽ được tổ chức tại Việt Nam, tôi cho rằng đây sẽ là một cái cơ hội lớn để quảng bá cho Tp.Hồ Chí Minh quảng bá cho du lịch Việt Nam.

    Văn hoá - Nhan sắc thăng hạng liệu có là cú hích cho ngành du lịch? (Hình 5).

    Người Đưa Tin: Gắn bó với nhan sắc Việt trong nhiều năm, một trong những thứ khiến tôi vô cùng ấn tượng chính là các clip giới thiệu của đại diện Việt Nam ở đấu trường nhan sắc quốc tế. Trong những clip ấy, Việt Nam hiện lên thật đẹp. Quảng bá du lịch Việt Nam qua những clip thể này liệu có hiệu quả?

    Bà Phạm Kim Dung: Ngay từ những ngày đầu cử đại diện chinh chiến tại các đấu trường nhan sắc, Sen Vàng đã chủ trương quảng bá hình ảnh vẻ đẹp, đất nước con người Việt Nam qua các clip giới thiệu thí sinh. Chúng tôi coi đó là cơ hội để giới thiệu những danh lam thắng cảnh, những điều tốt đẹp về Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Chúng tôi mang những giá trị rất Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, đó có thể là danh lam thắng cảnh, lịch sử đáng tự hào hay những món ăn nổi tiếng thế giới. Đây là một kênh quảng bá rất tốt.

    Như đã nói ở trên, mỗi cuộc thi sẽ có fan sắc đẹp riêng nên mỗi clip giới thiệu luôn có một lượng lớn người xem, người yêu thích, lượt chia sẻ và cả những người “săm soi” nữa. Vì vậy, trong những clip ấy chúng tôi luôn lồng ghép vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam để show ra cho bạn bè quốc tế. Chúng tôi luôn tìm kiếm những điều đặc biệt, những điều tốt đẹp để tạo dấu ấn. Ví dụ, với Đỗ Mỹ Linh, chúng tôi chọn cột cờ, Hồ Gươm, Trường đại học Ngoại thương để quảng bá. Có thể những hình ảnh này, bạn bè quốc tế đã nhìn thấy ở đâu đó nhưng clip giới thiệu sẽ giúp khắc sâu thêm dấu ấn về Hà Nội để Thủ đô của chúng ta trở nên đậm đà hơn trong tâm trí những người đang xem clip. Với Hoa hậu Trần Tiểu Vy, chúng tôi làm về Đà Nẵng, về Hội An cũng là điểm du lịch rất nổi tiếng của Việt Nam và được nhiều bạn bè quốc tế biết đến. Với Lương Thùy Linh, chúng tôi chọn thác Bản Giốc (Cao Bằng), đây là địa điểm vô cùng đặc biệt của Việt Nam. Với Đỗ Hà, Thanh Hóa là một vùng đất có thiên nhiên hùng vĩ nên chúng tôi cũng chọn được rất nhiều địa điểm đẹp.

    Vì chú ý đến việc quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp, con người Việt Nam nên chúng tôi luôn có phần sub tiếng Anh trong các clip giới thiệu. Phần sub này sẽ mang đến nhiều thông tin hơn cho bạn bè quốc tế. Ở mỗi clip giới thiệu, quốc kỳ Việt Nam luôn xuất hiện ở đầu và cuối như một lời khẳng định về niềm tự hào dân tộc. Qua những clip giới thiệu như thế Việt Nam hiện lên vô cùng diễm lệ. Chúng tôi làm những clip đó với niềm tin, sự tự hào lớn lao về Tổ quốc.

    Một clip đó, khi đã được chia sẻ trên mạng xã hội hay trên các trang chính thức của cuộc thi, nó sẽ tồn tại mãi mãi. Một người xem được clip ấy là một lần chúng ta quảng bá và ở một đấu trường nhan sắc lớn thì có đến hàng triệu người xem. Với con số ấy, việc quảng bá sẽ rất hiệu quả. Tôi tin rằng với những người xem các clip này đều sẽ thấy Việt Nam là điểm đến hấp dẫn thế nào. Và, tôi cũng nghĩ rằng với những vẻ đẹp ấy bạn bè quốc tế sẽ muốn đến đất nước của chúng ta.  

    Clip quảng bá vẻ đẹp Việt Nam của Hoa hậu Lương Thùy Linh tại cuộc thi Miss World 2019.

    Người Đưa Tin: Một clip như vậy sẽ mất bao lâu để thực hiện thưa chị?

    Bà Phạm Kim Dung: Mất rất nhiều công sức cho một clip giới thiệu như vậy, từ khâu lên ý tưởng cho đến khi hậu kỳ, ở mỗi khâu chúng tôi sẽ tập trung làm điều tốt nhất có thể. Clip giới thiệu chỉ kéo dài 1,5 đến 2 phút nhưng ê-kíp phải quay từ 10 – 15 ngày. Như đã nói, chúng tôi coi clip này là kênh quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp, đất nước, con người Việt Nam nêu luôn chỉn chu từ những khung hình nhỏ nhất, chi tiết đến những đầu việc bé nhất. Chúng tôi trân trọng từng khoảnh khắc để làm sao bạn bè quốc tế thấy được thiên nhiên tươi đẹp của Việt Nam, con người Việt Nam thân thiện thế nào. Còn về chi phí thì không thể kể hết, bởi ở đó chúng tôi làm việc bằng cả tấm lòng, sự tự hào dân tộc nên không con số nào tương xứng với tâm sức ê-kíp đã bỏ ra.

    Người Đưa Tin: Ở trên chị chia sẻ, năm 2023, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. Chị kỳ vọng điều gì ở việc Việt Nam trở thành nước chủ nhà của cuộc thi này?

    Bà Phạm Kim Dung: Khi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế được tổ chức ở Việt Nam, các thí sinh và giám đốc quốc gia của họ sẽ đến Việt Nam. Sự xuất hiện của họ cũng sẽ kéo theo sự chú ý của người hâm mộ ở nước đó, truyền thông tại nước đó. Với gần 100 thí sinh tham gia, hiệu ứng về quảng bá sẽ rất lớn. Tôi tin rằng khi ấy Việt Nam sẽ tạo xu hướng trên công cụ tìm kiếm. Bởi, đây là một cuộc thi sắc đẹp lớn và có lượng người hâm mộ vô cùng nhiều. Thế nên, đây sẽ là cầu nối quan trọng giữa nhan sắc – du lịch và khi ấy Tp.Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ được nhiều bạn bè quốc tế quan tâm. Tôi kỳ vọng vào một kỳ tổ chức tốt để quảng bá cho hình ảnh Việt Nam. Tôi mong rằng khi ấy các khách sạn tại Tp.Hồ Chí Minh sẽ không còn một phòng trống. Tôi tin điều này có thể làm được khi chúng ta có sự chuẩn bị đầy đủ và chỉn chu.

    Văn hoá - Nhan sắc thăng hạng liệu có là cú hích cho ngành du lịch? (Hình 6).

    Người Đưa Tin: Theo quan điểm của chị, đâu là điều kiện cần và đủ để nhan sắc – du lịch Việt cùng song hành?

    Bà Phạm Kim Dung: Hiện nay, chính sách về quản lý đối với các cuộc thi nhan sắc đã mở hơn rất nhiều. Nhiều đơn vị sẽ được tổ chức và chúng ta sẽ có nhiều thí sinh để tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế. Tuy nhiên, dù mở thế nào cũng cần có biện pháp quản lý để đảm bảo chất lượng, nhỏ chất lượng theo nhỏ, lớn chất lượng theo lớn. Các cuộc thi cần được tổ chức một cách lành mạnh, hiệu quả để những cô gái đăng quang phải thật sự xứng đáng. Chúng ta cần có các chế tài để làm sạch nhằm tránh những phát sinh, những lùm xùm chẳng hạn như việc mua giải. Chỉ khi quản lý có hiệu quả thì mới chọn được những người đăng quang xứng đáng, từ đó có những chiến binh thực sự chất lượng tại các cuộc thi nhan sắc thế giới.

    Tôi cho rằng chúng ta đang có một điểm thuận lợi đó là cơ quan quản lý về văn hóa và du lịch đều cùng thuộc quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Điều này mang đến nhiều lợi ích trong việc đưa chính sách từ trên giấy đến thực tiễn. Sự phối hợp giữa văn hóa, thể thao và du lịch cũng sẽ trở nên nhịp nhàng hơn.

    Với các doanh nghiệp, trên cương vị là những nhà tổ chức, chúng tôi luôn có ý thức kết hợp giữa các cuộc thi nhan sắc với việc quảng bá du lịch. Tại những địa phương tổ chức cuộc thi, chúng tôi nỗ lực hết sức để quảng bá du lịch cho địa phương đó. Tôi hay chị đều hiểu rằng chúng ta không chỉ làm việc cho bản thân mà còn có nghĩa vụ cống hiến cho đất nước. Chúng tôi chỉ mong rằng mình sẽ nhận được sự ủng hộ, cổ vũ để có thể làm tốt nhất vai trò của mình.

    Văn hoá - Nhan sắc thăng hạng liệu có là cú hích cho ngành du lịch? (Hình 7).

    Người Đưa Tin: Năm 2022 đã có 22 cuộc thi nhan sắc được tổ chức, điều này khiến nhiều người tự hỏi, hoa hậu nhiều để làm gì?

    Bà Phạm Kim Dung: Ngày xưa, chúng ta thường có quan niệm trí tuệ không song hành cùng nhan sắc, nhưng tôi xin khẳng định những năm gần đây thí sinh tham gia các cuộc thi hoa hậu hay các bạn giành được giải thưởng đều thực sự rất giỏi. Những cô gái giành được giải thưởng có nhiều đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng thông qua các hoạt động thiện nguyện và những câu chuyện truyền cảm hứng.

    Nếu cô gái đăng quang Hoa hậu đúng với tiêu chí của cuộc thi thì những giá trị mà cô gái ấy mang lại là rất lớn. Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Lương Thùy Linh, Trần Tiểu Vy, Đỗ Thị Hà, Nguyễn Thúc Thùy Tiên hay Thiên Ân,… bằng ảnh hưởng của mình họ đã có nhiều hoạt động thiện nguyện, sự nỗ lực của họ trở thành những câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ. Họ giúp các bạn trẻ thấy được cách để trở thành một công dân toàn cầu là như thế nào?, đó là luôn trau dồi kiến thức và hoàn thiện các kỹ năng tiếng Anh.

    Một cô gái đi thi hoa hậu được giải hay không được giải thì với kiến thức đã có họ vẫn sẽ trở thành những công dân tốt. Một bạn trẻ giỏi tiếng Anh, có nền tảng kiến thức tốt, vừa đẹp vừa giỏi và có đời sống cá nhân trong sạch chắc chắn sẽ có những đóng góp nhất định cho xã hội. Mỗi tế bào tốt sẽ tạo nên một xã hội tốt. Những hoa hậu chân chính sẽ mang lại những giá trị, góp phần cho sự phát triển chung của đất nước.

    LÊ ANH (Thực hiện)

     

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU